2 nhân vật trọng yếu vừa được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT và Trưởng Ban Kiểm soát tại Eximbank nhiệm kỳ mới, đều là đại diện và được sự ủng hộ từ 2 nhóm cổ đông có mối quan hệ với nhau.
>>> Eximbank: Nỗi niềm của ngân hàng có HĐQT phải "làm thêm" nguyên năm
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB) vừa có bước ngoặt thực sự khi đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm 2021 lần 2 thành công.
Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, Eximbank mới có được một kỳ đại hội cổ đông thành công và "trả nợ" đầy đủ cổ đông các báo cáo kinh doanh theo niên độ từ 2018-2020. Kỳ ĐHCĐ này khởi đầu từ việc có đủ túc số cổ đông tham dự đến nhiều nội dung đại hội được thông qua vì vậy có tên gọi là "thành công", mặc dù bên cạnh đó vẫn có nhiều nội dung đã bị phủ quyết.
Quan trọng hơn hết, Eximbank đã bầu được Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ mới 2020-2025, đi cùng là Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới, chấm dứt một giai đoạn mà Hội đồng Quản trị cũ, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ cũ tuy đã hết nhiệm kỳ nhưng do không tổ chức được ĐHCĐ để bầu mới, nên phải vẫn “ráng hơi ráng sức” hoạt động tiếp ngoài khoảng thời gian chính danh được ĐHCĐ bầu/ giao trọng trách.
Trong Nghị quyết số 68/2022/EIB/NQ-HĐQT của Eximbank ngày 17/2, theo đúng thời hạn trong vòng 7 ngày kể từ khi ĐHĐCĐ diễn ra (15/2), Eximbank phải bầu Chủ tịch HĐQT, ngân hàng này đã chính thức có tân Chủ tịch mới là bà Lương Thị Cẩm Tú. Bà Tú sẽ giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) thay cho ông Yasuhiro Saitoh.
Theo Eximbank, để đi đến quyết định bổ nhiệm nhân sự quan trọng này, Hội đồng Quản trị Eximbank đã tổ chức họp theo đúng quy định, theo đó, bà Lương Thị Cẩm Tú nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của toàn thể thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) với 7/7 phiếu bầu. Qua đó, Hội đồng Quản trị Eximbank đã thể hiện sự thống nhất, đồng lòng và đoàn kết cao trong việc hoàn chỉnh bộ máy lãnh đạo vì sự phát triển của ngân hàng, lợi ích của khách hàng và cổ đông cùng toàn thể cán bộ nhân viên.
>>> Eximbank: Giấc mơ một Đại hội cổ đông thường niên thành công quá xa
Đây là điểm hết sức quan trọng mà thị trường, cổ đông và cán bộ nhân viên đang chờ đợi ở Eximbank và theo dõi những tín hiệu quyết định “cục diện” theo hướng phân định vị thế, mức độ chi phối của các nhóm cổ đông qua các đại diện có tên trong HĐQT. Bởi trong quá khứ có thể dắt dây đến hiện tại, nỗi lo về việc các nhóm cổ đông vẫn có thể bất đồng tiếng nói về các quyết định lớn tại Eximbank, vẫn còn hiện hữu.
Trong số các nhóm cổ đông đang tham gia kiểm soát tại Eximbank, liên minh nhóm cổ đông “mới nổi” đến từ Bamboo Capital (HoSE: BCG) đang thu hút sự chú ý.
Bamboo Capital là Tập đoàn do ông Nguyễn Hồ Nam làm Chủ tịch. Tại ĐHCĐ Eximbank, nhóm cổ đông này gồm ông Nguyễn Hồ Nam, và đại diện những cá nhân đến từ tổ chức có liên quan là bà Lê Thị Mai Loan, Công ty Cổ phần Thắng Phương, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Helios, đã đề cử ông Nguyễn Thanh Hùng (sinh năm 1978), Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Bamboo Capital vào ứng cử TV HĐQT Eximbank. Ông Hùng đã trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu 61,5%.
Cả ông Nguyễn Hồ Nam lẫn ông Nguyễn Thanh Hùng từng kinh qua các vị trí quản lý tại nhiều tổ chức, định chế tài chính trước đây và khá gắn bó với nhau cho đến khi cùng xây dựng Bamboo Capital hôm nay.
Gần đây, Bamboo Capital cũng có nhiều động thái gây chú ý như đầu tư sở hữu kiểm soát hơn 80% Công ty Bamboo Financial Corp (BFC, công ty chuyên về lĩnh vực cung cấp dịch vụ tài chính, trừ bảo hiểm và bảo hiểm xã hội), cụ thể là hoạt động mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ, môi giới mua bán nợ; rồi qua công ty này mà hoàn tất giao dịch đầu tư vào Công ty Chứng khoán Thủ Đô (CASC) với tỷ lệ sở hữu là 20%, mua lại và kiểm soát chi phối hơn 80% tại Công ty Bảo hiểm AAA… Theo đó, Bamboo Capital không giấu tham vọng hướng đến bổ sung mảnh ghép cuối trong hệ sinh thái 5 lĩnh vực năng lượng tái tạo, bất động sản, sản xuất, xây dựng và tài chính.
Một điểm khá thú vị trong cuộc “nổi lên” của các nhóm cổ đông mới, là nhân sự vừa được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank sau đại hội, bà Lương Thị Cẩm Tú, từng là nhân sự của Tập đoàn Tài chính tư nhân Sacombank dưới thời nhà sáng lập, cựu Chủ tịch HĐQT Sacombank Đặng Văn Thành. Còn ông Nguyễn Hồ Nam cũng từng là nhân sự cũ, một trong những mắt xích then chốt của Tập đoàn tài chính tư nhân Sacombank. Dưới thời ông Thành, ông Nam đã có 4 năm giữ ghế Tổng Giám đốc, 2 năm ngồi ghế Chủ tịch HĐQT của Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS).
Ở phía nhóm khác và đại diện khác, trong kỳ ĐHCĐ 2021 lần 2 của Eximbank, tân Chủ tịch bà Lương Thị Cẩm Tú nhận được sự ủng hộ của CTCP Chứng khoán Bảo Minh và 5 cổ đông cá nhân và nhận được tỷ lệ phiếu bầu trúng cử 62,2%.
Cùng với đó, một nhân sự đại diện nhóm cổ đông vừa trúng cử thành viên HĐQT Eximbank, bà Đỗ Hà Phương (tỷ lệ 61,3%), được đề cử bởi CTCP Rồng Ngọc, CTCP Hoàng Gia ĐL, CTCP Hoàn Vũ Sài Gòn, Công ty TNHH M8 và 7 cổ đông cá nhân khác.
Như vậy, cả ông Hùng, bà Tú, bà Phương có nhóm đầu phiếu bầu khá tương đương nhau và cả 3 đại diện cho các nhóm cổ đông lại có những mối liên quan với nhau thông qua Chứng khoán Bảo Minh.
Cụ thể, phía Tập đoàn Hoàn Cầu qua thành viên CTCP Rồng Ngọc, nắm giữ 24% cổ phần Chứng khoán Bảo Minh. Công ty này từng thu xếp phát hành trái phiếu nhiều đợt cho Helios.
Mối quan hệ giữa bà Tú, bà Phương, cũng thể hiện qua mối liên quan sở hữu của bà Dương Trương Thiên Lý, con dâu cố doanh nhân Trần Thị Hường (Bà Tư Hường), nhà sáng lập Tập đoàn Hoàn Cầu và ngân hàng Nam Á. Hiện bà Thiên Lý nắm giữ 85% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Hoàn Vũ Sài Gòn và 78% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL - những doanh nghiệp thuộc nhóm cổ đông ủng hộ bà Đỗ Hà Phương.
Với mối quan hệ của 3 nhóm cổ đông này và sự nhất trí vị trí Chủ tịch HĐQT (bà Tú), Trưởng Ban Kiểm soát (ông Ngô Tony, đến từ nhóm Bamboo Capital) – những phác thảo về tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của nhóm có quan hệ đã dần hé lộ. Eximbank dường như đổi chủ sẽ khó ra ngoài tầm ảnh hưởng chi phối của đại diện các nhóm cổ đông đặc biệt trên.
Ngoài ra, cũng phải lưu ý đến nhóm liên minh của Tập đoàn Thành Công (Thành Công Group) hiện đang sở hữu khoảng 30% cổ phần của Eximbank. Tập đoàn này có 2 thành viên HĐQT là đại diện chính thức, đó là bà Lê Hồng Anh (vợ của ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch của Thành Công Group và đang là chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH TCG Land (công ty con của Thành Công Group); và ông Đào Phong Trúc Đại.
Một thành viên HĐQT khác là ông Nguyễn Hiếu (SN 1973), hiện nay đang là thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của CTCP Chứng khoán Rồng Việt. cũng được đề cử bởi liên minh này.
Liên minh này có có một người là thành viên trúng cử Ban kiểm soát Eximbank nhiệm kỳ 2020 – 2025, đó là bà Nguyễn Thị Hiền Ngọc.
Thành Công Group được biết đến là một trong những nhà kinh doanh phân phối xe hơi “máu mặt” trên thị trường. Từ lĩnh vực lõi, Thành Công Group đã vươn tay đầu tư bất động sản và tham vọng bước sang lĩnh vực tài chính.
Thành Công Group không phải là nhân tố mới, những cũng phải là nhóm cổ đông "cũ" nhất trong "game" tranh quyền tại Eximbank vốn nổi lên từ năm 2015. Vào tháng 4/2019, Thành Công Group được thị trường biết đến với tham vọng tiến vào Eximbank khi xuất hiện trong vai trò cổ đông lớn thông qua văn bản gửi HĐQT Eximbank (khi đó ông Lê Minh Quốc là Chủ tịch HĐQT), thông báo nười đại diện/được uỷ quyền bởi một nhóm cổ đông mới đầu tư vào Eximbank, nắm giữ 12,97% vốn điều lệ của nhà băng này. Đi cùng là các lo ngại về sự phát triển Eximbank kèm theo kiến nghị. Vừa xuất hiện, Thành Công Group đã được xem là một ứng viên nhóm cổ đông sáng giá “có cơ” thay đổi “game” đổi chủ triền miên không kết thúc được tại Eximbank. Và liên minh nhóm này hiện diện tại ngân hàng cho đến hôm nay.
Năm 2020, Thành Công Group đã mua lại Chứng khoán HVS, xác thực tham vọng của mình trong lĩnh vực tài chính và cùng với đó, có thông tin cho biết nhóm này đã “miệt mài” mua gom cổ phiếu EIB để tích lũy và thực hiện giấc mơ “làm chủ nhà băng”. Chứng khoán DSC cũng được cho có mối liên hệ tới nhóm cổ đông của đại gia Tuấn “Thành Công”, ông chủ hãng phân phối xe ăn nên làm ra và kín tiếng.
Ngoài cục diện 2 nhóm cổ đông nổi trội trên, trong HĐQT của Eximbank hiện tại còn có 2 thành viên đến từ 2 nhóm cổ đông “kỳ cựu”:
Ông Nguyễn Hiếu (sinh năm 1973) được đề cử bởi nhóm cổ đông Lafelle Limited, Education Management Holdings Limited. Ngoài ra ông Hiếu còn nhận được đề cử của bà Ngô Thu Thuý - Chủ tịch HĐQT CTCP Âu Lạc.
Ông Võ Quang Hiển (1969) được Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) đề cử. SMBC đang sở hữu 15% vốn Eximbank. Nhóm cổ đông này trước đại hội đã chấm dứt vai trò đối tác chiến lược cùng Eximbank và cựu Chủ tịch vừa rời ghế gần nhất của Eximbank cũng có giai đoạn là người đại diện của SMBC.
Với tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông tổ chức lớn nhất, liệu SMBC có thoái vốn và tìm được đối tác thoái vốn phù hợp? Cũng như liệu trong nhóm liên minh cổ đông trên, có nhóm nào đã hoặc sẽ đặt được kết nối liên minh, hay nhận sang tay được cổ phần của SMBC, được cho là chìa khóa quan trọng quyết định cục diện mới tại Eximbank.
Ngoài các nhóm cổ đông trên, còn có các cổ đông Vietcombank nắm giữ 4,5% cổ phần tại Eximbank, VOF Investment Limited sở hữu 4,97%.
Vậy, ai mới là chủ sở hữu cổ đông lớn nhất tại Eximbank? Và “nhân vật” lợi hại của “game” thâu tóm ngân hàng đặc biệt này liệu đã thực sự lộ diện, sau bước ngoặt mới của Eximbank? - Điều đó vẫn còn là một câu hỏi.
Có thể bạn quan tâm