Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN) và một số doanh nghiệp tiêu biểu của Indonesia.
>>ASEAN-BAC 2023: Khai mở không gian hợp tác mới trong hội nhập kinh tế ASEAN
Tại buổi làm việc, trao đổi về tiềm năng hợp tác giữa hai bên, Chủ tịch ASEAN BAC Việt Nam, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh đánh giá, thông qua các buổi gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo cấp cao và các doanh nghiệp, các doanh nghiệp Indonesia sẽ có những thông tin cập nhật về chủ trương hội nhập quốc tế, đặc biệt là với ASEAN của Việt Nam, qua đó củng cố và tăng cường hơn nữa sự hiểu biết và tình cảm tốt đẹp đối với Việt Nam, với Chính phủ Việt Nam cùng truyền thống đồng hành và tìm cơ hội tháo gỡ khó khăn cùng các doanh nghiệp, cũng như sự trọng thị của lãnh đạo Việt Nam đối với các doanh nghiệp.
Chủ tịch ASEAN BAC Vietnam cũng bày tỏ mong muốn, các doanh nghiệp Indonesia có thể tận dụng cơ hội từ buổi tiếp xúc doanh nghiệp để trao đổi, trình bày với Thủ tướng Phạm Minh Chính về các sáng kiến thúc đẩy kinh tế giữa hai nước, cũng như các khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp đang đối mặt.
Thay mặt Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) Việt Nam, Phó Chủ tịch VCCI gửi lời cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giành thời gian gặp các doanh nghiệp tiêu biểu của Indonesia và Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN).
Tại buổi gặp mặt, đại diện Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) 2023 đã giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính về các dự án di sản của ASEAN bao gồm Mã QR ASEAN, Nền tảng cho vay ngang hàng ASEAN P2P.
Theo đó, ASEAN BAC đang hợp tác với các ngân hàng trung ương ở các nước ASEAN để phát triển mã QR, để giúp doanh nghiệp thuận tiện hơn khi thanh toán xuyên biên giới.
Về mục tiêu phát triển bền vững, hai dự án Trung tâm ASEAN về mục tiêu phát thải bằng “0”; Trung tâm xuất sắc về khí thải carbon cũng là các chương trình đột phá sẽ được Indonesia triển khai để xử lý các vấn đề bền vững về môi trường.
Trong đó, Trung tâm ASEAN Net Zero sẽ hỗ trợ khu vực tư nhân khử cacbon và đạt được các mục tiêu về khí thải ròng ở cấp độ ASEAN. Trung tâm ưu việt về Carbon sẽ khuyến khích hợp tác toàn cầu nhằm đạt được mục tiêu phát thải bằng 0 cũng như trao quyền cho các doanh nghiệp tận dụng tiềm năng kinh doanh Carbon.
Tại buổi gặp, các doanh nghiệp Indonesia trong các lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp (Ciputra, Astra, Sinarmas) … đã phát biểu và đánh giá cao về thị trường và tiềm năng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời bày tỏ mong muốn mở rộng hơn nữa đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong những lĩnh vực cả hai bên có lợi thế như tài chính, ngân hàng, xe điện, năng lượng tái tạo, khai thác khoáng sản như đất hiếm, nhà ở cho người thu nhập thấp, nông nghiệp, thương mại gạo, cao su, mua bán tín chỉ carbon…
>>ASEAN BIS 2023: Tìm giải pháp kích thích kinh doanh và đầu tư ASEAN
Lắng nghe các ý kiến từ các doanh nghiệp Indonesia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá sau gần 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1955-2025) và 10 năm thiết lập khuôn khổ Đối tác chiến lược (2013-2023), quan hệ Việt Nam - Indonesia không ngừng phát triển mạnh mẽ; trong đó hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại chiếm vị trí quan trọng, và luôn được quan tâm thúc đẩy. Hai nước cũng đang hướng tới nâng tầm quan hệ, đây là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư.
HIện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút và có các chính sách khuyến khích, thúc đẩy các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; các dự án tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; các dự án thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển bền vững; các dự án phát triển hạ tầng chiến lược…
Thủ tướng khẳng định: “Việt Nam luôn hoan nghênh các doanh nghiệp Indonesia đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, tài chính, đây là lĩnh vực còn rất nhiều dư địa để hai bên hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm, nhất là phát triển tài chính thông minh”.
Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam đang hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó có chính sách khuyến khích phát triển hệ sinh thái xe điện; đề nghị hai bên hợp tác hiệu quả trong khai thác các khoáng sản phục vụ phát triển xanh như sản xuất pin xe điện, cũng như hợp tác bán tín chỉ carbon..
Trao đổi về các cơ hội hợp tác, liên quan tới thị trường bất động sản, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang gặp phải tình trạng mất cân bằng cung cầu, nhất là thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.
Thủ tướng cũng mong muốn các doanh nghiệp Indonesia đầu tư tại Việt Nam phát huy trách nhiệm xã hội, tăng cường đầu tư phát triển nhà ở cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, tinh thần là cùng hợp tác để "không có ai bị bỏ lại phía sau".
Về lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng hai nước cần có hiệp định trong các lĩnh vực như cung cấp gạo, cao su để hai nước có thể hợp tác ổn định, chủ động về nguồn cung, sản phẩm… với giá cả theo thị trường trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Thủ tướng cũng đề nghị VCCI và KADIN cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn trong việc kết nối, thúc đẩy doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư, kinh doanh hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí và thời gian hơn.
“Trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Indonesia triển khai các hoạt động đầu tư, kinh doanh thành công, bền vững và lâu dài ở Việt Nam”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Ô tô điện mini Wuling Air EV lăn bánh phục vụ Hội nghị Cấp cao ASEAN
10:19, 05/09/2023
ASEAN - tương lai kinh tế rộng mở
04:30, 05/09/2023
Việt Nam cam kết thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN thông qua đầu tư
17:35, 04/09/2023
ASEAN BIS 2023: Tìm giải pháp kích thích kinh doanh và đầu tư ASEAN
18:39, 03/09/2023
"Tâm chấn" tăng trưởng ASEAN
03:03, 03/09/2023
ASEAN - BAC 2023: Dòng vốn đầu tư tiếp tục chảy mạnh vào ASEAN
17:40, 02/09/2023