Nếu bạn đang hoạt động trong ngành truyền thông, hãy ghi chú những bài học dưới đây để chắc chắn rằng bạn không phạm phải những sai lầm tương tự trong tương lai.
10 sai lầm truyền thông trên mạng xã hội
Sai lầm là sai lầm, bất kể nó được chiếu trên TV hay những “màn hình” nhỏ hơn như điện thoại thông minh. Dưới đây là 10 sai lầm như vậy trên các phương tiện truyền thông xã hội.
1. Quảng cáo phân biệt chủng tộc của Dove
Unilever đã có một năm 2017 tồi tệ. Tiếp tục là một quảng cáo “lỗi” đến từ Dove khi họ đăng trên Facebook hình ảnh một người phụ nữ gốc Phi cởi áo ra và trở thành một người da trắng.
Quảng cáo này về sau xuất hiện trong kết quả tìm kiếm của Google với từ khoá “quảng cáo phân biệt chủng tộc của Dove”. Không có đơn vị quảng cáo nào đứng ra nhận trách nhiệm, còn Unilever cho rằng họ chỉ đang thể hiện sự đa dạng của vẻ đẹp đích thực.
Vấp phải làn sóng phẫn nộ từ người dùng, Dove lại phải xin lỗi - lần thứ hai dành cho Brad Jakeman.
2. Cuộc thi selfie của Walkers
Walkers, một công ty đồ ăn nhẹ có trụ sở tại Vương quốc Anh, đã thực hiện một chiến dịch truyền thông xã hội nơi khách hàng có thể gửi ảnh selfie để có cơ hội giành vé tham dự một sự kiện thể thao lớn.
Thật không may, một số người đã gửi hình ảnh của những kẻ độc tài, kẻ giết người hàng loạt và tội phạm, dẫn đến một cuộc khủng hoảng PR của công ty mà lỗi đến từ việc họ đã không kiểm duyệt nội dung trước khi đăng tải.
3. Dòng Tweet của Wendy
Wendy vướng vào một cuộc chiến trên mạng Twitter với khách hàng về việc họ có thực sự sử dụng thịt bò tươi hay không. Chuyện ban đầu tưởng không lớn, hoá ra lại lớn không tưởng vì cách mà Wendy đáp trả.
Họ dùng hình ảnh ếch Pope, vốn đặc trưng cho chủ nghĩa “người da trắng thượng đẳng” (white supremacist), dùng nhiều trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016.
Mặc dù Wendy đã nhanh chóng xoá bài viết, nhưng cư dân mạng đã kịp chụp màn hình, và “cuộc chiến” lại tiếp tục.
4. Lỗi đánh máy từ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ
Dĩ nhiên ai cũng có thể sai chính tả, nhưng đây lại là Bộ Giáo dục! Họ trích dẫn một câu nói của W.E.B. Du Bois trong khi viết sai tên danh nhân này trên Twitter.
Ngay sau đó, họ tweet lời xin lỗi, nhưng tiếp tục đánh sai chữ “apology”. Lời chỉ trích tiếp tục leo thang hướng về phía vị thư kí Betsy DeVos.
5. Chiến dịch VR của Facebook
Sau khi bị tàn phá khủng khiếp vì bão lũ, Puerto Rico rơi trong tình trạng hỗn loạn. Mark Zuckerberg đã sử dụng ứng dụng VR của Facebook có tên Spaces để tái hiện hình ảnh 360 độ của quốc gia này.
Mặc dù Facebook chỉ có ý định cho thấy công ty đã hỗ trợ cho Puerto Rico như thế nào, chiến dịch lại phản tác dụng khi người xem cho rằng Mark đang lợi dụng tình hình để quảng bá cho dịch vụ.
6. Dòng Tweet của Không quân Hoa Kỳ
Có một thời gian cư dân mạng tranh cãi về một đoạn âm thanh, xem nó là “yanny” hay “laurel”. Nhìn qua thì có vẻ đây chỉ là một cuộc tranh cãi vui vẻ, nhưng Không quân Hoa Kỳ lại khiến sự việc trở nên trầm trọng hơn.
Trong một đoạn tweet, họ ghi rằng “Lực lượng Taliban ở thành phố Farah #Afghanistan thà nghe #Yanny hoặc #Laurel hơn là âm thanh #BRRRT họ nghe từ #A10.”
Họ sau đó đã phải gỡ bỏ dòng trạng thái này và xin lỗi trước những cáo buộc về sự vô cảm.
7. Bài đăng của Nivea
Tại khu vực Trung Đông, Nivea đăng một quảng cáo cho sản phẩm khử mùi mà họ nói rằng “vô hình với cả da đen và da trắng”. Quảng cáo mô tả hình ảnh phía sau đầu của một người phụ nữ với mái tóc đen dài che đi bộ trang phục trắng, cùng với dòng chữ “Trắng là Thuần khiết.”
Dĩ nhiên, chiến dịch này vấp phải sự phản đối vì phân biệt chủng tộc.
8. Chiến dịch của Snapchat
Có thời gian Snapchat chứng kiến sự sụt giảm người dùng nghiêm trọng sau khi cập nhật giao diện ứng dụng mới. Và như thể đó chưa phải là điều tồi tệ nhất, họ tiếp tục cho ra mắt một chiến dịch quảng cáo “thảm hoạ”.
Nhằm giới thiệu trò chơi mới “Would You Rather?”, một đoạn quảng cáo thể hiện câu hỏi: “Bạn sẽ tát Rihanna hay đấm Chris Brown?”
