Bà K. Harris thăm Việt Nam: Người Mỹ muốn nhiều hơn thế...!

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 10/08/2021 08:00

Bài toán hóc búa nhất với chúng ta là làm sao cân bằng quan hệ với các nước lớn, tranh thủ ngoại lực, giảm thiểu rủi ro.

Việt Nam đang đóng vai trò rất quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương

Việt Nam đang đóng vai trò rất quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương

Ngày 30/7, Nhà trắng xác nhận Phó Tổng thống Mỹ, Kamala Harris sẽ thăm Việt Nam trong tháng 8 này. Nếu đại sự hanh thông, đây là chuyến công du nước ngoài thứ 2 của bà Harris kể từ khi trở thành cấp phó của Joe Biden.

Có thể thấy, dưới triều đại ông Joe Biden, chưa diễn ra nhiều cuộc công du nước ngoài từ các nhân vật cốt cán, một phần do dịch bệnh COVID-19, phần còn lại do đối sách của Tổng thống và đảng Dân chủ đang tập trung ưu tiên cho vấn đề nội bộ.

Trước dự định đến Việt Nam, Phó Tổng thống Mỹ chỉ một lần duy nhất công du đến Nam Mỹ, chuyến đi này cũng không mang dấu ấn ngoại giao ngoài việc thu xếp bất ổn từ người nhập cư.

Ông Joe Biden chỉ mới đến Anh hồi đầu năm dự thượng đỉnh G7 tại London, sau đó qua Bỉ hội đàm với NATO, đến Thụy Sĩ gặp gỡ người đồng cấp phía Nga, V. Putin. 

Việc bà Harris thăm Việt Nam - vì thế rất quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt, nhiều khả năng đây là bước tiền trạm thu xếp để Việt - Mỹ tổ chức các chuyến thăm cấp cao nhất.

Từ khi bình thường hóa quan hệ đến nay, Việt - Mỹ tiến rất nhanh để xích lại gần nhau, gác lại quá khứ đau buồn. Trong vòng 25 năm, từ thù nghịch đến đối tác, và đối tác toàn diện. Minh chứng là việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do, Mỹ trở thành bạn hàng và nhà đầu tư rất lớn tại Việt Nam.

Có thể nói, 25 năm là quãng thời gian ngắn để hai quốc gia, vốn khác biệt về chính trị, tư tưởng, địa lý, văn hóa có thể hiểu và tin tưởng lẫn nhau. Song, các thế hệ lãnh đạo Việt Nam đã cho thấy tầm nhìn chiến lược, quan điểm rõ ràng về hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Đó là nền tảng vững vàng để Việt - Mỹ tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ, trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt để cùng nhau phát triển. Chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên tại châu Á - Thái Bình Dương, Nhà trắng hẳn đặt rất nhiều kỳ vọng.

Chuyến thăm của bà Kamala Harris có thể sẽ mở đường cho chuyến thăm cấp cao nhất

Chuyến thăm của bà Kamala Harris có thể sẽ mở đường cho chuyến thăm cấp cao nhất

Thứ nhất, Mỹ cần và coi trọng vai trò chiến lược của Việt Nam ở châu Á - Thái Bình Dương. Ở vị trí này, chúng ta có tiếng nói nhất định trong cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ.

Việt Nam có cơ sở khoa học để chứng minh chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa cũng như vùng biển đặc quyền kinh tế rộng hàng triệu km2. Đó là không gian mà Bắc Kinh rất thèm thuồng, ngoài lợi ích kinh tế, là chiến địa phòng thủ - tấn công, bàn đạp tiến ra Thái Bình Dương, thoát vòng vây của Mỹ.

Washington nhiều lần bày tỏ quan điểm về tranh chấp trên Biển Đông theo hướng có lợi cho một số nước bị Trung Quốc uy hiếp. Hẳn nhiên, điều đó dựa vào công lý, nhưng đằng sau là thông điệp rất rõ ràng - người Mỹ cần thêm sự ủng hộ để có mặt đường đường chính chính ở châu Á - Thái Bình Dương.

Cách đây ít tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Việt Nam, sau đó không lâu 5 triệu liều vaccine COVID-19 được viện trợ; tàu cảnh sát biển, tiền thân là tàu tuần duyên Mỹ tặng Việt Nam trên đường về,… Ở cấp độ chiến lược, Washington ngỏ ý mời Việt Nam tham gia “bộ tứ kim cương mở rộng” để tái cấu trúc chuỗi cung ứng.

Trên tất cả, những động thái ấy cho thấy thiện chí của người Mỹ, họ đang mong muốn nhiều hơn Việt Nam. Và, chúng ta phải ý thức rằng, khi trở nên quan trọng trên bàn cờ quốc tế, tức là mỗi hành động, bước đi nên được cân nhắc kỹ lưỡng.

Thứ hai, Trung - Mỹ không còn nhường nhịn nhau, cuộc cạnh tranh đã lan ra tất cả mọi lĩnh vực. Mỹ cần “sự ủng hộ” thì Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Bằng chứng là Bắc Kinh không ngừng tìm cách thắt chặt quan hệ với Đông Nam Á.

Bài toán hóc búa nhất với chúng ta là làm sao cân bằng quan hệ với các nước lớn, tranh thủ ngoại lực, giảm thiểu rủi ro; giữ và giành lại phần lãnh thổ biển đảo bị chiếm đóng trái phép. Cố nhiên, không ai có thể khôn một mình trong cục diện biến đổi khó lường như hiện nay.

Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc cho thấy bài học rất quý giá, đó là biết tận dụng thời cơ khi tình hình trong nước và quốc tế đã chín muồi. Thời cơ không phải lúc nào cũng đến, có khi chỉ là trong hoặc sau một biến cố nào đó. Cách mạng tháng 8 là ví dụ điển hình.

Có thể bạn quan tâm

  • Tết Nguyên đán nói chuyện quan hệ Việt - Mỹ

    Tết Nguyên đán nói chuyện quan hệ Việt - Mỹ

    06:00, 17/02/2021

  • Tương lai nào cho quan hệ Việt - Mỹ?

    Tương lai nào cho quan hệ Việt - Mỹ?

    06:30, 07/12/2020

  • 25 năm quan hệ Việt - Mỹp/Kỳ I: “Cẩm nang” ngoại giao giá trị

    25 năm quan hệ Việt - Mỹ Kỳ I: “Cẩm nang” ngoại giao giá trị

    11:00, 09/07/2020

  • 25 năm quan hệ Việt - Mỹ (Kỳ II): Định hình tương lai qua các con số

    25 năm quan hệ Việt - Mỹ (Kỳ II): Định hình tương lai qua các con số

    16:00, 11/07/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bà K. Harris thăm Việt Nam: Người Mỹ muốn nhiều hơn thế...!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO