Nhiều nguyên tắc xây dựng thương hiệu của thập niên qua cũng đang nói lời tạm biệt để nhường chỗ cho các xu hướng mới.
Năm 2019 là năm bản lề trước khi bắt đầu một thập niên mới – những năm 2020. Nhiều nguyên tắc xây dựng thương hiệu của thập niên qua cũng đang nói lời tạm biệt để nhường chỗ cho các xu hướng mới. Sau đây là những xu hướng mà bạn nên nghĩ đến trong các kế hoạch thương hiệu sắp tới.
1. Thương hiệu cần những người tạo ảnh hưởng độc đáo, thú vị và hấp dẫn
Những nhân vật nổi tiếng và “rập khuôn” đang trở nên nhàm chán. Cố gắng thu hút các đám đông cũng có nghĩa là “không thu hút ai cả”. Luôn tồn tại những thị trường ngách với những nhóm khách hàng thực sự ủng hộ thương hiệu. Nếu một thương hiệu có thể tìm thấy những đối tượng có ảnh hưởng trên mạng và chuyển đổi họ thành người phát ngôn thì đây sẽ là tiếng nói độc đáo và thú vị so với một ai đó có lẽ chưa bao giờ thực sự sử dụng thương hiệu.
Thế giới số là chủ đề lớn mà các nhà chiến lược thường nói đến trong thập niên 2010. Nhưng hiện nay, nếu cứ giả định rằng quảng cáo số là câu trả lời duy nhất để quảng bá thương hiệu thì đó là cách tư duy chưa đủ sâu về hành vi tiêu dùng. Mọi người hiện diện trên kênh trực tuyến nhưng chúng ta sống trong một thế giới thực và việc chia sẻ những câu chuyện không nên chỉ giới hạn trong phạm vi mạng xã hội. Điều này có nghĩa là các thương hiệu cần sáng tạo và có chiến lược tổng thể hơn, như thế mới có thể tiếp cận và giữ được khách hàng. Cho đến thời điểm hiện nay, có những thương hiệu từ thế giới thực bước vào thế giới số và ngược lại. Con đường để xây dựng thương hiệu thành công không phải là “con đường một chiều”.
Ngày nay, bán hàng và tiếp thị không chỉ va chạm với nhau mà cần phải trộn lẫn để trở thành một cỗ máy mới. Những thương hiệu sở hữu một đội ngũ với các “kỹ năng lai giữa bán hàng và tiếp thị” sẽ có lợi thế trong cuộc cạnh tranh. Còn nếu bạn bắt gặp những câu như “Việc đó là của đội bán hàng” hoặc “Phòng tiếp thị, làm ơn cho tụi này công cụ để bán hàng” trong một công ty nào đó thì nơi đó sẽ sớm thất bại.
Các thương hiệu vẫn còn thói quen giả định rằng họ nắm giữ và điều khiển các nguyên tắc. Nếu giả định như thế thì thương hiệu không thật sự lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu khách hàng. Thấu hiểu sâu sắc nhu cầu khách hàng là điều kiện cơ bản để xây dựng một thương hiệu mạnh.
Hãy lấy ví dụ của một nhà bán lẻ trang phục. Thay vì nói rằng “Chúng tôi tạo ra những mẫu thời trang này để bạn mặc”, thái độ của một thương hiệu sáng tạo sẽ là “Chúng tôi tạo ra những công cụ để bạn thiết kế thời trang cho chính mình”. Thương hiệu sáng tạo và đồng hành với khách hàng không đơn thuần tạo ra các chiến dịch quảng cáo để kích thích người tiêu dùng mua hàng mà họ đang “hợp tác với khách hàng trong truyền thông”. Họ không cho rằng mình giỏi nhất mà “Chúng tôi luôn học hỏi và quá trình học hỏi được dựa trên nhu cầu của khách hàng”.