Từ khi cổ phần hóa ACV, dư luận dấy lên những lo ngại về việc nguồn lợi thu được từ hoạt động các cảng hàng không nhà nước sẽ bị “chảy máu”, đồng thời nguy cơ “nhóm lợi ích” sẽ hình thành từ đó…
Dư luận cho rằng, việc cổ phần hoáTổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) là việc làm “cố đấm ăn xôi” bởi doanh nghiệp này không thuộc đối tượng cổ phần hoá. Điều đáng nói, sau khi được cổ phần hóa, đã không có sự giám sát, kiểm tra để những sai phạm đã liên tiếp xảy ra, đi theo đó là hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng ngân sách nhà nước không cánh mà bay…
Hàng loạt sai phạm về tài chính
Cụ thể, tại thông báo Kết luận Thanh tra của Bộ Tài chính tại ACV đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm về công tác tài chính tại đơn vị này… Đó là những dấu hiệu, chiêu trò để trốn thuế nhằm trục lợi như: tự ý xóa nợ nhiều tỷ đồng không đúng quy định; hạch toán tăng chưa đúng chi phí khấu hao tài sản cố định; trốn nghĩa vụ ngân sách nhà nước để trục lợi; bắt tay công ty không rõ năng lực trúng thầu nhằm trục lợi; chi phí tăng do lập thẩm định và phê duyệt dự toán chưa đúng… gây thất thoát nhiều tỷ đồng ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, sau hàng loạt những sai phạm về tài chính và cả việc những sai phạm tại một số dự án thì ACV lại được Bộ GTVT và Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đồng ý làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.
Chính điều này càng khiến cho dư luận hoài nghi về những bài học mà ACV để lại trước đó tại những dự án mà đơn vị này gây ra dường như vẫn chỉ là bài học nhãn tiền đối với Bộ GTVT và Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp?
Đáng chú ý, tại Kết luận Thanh tra của Bộ Tài chính yêu cầu cần làm rõ những khoản đầu tư tài chính dài hạn của ACV và các công ty con dẫn đến việc thua lỗ có dấu hiệu không minh bạch.
Cụ thể, tại 2 doanh nghiệp đầu tư tài chính dài hạn, giá trị đầu tư tại thời điểm 31/12/2017 là hơn 2.722,8 tỷ đồng. ACV đầu tư hơn 2.434,5 tỷ đồng (chiếm 11,18% vốn điều lệ) vào một số công ty con; bảy công ty liên kết; bốn danh mục đầu tư khác. Tại thời điểm ngày 31/12/2017 lỗ lũy kế là hơn 21,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty CP Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) thuộc ACV. Tại thời điểm ngày 31/12/2017 đã đầu tư dài hạn hơn 288,3 tỷ đồng vào 13 công ty. Năm 2017, có ba công ty hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả.
Nguy cơ thất thu hàng trăm tỉ
Theo báo cáo, liên quan các khoản nợ phải thu, đến cuối năm 2017 có 4/5 doanh nghiệp chưa thực hiện đối chiếu, xác nhận đầy đủ nợ phải thu với số tiền hơn 943,3 tỷ đồng (chiếm 11,8% tổng nợ phải thu). Nguyên nhân được xác định chủ yếu là do các đơn vị đã gửi bản xác nhận nợ nhưng đến thời điểm ngày 31/12/2017 các khách nợ chưa gửi lại cho các đơn vị, một số khách hàng (chủ yếu là các hãng hàng không nước ngoài) đã gửi biên bản xác nhận nợ nhưng các hãng này không gửi lại hoặc không thể liên hệ được với khách hàng do đã thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh…
Riêng công ty mẹ - Tổng công ty đã chưa kịp thời xử lý để thu hồi hơn 16 tỷ đồng là khoản tiền đã ứng và thanh toán cho các nhà thầu của một số hạng mục đã dừng thi công của các đối tượng như: Công ty TNHH phát triển công nghệ BTK chưa thu hồi số tiền hơn một tỷ đồng.
