6 tháng đầu năm 2018, cổ phần hoá và thoái vốn DNNN đạt 28.000 tỷ đồng

Thy Hằng 25/07/2018 09:19

Trong đó, thu từ cổ phần hóa hơn 22.000 tỷ đồng, thu từ thoái vốn 5.598 tỷ đồng. Đưa luỹ kế đến tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đến nay đạt khoảng 198.000 tỷ đồng.

Sáng ngày 25/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm 2018.

 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp.

Tổng số thu 198.000 tỷ đồng

Theo Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long, trong năm 2018, các Bộ phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 18 đề án về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực sắp xếp, đổi mới, tổ chức, quản lý DNNN (trong đó có 2 đề án của năm 2017 chuyển sang).

Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long báo cáo tai buổi họp giao ban sáng ngày 25/7.

Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long báo cáo tai buổi họp giao ban sáng ngày 25/7.

Trong số 9 đề án các Bộ phải trình trong 6 tháng đầu năm 2018: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2 Đề án; các Bộ đang nghiên cứu, hoàn thiện theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng 3 đề án; đang tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ 1 đề án; 3 đề án chưa trình.

“Về sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, hiện, đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 19 DNNN, bằng 86,2% so với cùng kỳ năm 2017, tổng giá trị doanh nghiệp là 40.672,09 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 23.084,23 tỷ đồng”, ông Long cho biết.

Theo phương án được phê duyệt, vốn điều lệ của 19 doanh nghiệp này là 22.026,38 tỷ đồng, trong đó: Nhà nước nắm giữ 12.957,22 tỷ đồng (chiếm 58,83% tổng vốn điều lệ), bán cho người lao động 112,34 tỷ đồng (chiếm 0,51% vốn điều lệ), bán cho nhà đầu tư bên ngoài doanh nghiệp 8.955,47 tỷ đồng (chiếm 40,66% tổng vốn điều lệ).

Cùng với đó, đã IPO và bán cho cổ đông chiến lược 16 doanh nghiệp (8 doanh nghiệp phê duyệt Phương án CPH năm 2017, 8 doanh nghiệp của năm 2018), thu về 22.457,29 tỷ đồng. Theo phương án CPH được phê duyệt,16 doanh nghiệp này có vốn điều lệ là 136.205,37 tỷ đồng; Nhà nước nắm giữ 54,12%, Người lao động nắm 0,52%, bán cho cổ đông bên ngoài là 45,36%. Trong đó, có một số doanh nghiệp quy mô lớn như: Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tập đoàn Công nghiệp Cao Su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Nam, Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Thương mại Hà Nội.

“Về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hiện đã thoái vốn nhà nước tại 42 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 1.813 tỷ đồng, thu về 5.598 tỷ đồng (gấp 3,08 lần giá trị sổ sách), trong đó 10 doanh nghiệp thuộc danh sách thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg”, ông Long cho biết.

Như vậy, tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 28.055,29 tỷ đồng, trong đó thu từ cổ phần hóa 22.457,29 tỷ đồng, thu từ thoái vốn 5.598 tỷ đồng.

“Lũy kế đến nay, tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt khoảng 198.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2011 – 2015. Trước đó, con số này năm 2016 là 30 ngàn tỷ; năm 2017 là 140 ngàn tỷ; năm 2018 là 28 ngàn tỷ”’, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long cho biết.

Về sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp, hiện đã thực hiện sắp xếp lại 160/249 đơn vị gồm: theo hình thức Nhà nước tiếp tục duy trì giữ 100% vốn điều lệ 78 đơn vị; hoàn thành phương án cổ phần hóa 42 doanh nghiệp; chuyển thành công ty TNHH 2TV trở lên 12 doanh nghiệp; đã phê duyệt phương án và thực hiện giải thể được 23 doanh nghiệp; chuyển thành Ban quản lý rừng 5 doanh nghiệp.

Cùng với đó, cả nước đã phê duyệt phương án cổ phần hócủa 32 đơn vị sự nghiệp công lập, điển hình như Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương, Viện Dệt may (Tập đoàn Dệt may), Viện Công nghệ (Tổng công ty Máy Động lực và Máy nông nghiệp)…

Việc xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, sau hơn một năm triển khai xử lý, trong số 06 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 02 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, 04 dự án còn lại đã từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc xử lý 12 dự án.

