Dù vấp phải nhiều khó khăn, song tham vọng cải cách lực lượng quân đội của Ấn Độ vẫn đem lại nhiều hi vọng cho New Delhi trong thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc
Ảnh hưởng địa chính trị ngày càng tăng của Ấn Độ phần lớn dựa trên nền kinh tế và dân số khổng lồ. Tuy nhiên, để đứng vững trên trường quốc tế, ông Modi đã chú ý đến việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang Ấn Độ có phần lạc hậu.
>>Ngược dòng thế giới, ngành hàng không Ấn Độ “cất cánh”
Câu chuyện về ngành quốc phòng trong nước khiến nhiều người Ấn cảm thấy bi quan. Sau 20 năm, qua nhiều lần trì hoãn, máy bay chiến đấu Tejas ra đời vẫn bị các phi công và chuyên gia chê bai. Biến thể xe tăng Arjun được thiết kế sản xuất trong nước cũng chịu số phận tương tự. Đó là lý do vì sao các lực lượng quốc phòng Ấn Độ phụ thuộc rất nhiều vào Liên Xô trước đây và Nga ngày nay.
Vậy nhưng, sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến tranh chấp biên giới với Ấn Độ ngày một nghiêm trọng hơn, dẫn tới việc Thủ tướng Modi phải tìm mọi cách để thu hẹp khoảng cách quân sự với Bắc Kinh.
Thay đổi quan trọng nhất là các đơn vị từng có “nhiệm vụ kép” – để mắt đến cả Trung Quốc và Pakistan – được yêu cầu tập trung vào Trung Quốc. Quân đoàn I của Ấn Độ—một trong ba “quân đoàn tấn công” hạng nặng ban đầu được xây dựng để tấn công xuyên qua Pakistan—đã được tách khỏi bộ chỉ huy phía Tây đối diện với Pakistan và đặt dưới quyền chỉ huy của bộ chỉ huy phía Bắc, chịu trách nhiệm về Ladakh hướng về Trung Quốc.
Năm 2020, ông Modi đã tạo ra một chức vụ mới trong quân đội: Tham mưu trưởng quốc phòng, đứng trên lục quân, hải quân và lực lượng không quân. Các chính phủ trước đây đã né tránh động thái này vì sợ rằng một vị tướng quá quyền lực sẽ thách thức quyền lực tối cao của dân sự.
"Dù vậy, ba năm trôi qua những cải cách vẫn nhận được những ý kiến trái chiều. Tiến trình thực hiện các mệnh lệnh trên chiến trường diễn ra chậm chạp một cách đáng kinh ngạc", các chuyên gia cho biết.
Sự thay đổi về công nghệ cũng không được đánh giá cao, phản ánh qua thái độ của các binh sĩ đối với các sản phẩm quốc phòng nội địa. Theo đó, Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ, một tập đoàn khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước, được cho là chỉ hiệu quả trong việc chế tạo tên lửa.
Trong khi đó, việc khuyến khích các công ty tư nhân nhỏ hơn tham gia vào ngành quốc phòng là sáng kiến được ủng hộ rộng rãi. Bà Vrinda Kapoor, Giám đốc điều hành của 3rdiTech, nói “Những gì tôi đang thấy bây giờ là một sự thay đổi nhanh chóng trong tư duy”. Quân đội giờ đây được trao quyền khẩn cấp để cấp các hợp đồng cho một nhà cung cấp với giá trị lên tới 36 triệu USD mà không cần phải ký kết hoặc cạnh tranh quan liêu rườm rà.
>>Ấn Độ sẽ thay thế Trung Quốc thành động lực mới cho kinh tế toàn cầu?
Nhưng cách tiếp cận này sẽ không tạo ra được những vũ khí mới, như xe tăng hay tên lửa. Ông Srinath Raghavan, một nhà phân tích cho biết: “Khu vực tư nhân vẫn chưa có khả năng sản xuất hoặc tích hợp các hệ thống lớn”. Thay vào đó, các công ty nhỏ ưu tiên phát triển các loại ứng dụng quân sự, hoặc các thiết bị nhỏ hơn như máy bay không người lái. Năm nay, NewSpace Research & Technologies, một công ty có trụ sở tại Bangalore, đã cung cấp cho Quân đội Ấn Độ hai bộ máy bay không người lái, mỗi bộ gồm 50 chiếc.
Mối lo ngại lớn hơn là khoảng cách với Trung Quốc. Năm 2014, khi Thủ tướng Modi mới nhậm chức, ngân sách quốc phòng của Ấn Độ bằng 23% so với Trung Quốc. Hiện nay, con số này đã tăng lên 28%. Thế nhưng, rào cản vẫn là rất lớn.
Lực lượng không quân Ấn Độ đang hướng tới quy mô 42 phi đội, từ mức 31 hiện nay. Việc cần bổ sung hơn 200 máy bay, chưa kể phải thay thế những chiếc máy bay Mi-21 cũ không dễ dàng. Các sĩ quan không quân Ấn Độ thừa nhận rằng họ đi sau Quân đội Trung Quốc về mặt công nghệ ít nhất một thập kỷ trong lĩnh vực không quân.
Hải quân cũng còn kém xa tham vọng xây dựng hạm đội 175 tàu vào năm 2035, với 150 tàu và tàu ngầm so với con số 370 của Trung Quốc. Đô đốc Karambir Singh, cựu Tư lệnh hải quân Ấn Độ lưu ý rằng các tàu khu trục mới nhất của Trung Quốc có thể mang 112 tên lửa, so với Ấn Độ chỉ là 8 hoặc 16 quả.
Theo dữ liệu của Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Ấn Độ công bố vào tháng 3/2023, khoảng 45% thiết bị của nước này đã lỗi thời. Dự trữ cho chiến tranh chỉ đủ để kéo dài trong 40 ngày chiến đấu căng thẳng trên hai mặt trận. Năm 2017, đánh giá cho biết nhiều loại đạn dược quan trọng sẽ hết sau 10 giờ. Tình hình tệ tới mức nguồn tin từ quan chức Ấn Độ nói với The Economist rằng, họ sẽ không thể đối đầu trực tiếp với Trung Quốc trong 30 năm tới.
Tuy nhiên, với nỗ lực không ngừng nghỉ của chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đối với ngành quốc phòng, nhiều quan chức Ấn Độ kỳ vọng khoảng cách với Trung Quốc sẽ sớm thu hẹp, như Tướng Raj Shukla nhận định: ““Trong 9 năm qua đã có một sự thay đổi to lớn trong lĩnh vực quốc phòng Ấn Độ”.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao Ấn Độ lại ủng hộ Israel?
04:00, 13/10/2023
Căng thẳng với Ấn Độ có phải "nước cờ" sai lầm của Canada?
04:00, 30/09/2023
Ấn Độ trước "cơ hội lịch sử" ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc
04:00, 27/09/2023
Bài học nào từ việc thúc đẩy sản xuất điện tử của Ấn Độ?
03:30, 26/09/2023
Mỹ "rối bời" trước tranh cãi nảy lửa Ấn Độ - Canada
04:30, 22/09/2023