Nếu bạn còn nhớ, vụ kiện giữa Rihanna và Chris Brown đã từng tiêu tốn rất nhiều giấy mực của giới truyền thông. Và Snapchat “đào lại” theo cách không thể “kém duyên” hơn.
Đáp lại lời xin lỗi công khai của Snapchat, Rihanna cho rằng cô cảm thấy thất vọng vì cách làm của đội ngũ truyền thông không chỉ cho cô mà cả những nạn nhân bạo lực gia đình khác.
9. Quảng cáo của Starbucks
Starbucks muốn quảng bá một dòng espresso mới nhẹ và ngọt hơn so với loại tiêu chuẩn. Nhưng cách làm của họ thực sự tệ.
Trên một trang web quảng cáo sản phẩm với tông màu vàng, Starbucks ghi dòng chữ “Ai bảo rằng espresso phải nặng? Chúng tôi nghĩ vậy trong 43 năm. Nhưng chúng tôi là Starbucks. Nên chúng tôi làm điều ngược lại.”
Người dùng có thể hiểu được ý của Starbucks, nhưng cách ghi thông điệp như vậy rõ ràng là hơi “chói tai”.
10. Quảng cáo KOL của Bootea Shake
Chúng ta đã quen với việc các nhãn hàng dùng KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) để tiếp cận người tiêu dùng. Đây cũng là một cách truyền thông đang dần phổ biến hiện nay, nhưng đi kèm với nó là trách nhiệm của nhãn hàng trong việc kiểm soát “lời nói” của người đại diện.
Bootea Shake có lẽ sẽ muốn nghe lời tư vấn này trước khi họ nhờ Scott Disick đăng bài lên Instagram. Cách dùng từ lộ liễu của Scott đã “tố cáo” rằng anh chỉ đăng bài vì nhãn hàng yêu cầu, từ đó rời xa mục tiêu ban đầu là giới thiệu về sản phẩm.
Chúng ta học được gì từ các chiến dịch thất bại?
Nếu bạn đang hoạt động trong ngành truyền thông, hãy ghi chú những bài học dưới đây để chắc chắn rằng bạn không phạm phải những sai lầm tương tự trong tương lai.
Luôn chứng thực các dự án
Điều chúng ta cho là đúng chưa chắc áp dụng cho tất cả mọi người. Hãy đảm bảo rằng dự án của bạn được nhiều bên liên quan tham khảo và chứng thực để giảm thiểu rủi ro về mặt nội dung. Nên có một bên kiểm duyệt trước khi đưa ra công chúng.
Luôn là người “có duyên”
Hãy cẩn thận với các nguyên liệu mình có trong tay. Có nhiều trường hợp bạn muốn tỏ ra khác biệt và vui vẻ theo một cách độc đáo, nhưng hãy cẩn thận - mọi trò đùa đều có tính hai mặt.
Nếu bạn có một cuộc tranh luận vui vẻ, hãy tiếp tục vui vẻ và tận dụng để xây dựng thương hiệu, nhưng đừng tỏ ra “kém duyên”. Nếu bạn đề cập đến một nhân vật hay một sự kiện văn hoá nào đó, hãy chắc rằng bạn đủ hiểu về dẫn chứng đó để tránh những rủi ro ngoài ý muốn.
Một nụ cười có thể mang lại nhiều điều, nhưng đừng vì vậy mà hi sinh giá trị thương hiệu của mình. Bạn có thể không có ý xúc phạm, nhưng chưa chắn người đối diện hiểu được điều đó.
Khi bạn chạy quảng cáo ở một khu vực nhất định, đừng quên rằng thông điệp của bạn có thể được chia sẻ tới các thị trường khác.
Chú ý đến các sự kiện hiện tại
Hãy luôn để ý xung quanh. Thật khó để bắt ai phải chịu trách nhiệm khi một sự việc đáng tiếc xảy ra vô tình “liên quan” tới chiến dịch của mình, nhưng bạn luôn có lựa chọn “lùi một bước”, đánh giá vấn đề để “tiến hai bước”.
Nếu bạn đang tạo ra nội dung có liên quan đến các sự kiện như vậy, hãy làm điều đó với sự quan tâm thực sự trong việc giáo dục khán giả của bạn về sự nghiêm trọng của tình huống. Hãy nhớ rằng, người tiêu dùng có thể đánh giá được nỗ lực của bạn qua những gì bạn truyền đạt, rằng đó có phải là sự thông cảm thực sự hay chỉ là chiêu trò PR.
Hướng đến trải nghiệm khách hàng
Khi bạn đang tạo một chiến dịch kết hợp tài liệu do người dùng tạo (như cập nhật Wikipedia hoặc gửi ảnh selfie), hãy chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Sẽ luôn có những người cố tình phá hoại, vì vậy hãy xây dựng chiến lược để ngăn chặn các cuộc “tấn công” này.
Yếu tố tạo nên một chiến dịch thành công
Rất dễ để chỉ trích và phán xét những sai lầm trong quá khứ, nhưng cần phải thừa nhận rằng trong ngành quảng cáo không có công thức chung cho mọi chiến dịch. Nhưng về cơ bản, bạn cần phải đảm bảo các yếu tố sau:
Lời cuối cùng, trước khi bạn truyền thông bất kì điều gì, hãy xem kĩ lại thông điệp một lần cuối, và đánh giá toàn bộ các yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Hãy nhớ, bút sa thì gà chết!