Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, kinh tế TP.HCM đã tăng trưởng cả về quy mô và tốc độ.
>>>Khan hiếm xăng, TP.HCM đề nghị Bộ Công thương, Tài chính vào cuộc
Báo cáo tại Hội nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với UBND TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội và kết quả thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù cho TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, Ban thường vụ Thành ủy đã ban hành kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc Hội..
Về kết quả thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 16, kinh tế Thành phố tiếp tục được mở rộng về quy mô, tốc độ tăng trưởng khá, bình quân hàng năm hàng năm trong giai đoạn 2011 - 2015 là 7,2 % và giai đoạn 2016 - 2020 là 6,4%, gấp 1,62 lần bình quân chung của cả nước.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đi đúng hướng tập trung vào các ngành công nghiệp dịch vụ trọng điểm và nông nghiệp công nghệ cao. Tăng dẫn giá trị sản xuất, giá trị các sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng khoa học công nghệ. Thu ngân sách nhà nước hàng năm trên địa bàn luôn đạt kế hoạch, chiếm tỷ trọng khoảng 26 % so với tổng thu ngân sách cả nước.
Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho rằng, tiềm năng, lợi thế của Thành phố chưa được khai thác tối đa để có thể phát triển nhanh và bền vững. Kinh tế Thành phố tăng trưởng chậm lại so với giai đoạn trước, không đạt mục tiêu , thu nhập bình quân, đầu tư, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao, vai trò đầu tàu động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước có phần giảm sút, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp so với các trung tâm kinh tế trong khu vực.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc cải thiện môi trường đầu tư vẫn còn chậm, hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị chưa có bước phát triển đột phá, đồng bộ, hiện đại để có thể đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố.
“Phát triển văn hóa chưa đồng bộ với phát triển kinh tế. Hệ thống y tế, giáo dục và đào tạo còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực. Nguồn lực khoa học công nghệ chưa phát huy tối đa, áp lực về gia tăng dân số cơ học ngày càng lớn đặt ra các vấn đề cấp bách về giải quyết nhu cầu về nhà ở và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản”, Chủ tịch Phan Văn Mãi nhìn nhận.
Đồng thời, ông cũng cho biết, Thành ủy đã có Tờ trình và Báo cáo trình Bộ Chính trị về tổng kết Nghị quyết 16 và đề xuất ban hành Nghị quyết mới, với những định hướng phát triển cho Thành phố đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, cùng với các cơ chế đột phá vượt trội theo hướng thí điểm.
>>>Tổng Bí thư: Tạo điều kiện tốt nhất để TP.HCM phát triển
Về kết quả thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, Nghị quyết cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách trên 4 lĩnh vực là quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính, ngân sách và cơ chế ủy quyền thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố.
Theo người đứng đầu chính quyền TP.HCM, sau 5 năm thực hiện, ngoại trừ những năm chịu ảnh hưởng của Đại dịch COVID-19, kinh tế Thành phố liên tục tăng trưởng cao. Bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016 - 2019 là 7,32%, cao hơn so với mức 7,2% giai đoạn 2011 – 2015, sau khi kinh tế thành phố tăng trưởng chậm lại ở mức 1,39% trong năm 2020 và suy giảm âm 6,78% trong năm 2021 do tác động của dịch COVID-19. Những tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi và tăng trưởng bình quân 9 tháng đầu năm là 9,3%.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng chỉ ra một số hạn chế khi thực hiện Nghị quyết 54, nhiều nội dung triển khai còn chậm so với kế hoạch như: cơ chế điều chỉnh chính sách thu và thực hiện cổ phần hóa, thu từ sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương trên địa bàn. Một số nội dung đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp, các nguồn tiềm năng có số thu lớn triển khai thực hiện chưa hiệu quả.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội cho phép kéo dài thực hiện Nghị quyết 54 đến ngày 31/12/2023 và khẩn trương chuẩn bị Nghị quyết mới thay thế. Về phần mình, Thành phố đã chuẩn bị Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, với những cơ chế, chính sách vượt trội đột phá trên các lĩnh vực như: đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đô thị đất đai, tổ chức bộ máy biên chế, quảy lý văn hóa xã hội, cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức, một số cơ chế cho Trung tân tài chính quốc tế tại TP.HCM”, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết. Đồng thời khẳng định, Thành phố quyết tâm chuẩn bị sớm, nếu đủ điều kiện có thể trình sớm vào kỳ họp giữa năm 2023.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng kiến nghị Chủ tịch nước và đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố một số nội dung sau:
Thứ nhất, ủng hộ tổng kết Nghị quyết 16 và ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 16 về phương hướng nhiệm vụ phát triển thành phố đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, tiềm năng và sức mạnh của TP.HCM trong giai đoạn mới.
Thứ hai, ủng hộ kéo dài thực hiện Nghị quyết 54 đến hết năm 2023, đồng thời khẩn trương chuẩn bị Nghị quyết mới thay thế với những cơ chế, chính sách đột phá, thí điểm những vấn đề mới chưa được pháp luật quy định và còn hạn chế.
Thứ ba, quan tâm kiến nghị Bộ Chính trị có chủ trương cho ban cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo giải quyết rứt điểm, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan đến các dự án đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra các bản án.
Thứ tư, quan tâm có ý kiến về cơ chế liên kết vùng để phát huy vai trò ở Thành phố Hồ Chí Minh với tư cách là cực tăng trưởng, cũng như phát huy sức mạnh toàn vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thứ năm, TP.HCM dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn mới và những khó khăn chung của cả nước. Đề nghị Trung ương quan tâm giúp cho thành phố nhận diện, phân tích, tìm các giải pháp để tháo gỡ vượt qua những khó khăn để đảm bảo vai trò đầu tàu, cự tăng trưởng trong năm 2023 và thời gian sắp tới.
“Với những diễn biến gần đây, chắc chắn tình hình đầu tư triển khai các cái công trình, dự án lớn trên địa bàn Thành phố sẽ gặp nhiều khó khăn. Do vậy, Thành phố rất mong muốn có sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương, giúp Thành phố nhận diện vấn đề, phân tích các giải pháp để chủ động đối phó”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM cần phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm
17:21, 13/10/2022
Doanh nghiệp chung tay cùng TP.HCM "Vì người nghèo" năm 2022
05:42, 11/10/2022
Những tỷ phú làm giàu từ nông nghiệp đô thị ở vùng ven TP.HCM
04:09, 11/10/2022
Khan hiếm xăng, TP.HCM đề nghị Bộ Công thương, Tài chính vào cuộc
15:00, 10/10/2022
TP.HCM phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19: “Những con số biết nói”!
01:00, 02/10/2022
TP.HCM: Tập trung nghiên cứu, thảo luận để đưa ra giải pháp phục hồi phát triển kinh tế
12:01, 29/09/2022