Theo báo cáo của ACV, chưa xử lý được số nợ của Công ty TNHH phát triển công nghệ BTK là do nhà thầu thi công hai gói thầu phát sinh từ năm 2011 và năm 2012, gồm: công trình cung cấp và lắp đặt hệ thống cơ điện Nhà ga hành khách Phú Quốc và cung cấp và lắp đặt hệ thống cơ điện Nhà ga Buôn Mê Thuột, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trước năm 2017 và được ACV quyết toán trong tháng 8/2017.
Tuy nhiên, căn cứ kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thì ACV phải thu hồi hơn một tỷ đồng là số tiền do KTNN xuất toán theo thông báo kết quả thực hiện của Biên bản KTNN năm 2015 số 20/TB-KTNN ngày 11/01/2016 và số 119/KTNN-TH ngày 23/01/2017. Thực tế, tháng 7/2017, ACV đã đôn đốc, đối chiếu xác nhận công nợ, lập hồ sơ quyết toán, nhưng nhà thầu đã không còn hoạt động tại địa chỉ làm việc, do đó khoản công nợ này khó có khả năng thu hồi.
Khoản nợ phải thu hơn 8,8 tỷ đồng tại Công ty CP Công trình và Thương mại GTVT chưa thu hồi được cho là do còn hai hạng mục công trình chưa nghiệm thu và đã dừng thi công, vì: mặt bằng phục vụ thi công bị các hộ dân tái lấn chiếm, địa phương không giải phóng được mặt bằng, nên chưa thực hiện thanh quyết toán với nhà thầu, một số hạng mục của dự án đã đưa vào sử dụng còn một số hạng mục còn dở dang.
Theo hợp đồng ban đầu thì giá trị là hơn 143,4 tỷ đồng, đến thời điểm tháng 7/2018, giá trị khối lượng tạm nghiệm thu quyết toán theo hợp đồng điều chỉnh sau khi dừng DA là hơn 100 tỷ đồng, nhưng giá trị ACV đã tạm ứng thanh toán là hơn 108,9 tỷ đồng.
Cùng liên quan khoản nợ tạm ứng phải thu trong thi công dự án là số tiền 6,2 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 30 ứng để thực hiện thi công dự án “Xây dựng hệ thống tường rào, đường công vụ - Cảng hàng không Vinh” phát sinh từ năm 2012 và đến thời điểm thanh tra dự án chưa triển khai, đang tạm dừng thi công.
Nguy cơ thất thoát hàng chục tỷ đồng còn xảy ra tại Công ty CP phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) (Công ty mẹ - Tổng công ty nắm giữ 48% vốn điều lệ) khi thực hiện xóa nợ đã chưa thực hiện đúng quy định phải thu nợ khó đòi số tiền hơn 26,1 tỷ đồng.
Trong đó, tại Công ty cho thuê Tài chính II - Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (ALC II) là 20,6 tỷ đồng, nguyên nhân được xác định khi xử lý xóa nợ, trên cơ sở Biên bản họp hội đồng xử lý nợ phải thu khó đòi ngày 22/2/2017, nhưng tại Biên bản cuộc họp của Công ty chưa xác định nguyên nhân để xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra khoản nợ không có khả năng thu hồi.
Tương tự, với số tiền 5,5 tỷ đồng tại Công ty CP hàng không Meekong (P8), Công ty thực hiện xóa nợ chỉ căn cứ vào nội dung của Quyết định số 22/QĐ-BGTVT ngày 6/1/2015 của Bộ GTVT về việc hủy bỏ giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của P8.
Quyết định này chỉ là giấy phép con dừng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận chuyển hàng không nên chưa đủ điều kiện để thực hiện xóa nợ theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư 228/TT-BTC của Bộ Tài chính. Hay việc Công ty CP Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) đã trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi tăng không đúng quy định với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Bài học cổ phần hóa từ ngành GTVT - Bài 1: Thực hiện “ồ ạt”... thất thoát “khổng lồ”
11:00, 05/08/2021
Bài học cổ phần hóa từ ngành GTVT - Bài 2: Ai được, ai mất?
03:30, 08/08/2021
Bài học cổ phần hóa từ ngành GTVT - Bài 3: "Cổ phần hóa mặt tiền”
11:00, 09/08/2021
Bài học cổ phần hóa từ ngành GTVT - Bài 4: Miếng bánh “béo bở” ACV
03:50, 10/08/2021