UBND huyện Mê Linh vừa đề xuất UBND TP Hà Nội về việc thu hồi, chấm dứt 14 dự án với tổng diện tích 921,1 ha chưa thực hiện GPMB từ trước năm 2008.
>> > Gỡ khó thu hồi đất
Cụ thể: Dự án khu nhà vườn, chung cư phục vụ cho thu nhập thấp tại Thị trấn Quang Minh, diện tích 12,9ha do Công ty CP đầu tư tài chính công đoàn dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư. Khu nhà ở sinh thái tại xã Tiền Phong, diện tích 2,8ha. Dự án Khu đô thị mới Việt Á tại xã Thanh Lâm do Công ty CP tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á làm chủ đầu tư.
Dự án Khu đô thị mới BMC tại xã Đại Thịnh do Công ty Vật liệu xây dựng và lắp ráp thương mại làm chủ đầu tư. Dự án Khu đô thị mới Prime Group tại xã Đại Thịnh, xã Tráng Việt do Công ty CP Prime Group làm chủ đầu tư. Dự án Khu nhà ở cao cấp Phương Viên tại xã Tam Đồng, xã Đại Thịnh do Công ty CP thương mại dịch vụ du lịch Phương Viên làm chủ đầu tư.
Dự án Xây dựng bệnh viện cho người có thu nhập cao tại xã Tiền Phong do Công ty TNHH ĐTXD An Thịnh làm chủ đầu tư. Dự án Khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 và dự án Khu đô thị Mê Linh - Đại Thịnh tại xã Mê Linh, xã Đại Thịnh đều do Tổng Công ty Đầu tư phát triển và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư
Dự án Khu công nghiệp Quang minh II tại thị trấn Quang Minh do Công ty TNHH Hợp Quần (Đài Loan) làm chủ đầu tư. Dự án thuê đất trồng cỏ nuôi bò sữa tự nhiên tại xã Văn Khê, xã Hoàng Kim do Công ty CP sữa Hà Nội làm chủ đầu tư. Khu đô thị mới Sông Hồng Thủ đô tại xã Mê Linh, xã Tiền Phong do Công ty CP Mặt trời sông Hồng làm chủ đầu tư.
Dự án trồng hoa, cây xanh kết hợp du lịch sinh thái tại xã Văn Khê, Tráng Việt do Công ty CP Quốc tế Hùng Việt làm chủ đầu tư. Dự án Khu nhà ở Thanh Lâm tại xã Thanh Lâm do Công ty CP thương mại và dịch vụ du lịch Phương Viên làm chủ đầu tư.
>>> Đưa giá đất về đúng giá trị thực
Lý giải cho sự chậm triển khai dự án, một chủ đầu tư cho biết, nguyên nhân chậm trễ là do huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội phải điều chỉnh quy hoạch. Mặc dù năm 2008, Mê Linh chính thức về Hà Nội, tuy nhiên, tới tận cuối năm 2014, các quy hoạch phân khu và chi tiết mới hoàn chỉnh. Do vậy, từ năm 2008-2014, các doanh nghiệp phải dừng chờ điều chỉnh quy hoạch.
“Từ đó đến nay, các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư. Thậm chí, có những dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, giải phóng xong mặt bằng nhưng do có chính sách giao đất dịch vụ nên khi doanh nghiệp mang máy móc vào triển khai thì bị người dân phản đối dẫn đến tiến độ bị chậm" - vị này cho biết.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT GP. Invest cũng cho rằng, nhiều trường hợp dự án bị chậm tiến độ, bị treo là do “bất đắc dĩ” và doanh nghiệp cũng chỉ là nạn nhân.
Có một nghịch lý là sự chậm trễ này không phải do doanh nghiệp thiếu năng lực, thiếu vốn, cũng không phải do chính quyền địa phương không quan tâm tạo điều kiện mà nó lại bắt nguồn từ những tồn tại, hạn chế trong Luật Đất đai hiện hành.
Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung - Phó Ban Pháp chế, Hiệp hội BĐS Việt Nam, bên cạnh thu hồi, trong nội dung sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung chế tài đối với hành vi: “nếu gây thiệt hại cho người dân khi chậm triển khai quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất thì phải bồi thường cho người sử dụng đất”.
Đối với các quy hoạch và các dự án đang “bị treo”, Bộ Xây dựng cần tăng cường kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm với một hạn định rõ ràng, tránh việc chỉ đạo xong rồi để đấy.
KTS Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh, chậm thu hồi dự án bê trễ là hậu quả của sự thiếu kiểm soát và xử lý về việc sử dụng đất, thiếu thể chế quản lý tiến độ các dự án nên dẫn đến thực trạng hiện nay.
Chậm thu hồi ngày nào là mất mát, lãng phí nguồn thu của nhà nước trên tài sản ngày đó. Các địa phương cần kiên quyết không để chủ đầu tư lợi dụng kẽ hở xin điều chỉnh quy hoạch.
Có thể bạn quan tâm