Kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ năng xã hội hành vi và kỹ năng sáng tạo sẽ là ba kỹ năng cần được đào tạo, đào tạo lại đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp trong giai đoạn mới.
Trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019, sáng 12/9/2019, tại Hà Nội, Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng thế giới và các Bộ, ngành liên quan tổ chức các Hội thảo chuyên đề: Nguồn vốn nhân lực: Chỉ số vốn con người, vai trò lãnh đạo bền vững và điều phối cấp nhà nước trong dài hạn.
Theo bà Wendy Cunningham, Chuyên gia Kinh tế trưởng World bank (WB), kỹ năng của lao động thấp là cản trở lớn nhất đối với việc tuyển dụng của doanh nghiệp. “Có tới 47% doanh nghiệp việt cho biết điều này, đây là mức cao hơn mức 31% của các nước trong khu vực”, bà Wendy Cunningham cho biết.
Đặc biệt, vị chuyên gia của WB cho biết, khảo sát đánh giá của WB cho thấy, việc nâng cao kỹ năng cho lao động gặp khó vì tính liên thông và khả năng luân chuyển.
“52 triệu người lao động Việt chỉ có trình độ trung bình 8 năm đi học, bao gồm cả thời gian học phổ thông”, Chuyên gia Kinh tế trưởng WB cho biết.
Cùng với đó, chỉ có khoảng 8% người trẻ sau trung học phổ thông tham gia vào đào tạo nghề, đây là con số quá thấp.
Chia sẻ rõ hơn về con số chỉ 8% lao động được đào tạo nghề, TS trương Anh Dũng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề, Bộ LĐTB&XH cho biết, Việt nam hiện có 55 triệu lao động, trong đó có 30% lực lượng qua đào tạo, trong số này, chỉ có 8% người học nghề sau khi tốt nghiệp phổ thông, số còn lại là đào tạo đại học, cao đẳng... chính quy.
“Câu chuyện là hầu hết gia đình có con sau học phổ thông đều muốn con vào đại học, Nhưng thực tế thị trường lao động của Việt Nam không đòi hỏi nhiều nhân lực sau đại học đến thế”, TS Trương Anh Dũng cho biết.
Do đó, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề, phải thay đổi tư duy trong đào tạo. “Chúng ta đang kỳ vọng nâng cao con số học sinh sau phổ thông tham gia đào tạo nghề lên gấp đôi, gấp ba phân luồng sau phổ thông đào tạo nghề rất rõ, trong khi đó ở Việt Nam tỉ lệ phân luồng này còn thấp”, ông Dũng nhấn mạnh.
Muốn làm được vậy, công tác dự báo được nhu cầu, cơ cấu của thị trường lao động phải được đặt lên hàng đầu. Đồng thời tuyên truyền thu hút người lao động vào tham gia đào tạo nghề, thay vì đào tạo đại học.
Có thể bạn quan tâm
19:08, 11/09/2019
06:59, 11/09/2019
04:03, 11/09/2019
12:45, 09/09/2019
Theo các chuyên gia, điều này tạo ra vấn đề ở hai bình diện cần cải thiện, thứ nhất là dịch vụ giáo dục cho thanh niên hoàn thành giáo dục sau phổ thông, thứ hai là nâng cao đào tạo lại kỹ năng cho lao động trưởng thành để đóng góp nhiều hơn trong cuộc đời lao động.
Thực tế là vậy, tuy nhiên, một khảo sát của WB cho thấy, chỉ có 25% doanh nghiệp được hỏi cho biết cung cấp đào tạo chính thức cho lao động và chỉ đào tạo đơn giản.
“Do đo, cần thay đổi, không chỉ lặp lại mô hình công trong đào tạo, mà phải đổi mới. Người lao động cần tập huấn tại nơi làm việc. Doanh nghiệp cần có cách làm mới mà các khu vực công chưa sử dụng để đào tạo”, bà Wendy Cunningham nhấn mạnh.
Cùng với đó, những công việc kỹ năng đơn giản cũng được cho là sẽ ngày càng biến mất. “8/10 nghề tăng trưởng nhanh là những nghề có kỹ năng chuyên sâu và có khả năng ứng biến cao”, chuyên gia Kinh tế trưởng WB cho biết.
Do đó, cần xác định 3 nhóm kỹ năng mới cho người lao động, thứ nhất kỹ năng công nghệ thông tin.
Thứ hai, kỹ năng xã hội hành vi, nên đào tạo cho người lao động những kỹ năng mà máy tính không làm được, điều này có ý nghĩa đặc biệt trong ngành dịch vụ. Thứ ba là kỹ năng sáng tạo, lãnh đạo, giải quyết vấn đề.