Việc bàn giao các doanh nghiệp có vốn nhà nước về SCIC, danh mục doanh nghiệp thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC giai đoạn từ 2017 - 2020 là 62 doanh nghiệp (năm 2017 là 04 doanh nghiệp, năm 2018 là 55 doanh nghiệp, năm 2019 là 03 doanh nghiệp). Theo báo cáo của Bộ Tài chính năm 2017 có 24/62 doanh nghiệp đã chuyển giao về SCIC với số vốn là 821,14 tỷ đồng, còn lại 38/62 doanh nghiệp SCIC chưa chuyển giao với số vốn nhà nước là 10.460 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, SCIC tiếp nhận được 3 doanh nghiệp.

Về phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới cả nước trong 6 tháng đầu năm 2018 là 64.531 doanh nghiệp, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 648,967 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Tuy nhiên, tổng số doanh nghiệp giải thể, phá sản trên phạm vi cả nước trong 6 tháng đầu năm 2018 là 6.629 doanh nghiệp, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2017.

"Đọng" lại tại Hà Nội và TP HCM

Măc dù vậy, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cũng thẳng thắn nhận định: “Tiến độ cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm so với kế hoạch đề ra”. Trong đó, riêng về cổ phần hoá, Hà Nội 11 doanh nghiệp và TP HCM 39 doanh nghiệp, chiếm tới 68% kế hoạch cổ phần hóa năm 2018 của cả nước.

Có thể bạn quan tâm

  • SCIC tiết lộ lý do cổ phần hoá, thoái vốn DNNN chậm trễ

    SCIC tiết lộ lý do cổ phần hoá, thoái vốn DNNN chậm trễ

    15:04, 12/06/2018

  • Sắp có chế tài xử lý DNNN nợ bảo lãnh Chính phủ

    Sắp có chế tài xử lý DNNN nợ bảo lãnh Chính phủ

    07:00, 11/06/2018

  • Gỡ khó cho nhà đầu tư chiến lược vào DNNN

    Gỡ khó cho nhà đầu tư chiến lược vào DNNN

    12:42, 10/06/2018

  • Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Nên bán vốn khôn ngoan và có chiến lược

    Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Nên bán vốn khôn ngoan và có chiến lược

    14:00, 24/07/2018

  • Bộ Công Thương đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa

    Bộ Công Thương đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa

    11:11, 09/07/2018

  • Giá đất và cổ phần hóa

    Giá đất và cổ phần hóa

    17:20, 23/06/2018

  • Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hóa Vinalines

    Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hóa Vinalines

    04:51, 22/06/2018

Năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, nhưng đến nay, mới thực hiện thoái vốn tại 10 doanh nghiệp.

Một số bộ, ngành, địa phương có nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn như: Hà Nội, Bộ Xây dựng, Bình Định, Bắc Giang…vẫn đang triển khai thực hiện nhưng kết quả đạt thấp hoặc chưa có kết quả.

Việc ban hành một số văn bản hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm như các thông tư hướng dẫn Nghị định 126/2017/NĐ-CP, Nghị định 32/2018/NĐ-CP. Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp gặp vướng mắc, lúng túng trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn theo các quy định mới.

Cụ thể, ông Long cho biết, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm, định giá thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử… quy định tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP để xác định giá khởi điểm khi thoái vốn. Nội dung này cần được tháo gỡ, cụ thể hóa.

Cùng với đó, việc các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ cổ phần không chi phối hoặc ở mức thấp (dưới 36%) gặp khó khăn khi yêu cầu doanh nghiệp cổ phần xác định giá khởi điểm để thoái vốn, trong đó có xác định đầy đủ các yếu tố cấu thành nên giá khởi điểm như đất thuê trả tiền hàng năm và các yếu tố khác.

"Đặc biệt, một số doanh nghiệp không bán được cổ phần cho cổ đông chiến lược theo phương án được duyệt do quá thời hạn 4 tháng sau IPO theo quy định của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP như các Tổng công ty: Dầu, Điện lực dầu khí, Lọc hóa dầu Bình Sơn…", ông Long cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
6 tháng đầu năm 2018, cổ phần hoá và thoái vốn DNNN đạt 28.000 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO