Mới đây, Trung Quốc cho biết họ đã “đình chỉ vô thời hạn” đối thoại kinh tế cấp cao với Australia trong bối cảnh hai nước gia tăng căng thẳng.
SCMP dẫn lời thông cáo ngắn của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của Trung Quốc cũng cho biết, mọi hoạt động nằm trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung Quốc – Australia đã bị đình chỉ vô thời hạn do thái độ gần đây của Chính phủ Australia đối với quan hệ hợp tác giữa hai nước.
“Gần đây, một số quan chức Chính phủ Australia đã tiến hành một loạt hành động nhằm làm đổ vỡ quan hệ hợp tác và trao đổi giữa Trung Quốc và Australia, với tư duy thời Chiến tranh Lạnh và phân biệt đối xử về tư tưởng”, thông cáo của Trung Quốc nêu rõ.
Giới quan sát đánh giá, đây là bước đi quyết liệt của Trung Quốc nhằm bắn tín hiệu về sự tức giận của Bắc Kinh đối với những diễn biến thời gian qua trong quan hệ song phương. Ngay sau khi có thông tin trên, đồng đôla Australia đã sụt giá khá mạnh.
Trong những tháng gần đây, quan hệ của Australia và Trung Quốc đã liên tục gia tăng căng thẳng, đặc biệt là kể từ khi quốc gia này công khai kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc. Theo nguồn tin từ một cựu quan chức ngoại giao Úc cho biết, ý kiến của dư luận tại quốc gia này đối với Trung Quốc đang ở mức thấp kỷ lục, một phần là do sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Cuộc khảo sát thường niên của Viện Lowy cho thấy chỉ 1/4 số người Úc được khảo sát tin tưởng Trung Quốc hành động có trách nhiệm trên thế giới. Điều này đã giảm gần 30% so với hai năm trước đó.
Về phía Trung Quốc, động thái chấm dứt các cuộc đối thoại là kết quả của việc Úc hủy bỏ thỏa thuận tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” giữa bang Victoria với Trung Quốc khi cho rằng các thỏa thuận này mâu thuẫn với chính sách đối ngoại của Canberra.
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, việc Quốc hội Australia cũng đã kêu gọi chính phủ xem xét thu hồi hợp đồng thuê cảng Darwin có thời hạn 99 năm của Trung Quốc mới là nguyên nhân dẫn đến sự đáp trả mạnh mẽ từ Bắc Kinh.
Cảng Darwin nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Australia và cũng là cảng duy nhất của nước này có thể triển khai dịch vụ vận tải đa phương tiện. Về mặt an ninh, cảng Darwin còn gần với căn cứ quân sự của Australia cũng như căn cứ quân sự của Mỹ tại khu vực này khiến chính phủ Australia lo ngại.
Theo Yun Jiang, chuyên gia tại Đại học Quốc gia Australia, những điều Bắc Kinh làm với Canberra quyết liệt và chủ động hơn bất kỳ động thái nào mà nước này từng làm trước đó với các quốc gia có mâu thuẫn khác. Điều này có ý nghĩa rằng, các con đường liên lạc song phương khác sẽ có thể bị đình chỉ và các thỏa thuận thương mại sẽ thu hẹp đáng kể nếu Canberra không thể hiện các biện pháp thiện chí để sửa chữa quan hệ.
“Qua những động thái của Trung Quốc có thể thấy đây không chỉ đơn giản là hành động trả đũa Australia, mà thông qua đó cảnh báo và răn đe, thậm chí cả trực tiếp đối phó những đồng minh chiến lược quan trọng nhất của Australia, cụ thể là Mỹ rằng tìm cách lợi dụng Trung Quốc về mặt kinh tế, trong khi lại dựa vào Mỹ về an ninh và quay lại đối đầu với Trung Quốc là cách hành xử không thể chấp nhận được”, ông nhận định.
Trong thời gian tới, giới quan sát chính trị dự đoán, các sự kiện căng thẳng gần đây giữa Australia – Trung Quốc sẽ mở đầu trong một cuộc phân tách trong quan hệ 2 nước một cách rộng rãi hơn. Nhiều khả năng, nếu quan hệ Mỹ - Trung Quốc tiếp tục tăng cẳng, Canberra sẽ tiếp tục cứng rắn với Bắc Kinh. Tuy nhiên, trong trường hợp quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đạt nhiều tiến triển, Canberra sẽ điều chỉnh thái độ, chính sách và cách tiếp cận của mình
Có thể bạn quan tâm