Chỉ trong một thời gian ngắn, Boeing liên tiếp gặp vấn đề về an toàn trên các máy bay của mình. Nguyên nhân được cho là vì Boeing quá nôn nóng tăng tốc độ sản xuất dẫn đến khâu chất lượng bị coi nhẹ.
>>Boeing “thay tướng” để mong “đổi vận”?
Sự cố chồng chất
Tháng 2 năm ngoái, chiếc máy bay Boeing 737 Max của hãng hàng không Southwest Airlines thực hiện chuyến bay đầu tiên nhưng hệ thống ổn định tự động gặp trục trặc, buộc các phi công phải hạ cánh khẩn cấp ngay sau khi cất cánh.
Chưa đầy hai tháng sau, một chiếc 737 Max khác của hãng Alaska Airlines với tổng thời gian bay là 8 tiếng đồng hồ đã phải hạ cánh trong một thời gian ngắn để các thợ máy giải quyết sự cố hệ thống phát hiện cháy.
Rồi đến tháng 11, một động cơ của chiếc 737 Max vừa mới được giao của hãng bay United Airlines đã bị hỏng khi máy bay đang ở độ cao hơn 11.200 mét.
Những sự cố này tuy được báo cáo về Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) nhưng không được công bố rộng rãi. Không có thông tin về ảnh hưởng đến nhân mạng hoặc ai là người chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Công chúng dần biết đến những vấn đề với dòng 737 Max của Boeing khi ngày 5/1, một tấm bảng điều khiển của chiếc 737 Max 9 mới 2 tháng tuổi của hãng bay Alaska Airlines đã nổ tung giữa không trung. Sự việc khiến công chúng xôn xao và đặt câu hỏi về chất lượng những chiếc máy bay mà Boeing sản xuất.
Ông Joe Jacobsen, kỹ sư kiêm chuyên gia an toàn hàng không, người từng làm việc hơn 10 năm ở Boeing và hơn 25 năm ở FAA, nhận xét rằng “có rất nhiều chỗ mà mọi thứ dường như không được kết hợp đúng đắn ngay từ đầu” và Boeing đã đi tắt quá nhiều.
Kết quả tất yếu
Những báo cáo và các cuộc phỏng vấn với những chuyên gia an toàn hàng không cùng hơn hai mươi nhân viên đã từng và cả đang làm việc tại Boeing đã vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại về Boeing, một công ty từ lâu được xem là đỉnh cao ngành kỹ thuật ở Mỹ. Họ nhận xét rằng Boeing vẫn còn đang loay hoay trong việc cải thiện chất lượng sau hai vụ rơi máy Max 8 vào năm 2018 và 2019 khiến gần 350 người thiệt mạng.
Những thứ cần thiết để bảo đảm an toàn cho máy bay Boeing đều đang gặp vấn đề. Chẳng hạn trình độ kinh nghiệm của nhân viên giảm đi đáng kể từ khi đại dịch bắt đầu. Quy trình kiểm định các hạng mục của thợ máy cũng suy yếu trong vài năm qua. Đồng thời một số nhà cung cấp gặp khó trong việc vừa phải tuân thủ tiêu chuẩn vừa phải đáp ứng tốc độ sản xuất linh kiện mà Boeing mong muốn.
Dưới sức ép từ cơ quan chức năng, các hãng hàng không và hành khách, ngày 25/3, Boeing đã công bố những thay đổi quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của mình. CEO Dave Calhoun sẽ ra đi vào cuối năm. Stan Deal, người đứng đầu bộ phận máy bay thương mại, đơn vị sản xuất 737 Max, sẽ nghỉ việc ngay lập tức. Còn Chủ tịch Larry Kellner đã từ chức và sẽ không tái tranh cử vào hội đồng quản trị.
Khi được chọn vào ghế CEO Boeing hồi tháng 1/2020, ông Calhoun thể hiện quyết tâm cải thiện văn hóa an toàn của công ty. Họ cho thêm vào bộ máy lãnh đạo các chức vụ giám đốc về kỹ thuật và an toàn, cũng như thành lập một ủy ban an toàn trong hội đồng quản trị. Đồng thời kể từ năm 2019, họ đã tăng số lượng kiểm định viên chuyên phụ trách máy thương mại lên thêm 20%. Số lần kiểm tra trên mỗi máy bay cũng tăng lên.
Sau hai vụ rơi máy bay Max 8, Boeing và các cơ quan quản lý đã tập trung tối đa vào những nguyên nhân gây tai nạn, đó là sai sót trong thiết kế và phần mềm.
Điều đáng lưu ý là một số nhân viên Boeing cho biết các vấn đề về chất lượng sản xuất đã xuất hiện rõ ràng trong giai đoạn đó, thế nhưng dường như ban lãnh đạo Boeing và các cơ quan quản lý lại không nhận thấy điều này.
Sau sự cố ngày 5/1, FAA đã tiến hành một cuộc điều tra kéo dài 6 tuần đối với quy trình sản xuất 737 Max và tìm ra hàng chục lỗi sai trong hoạt động kiểm soát chất lượng của Boeing. FAA đã cho Boeing 3 tháng (tức đến cuối tháng 5) để giải quyết những vấn đề này.
Trong quá trình lần theo dấu vết của tấm bảng điều khiển bị nổ trong sự cố 5/1 nói trên, giới chức liên bang đã truy được đến nhà máy ở Renton (Washington) của Boeing. Đây cũng là nơi lắp ráp 737 Max. Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, có vẻ như tấm bảng đã được gỡ ra để làm gì đó, nhưng sau đó được lắp vào mà lại không được gắn vít cố định.
Nhiều nhân viên Boeing nhận định rằng sự cố này là kết quả tất yếu của những vấn đề tồn tại đã lâu. Chẳng hạn họ thường phải đối mặt với áp lực đuổi kịp thời hạn sản xuất, thứ đôi khi dẫn đến những hoạt động đáng ngờ và có thể ảnh hưởng đến an toàn của máy bay Boeing.
Có thể bạn quan tâm