Phân tích - Bình luận

“Yếu tố Trung Quốc” trong thương vụ Nippon Steel và US Steel

Trương Khắc Trà 08/01/2025 03:20

Tăng trưởng công suất công nghiệp của Trung Quốc khiến nhiều ngành nghề tìm cách tái cấu trúc. Thương vụ Nippon Steel và US Steel là ví dụ.

Nippon Steel không thể mua lại US Steel (Ảnh Gfmag)
Nippon Steel không thể mua lại US Steel (Ảnh Gfmag)

Nippon Steel - nhà sản xuất thép lớn thứ 3 thế giới của Nhật Bản đã xúc tiến thương vụ mua lại công ty cùng ngành ở Mỹ là US Steel, trị giá lên tới 14,9 tỷ đô la Mỹ. Đây là thương vụ M&A lớn nhất lịch sử ngành thép.

US Steel, được thành lập vào năm 1901 bởi các nhà công nghiệp đại tài Andrew Carnegie, J.P. Morgan và Charles Schwab, sở hữu lực lượng lao động dồi dào. Đây là một thương hiệu từng được coi là biểu tượng cho sức mạnh của nền kinh tế Mỹ.

Nhưng mọi việc dường như đổ bể khi Tổng thống Joe Biden đã viện dẫn tới đạo luật “Sản xuất quốc phòng” và “lắc đầu” vì lý do an ninh quốc gia và chuỗi cung ứng quan trọng của Mỹ.

Nippon Steel đang phải vật lộn với nhu cầu trong nước đang suy giảm, một phần vì kinh tế Nhật giảm tốc, nhưng phần lớn do sự cạnh tranh quyết liệt từ thép Trung Quốc giá rẻ. Động thái Nippon Steel chi mạnh tay mua lại US Steel được coi là giải pháp thoát vòng vây của thép Trung Quốc ngay tại quê nhà.

Thép Trung Quốc đã tràn ngập thị trường toàn cầu với khối lượng xuất khẩu cao gần một thập kỷ khi lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn của nước này đè nặng lên nhu cầu trong nước, làm đảo lộn ngành thép toàn cầu.

Thép Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới (Ảnh seneca SEG)
Thép Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới (Ảnh seneca SEG)

Nguyên nhân này khiến Nippon Steel phải đầu tư nhiều hơn vào nguyên liệu thô và chuyển sản xuất ra thị trường Mỹ, Ấn Độ. Gần đây, Nippon Steel đã thâu tóm các tài sản khai thác trên toàn cầu, bao gồm cả việc mua lại các tài sản quặng sắt và than cốc ở Canada và Australia vào năm ngoái.

Kyle Lundin, Cố vấn chính tại Wood Mackenzie phân tích: “Công suất thép dư thừa của Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục gây áp lực lên các nhà sản xuất cùng ngành, sẽ thúc đẩy Nippon Steel không ngừng tìm kiếm thêm đối tác ở bên ngoài nhằm củng cố khả năng cạnh tranh”.

Nippon Steel có kế hoạch dài hạn là tăng công suất sản xuất thép thô lên hơn 100 triệu tấn/năm từ khoảng 65 triệu tấn hiện tại và nâng lợi nhuận lên 1 nghìn tỷ yên (6,32 tỷ đô la Mỹ) so với 780 tỷ yên hiện tại.

Năng lực sản xuất lớn hơn mang lại sự linh hoạt để cắt giảm sản lượng ở một nơi, đồng thời tăng sản lượng ở nơi khác - có nhu cầu ổn định hơn - nhằm tăng biên lợi nhuận. Mỹ là thị trường triển vọng nhất trong số các nước phát triển có nhu cầu lớn về các sản phẩm thép tiên tiến sử dụng trong các ngành công nghiệp hiện đại.

Trong khi nhu cầu về thép tiên tiên của Mỹ đang tăng lên do sự mở rộng nhiều ngành công nghiệp mới, thì năng lực sản xuất của nước này lại nhỏ hơn nhu cầu vốn có, khiến nước này phải nhập khẩu ròng. Nippon Steel đã nhìn thấy cơ hội này.

Tổng giám đốc điều hành Nippon Steel, Eiji Hashimoto khẳng định: Công ty vẫn chưa cân nhắc các phương án thay thế cho kế hoạch mua lại US Steel, nhưng sẽ không từ bỏ việc mở rộng tại Mỹ.

Công ty này cũng đã yêu cầu chính phủ Nhật Bản hạn chế nhập khẩu thép từ Trung Quốc để bảo vệ thị trường nội địa, nơi sản lượng đang suy giảm do nhu cầu chậm lại từ các ngành sản xuất và xây dựng.

Trung Quốc là nhà cung cấp thép hàng đầu của Ấn Độ trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 11 năm ngoái, với lượng nhập khẩu đạt mức cao nhất mọi thời đại là gần 2 triệu tấn. Với việc Ấn Độ cân nhắc tăng thuế nhập khẩu để bảo vệ thép trong nước, thị trường này có thể mang đến những cơ hội tăng trưởng cho Nippon Steel.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Yếu tố Trung Quốc” trong thương vụ Nippon Steel và US Steel
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO