Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Vì sao còn băn khoăn?

NGUYỄN GIANG 05/04/2023 03:00

Trong số 193 nước trên thế giới, có 54 nước áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn chưa chứng minh được sự hiệu quả trong việc giảm tỉ lệ thừa cân béo phì…

Đó là chia sẻ của ông Đỗ Thái Vương, đại diện Tiểu ban Nước giải khát - Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam xung quanh đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

>>Nhiều ý kiến ủng hộ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá

hihihihi

Trong số 193 nước trên thế giới, có 54 nước áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn chưa chứng minh được sự hiệu quả trong việc giảm tỉ lệ thừa cân béo phì. Ảnh minh họa

Đồ uống có đường có thực sự là “tội đồ”?

Theo đó, trong dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có nội dung đề xuất “bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn… vào các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”. Mục tiêu chính của đề xuất này, theo Bộ Tài chính, là bảo vệ sức khỏe người dân, do tác hại của tình trạng thừa cân, béo phì và một số bệnh khác.

Trước vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để chứng minh việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường sẽ giúp giảm tình trạng thừa cân béo phì. Bởi thực tế có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh thừa cân, béo phì, tiểu đường mà đồ uống có đường không phải là nguyên nhân chính.

Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế Việt Nam, nhóm học sinh thành thị có tỉ lệ thừa cân béo phì cao hơn nhóm học sinh nông thôn (41,9% với 17,8%) nhưng lại có tỉ lệ tiêu thụ nước ngọt thấp hơn (lần lượt là 16,1% và 21,6%). Ngoài ra, so với nước ngọt, trẻ em tiêu thụ các sản phẩm có đường khác như bánh kẹo, kem, chè… nhiều hơn (51,1% ở khu vực thành thị và 56,4% ở khu vực nông thôn).

Xung quanh vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết đó là bởi vì có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thừa cân béo phì mà đồ uống có đường không phải nguyên nhân chính như ăn thừa năng lượng vượt quá nhu cầu, vận động ít. Song song với thiếu vận động, người có chế độ ăn uống không hợp lý, đưa vào cơ thể quá nhiều calories so với năng lượng được tiêu hao sẽ dễ bị thừa cân béo phì.

Việc áp dụng mức thuế mới đối với đồ uống có đường sẽ kéo theo nhu cầu về các sản phẩm nước giải khát đường phố, các sản phẩm có đường như kem, chè, bánh ngọt… cũng chứa lượng đường cao, khó đạt mục tiêu “chống béo phì” ban đầu.

Do đó, nếu chỉ áp thuế đối với đồ uống có đường thì không chỉ không giúp cho việc giải quyết vấn đề thừa cân béo phì, mà còn tạo ra một chính sách thuế mang tính phân biệt. “Để giải quyết hiệu quả tình trạng này cần đánh giá khách quan, đầy đủ các yếu tố liên quan thừa cân béo phì và đặc biệt là đẩy mạnh giáo dục, truyền thông về dinh dưỡng hợp lý”, bà Lâm cho biết.

>>Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường - Cần có lộ trình phù hợp

hihihihi

Một số chuyên gia cũng cho rằng, chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để chứng minh việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường sẽ giúp giảm tình trạng thừa cân béo phì. Ảnh minh họa

Sẽ gây ra tình trạng thất nghiệm, tăng lạm phát

Đáng chú ý, theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về tác động của dự luật thuế sửa đổi liên quan đến nước giải khát có đường đến kinh tế - xã hội năm 2018 đã chỉ ra rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nhóm ngành nước giải khát có đường tác động tiêu cực về mặt kinh tế - xã hội lớn hơn nhiều so với mức thuế mà Bộ Tài chính có thể thu về cho ngân sách nhà nước.

Cụ thể, doanh thu từ thuế gián thu có thể giúp tăng thêm cho ngân sách nhà nước khoảng 1.975 tỉ đồng, nhưng tác động của việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ khiến doanh thu và sản lượng của ngành nước giải khát giảm 3.928 tỉ đồng, dẫn tới doanh thu từ các loại thuế khác như thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp cũng sẽ giảm theo.

Hiện ngành đồ uống có doanh thu 200.000 tỉ đồng/năm, đóng góp gần 60.000 tỉ đồng/năm vào ngân sách nhà nước (khoảng 3,2% tổng thu ngân sách nhà nước), tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động, tạo tác động lan tỏa khi thúc đẩy phát triển nhiều lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị: nông nghiệp, kho vận, cơ khí, hóa sinh, bao bì, dịch vụ…

Do đó, một sắc thuế ảnh hưởng đến ngành này cần có đánh giá cụ thể, toàn diện về tác động của thay đổi đề xuất, bao gồm các tác động lan tỏa với nền kinh tế, trước khi thay đổi luật.

Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Thái Vương, đại diện Tiểu ban Nước giải khát - Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam cho biết: "Hiện nay, chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để chứng minh rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường sẽ giúp giảm tình trạng thừa cân béo phì, đặc biệt là trong bối cảnh có rất nhiều loại thực phẩm có chứa đường và hàm lượng calo cao tồn tại trên thị trường”.

Hiện trong số 193 nước trên thế giới, có 54 nước áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn chưa được chứng minh mang lại hiệu quả trong việc giảm tỉ lệ thừa cân béo phì.

Năm 2012, Đan Mạch đã phải bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt vì chính sách này gây ra tình trạng thất nghiệp, tăng lạm phát, tăng chi phí hành chính cho doanh nghiệp, trong khi có tác động không đáng kể đối với việc tiêu dùng thực phẩm và đồ uống. Tại khu vực châu Á, một số nước như Thái Lan, Campuchia, Lào, Brunei đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường nhưng tỉ lệ thừa cân béo phì ở các quốc gia này vẫn liên tục tăng.

Nhận định về đề xuất này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), đặt câu hỏi là trong bối cảnh doanh nghiệp đang phục hồi sau đại dịch, việc đưa ra chính sách thuế này có phù hợp với chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp, người dân hay không?

Vì vậy, ông Đậu Anh Tuấn đề nghị làm rõ việc đánh thuế vào sản phẩm đồ uống có đường liệu có làm giảm được các loại bệnh thừa cân, béo phì? Cũng bởi, việc đánh thuế phải theo thông lệ quốc tế, tăng thuế có thể tăng thu, nhưng dự thảo chưa chứng minh được việc tăng thuế sẽ làm giảm hành vi tiêu dùng.

Còn theo TS Phạm Tuấn Khải – Chuyên gia luật cao cấp, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật – Văn phòng Chính phủ cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, cần phân tích nhiều yếu tố, cả về sức chịu đựng của doanh nghiệp, ảnh hưởng của dịch COVID, ảnh hưởng của các điều kiện quản trị từ phía nhà nước để có đánh giá toàn diện.

“Một đề xuất nữa là việc xây dựng dự án luật thuế tiêu thụ đặc biệt này liên quan đến hành vi tiêu dùng cho nên không chỉ dừng ở việc lấy ý kiến của các doanh nghiệp mà cần lấy ý kiến của cả người tiêu dùng – những người chịu tác động của dự án luật này để họ được tham gia nhiều hơn, và việc lấy ý kiến khoa học và hiệu quả hơn”, TS.Phạm Tuấn Khải nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online: Cần nuôi dưỡng, đầu tư thay vì thu thuế

    Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online: Cần nuôi dưỡng, đầu tư thay vì thu thuế

    04:00, 04/04/2023

  • Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online – Doanh nghiệp lo… “bảo hộ ngược”

    Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online – Doanh nghiệp lo… “bảo hộ ngược”

    15:55, 30/03/2023

  • Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường - Cần có lộ trình phù hợp

    Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường - Cần có lộ trình phù hợp

    04:10, 26/03/2023

  • Nhiều ý kiến ủng hộ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá

    Nhiều ý kiến ủng hộ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá

    02:06, 22/03/2023

  • Cần áp ngay thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

    Cần áp ngay thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

    20:26, 07/03/2023

  • Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá nhằm định hướng sản xuất, tiêu dùng

    Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá nhằm định hướng sản xuất, tiêu dùng

    13:01, 04/03/2023

  • Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá nhằm hạn chế sử dụng sản phẩm có hại

    Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá nhằm hạn chế sử dụng sản phẩm có hại

    03:40, 03/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Vì sao còn băn khoăn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO