Bắc Ninh xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ là hướng đi mang tính bền vững, chủ lực giúp doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, kinh doanh toàn cầu.
Để tạo điều kiện thuận lợi cả về cơ sở hạ tầng và chính sách phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập Cụm công nghiệp Tân chi 2 (H.Tiên Du) và Cụm công nghiệp Cách Bi (H.Quế Võ) với tổng diện tích khoảng 122ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng, định hướng ngành nghề hoạt động chủ yếu của 2 cụm công nghiệp này là thu hút đầu tư đa ngành, trong đó trọng tâm là ngành công nghiệp hỗ trợ.
Theo đó, Bắc Ninh cũng đã ban hành “Quy chế quản lý kinh phí và phát triển công nghiệp hỗ trợ và quy định mức chi cụ thể các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng, trực tiếp hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đồng thời định hướng thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển công nghiệp hỗ trợ, làm đầu mối tổ chức, kết nối, thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương…
Đặc biệt, hiện nay Bắc Ninh đã hình thành ba ngành công nghiệp trọng điểm đó là: Công nghiệp điện - điện tử, tin học; công nghiệp cơ khí chế tạo; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm và đồ uống. Hai ngành công nghiệp điện, điện tử và cơ khí chế tạo chiếm tỷ trọng cao, tạo lập hình ảnh của tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Hiện nay giá trị sản xuất công nghiệp 3 ngành này chiếm 96,15% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (ngành điện tử, tin học chiếm 85,73%; công nghiệp cơ khí, chế tạo chiếm 4,52%; công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm, đồ uống chiếm 5,90 %).
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 400 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chiếm 10,1% số doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, có gần 300 doanh nghiệp FDI, với tổng số vốn đầu tư khoảng 3,1 tỷ USD (chiếm 87%) và chiếm 78% giá trị sản xuất. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tạo việc làm cho khoảng 80.000 lao động, trong đó khối doanh nghiệp FDI thu hút trên 70.000 lao động.
Ông Nguyễn Kim Thoại, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện nay ngành công nghiệp phát triển cả bề rộng và chiều sâu, không chỉ bảo tồn và nhân rộng ngành nghề truyền thống mà còn phát triển thêm nhiều ngành sản phẩm mới. Trong đó, đáng chú ý là ngành điện - điện tử, thu hút được những Tập đoàn có danh tiếng trên thế giới như: Samsung (Hàn Quốc); Canon, Sumitomo (Nhật Bản); Foxconn (Đài Loan)… vào đầu tư, làm thay đổi và tạo nên đột phá của ngành công nghiệp tỉnh. Năm 1997, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ đạt gần 570 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, đến năm 2019, tăng lên 1.073,7 nghìn tỷ đồng, duy trì vững chắc vị trí đứng đầu cả nước.
Như vậy có thể thấy mặc dù giá trị sản xuất công nghiệp của ngành công nghiệp hỗ trợ tăng trưởng cao, các điều kiện về hạ tầng và chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ của Bắc Ninh đã và đang được triển khai đồng bộ, từng bước phát huy hiệu quả. Đặc biệt, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp vốn trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ với các doanh nghiệp FDI, sớm trở thành các đối tác, đơn vị sản xuất công nghiệp hỗ trợ quan trọng. Từ đó, đưa công nghiệp hỗ trợ của Bắc Ninh trở thành điểm sáng, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành mục tiêu phát triển công nghiệp của địa phương theo hướng hiện đại, bền vững.
Có thể bạn quan tâm
22:55, 20/05/2020
00:33, 19/04/2020
11:00, 05/04/2020
07:30, 15/02/2020
21:35, 04/02/2020
19:18, 04/02/2020