Bài toán đổi mới sáng tạo với khởi nghiệp Việt Nam

Theo VnExpress 09/06/2019 04:26

Các mô hình khởi nghiệp mới thúc đẩy sự phát triển, nhưng cũng là thách thức với cơ chế quản lý và các mô hình kinh doanh cũ.

Sự khác biệt giữa khởi nghiệp với lập nghiệp nằm ở tính mới, cụ thể là việc cung ứng những sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới ra thị trường. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0, khởi nghiệp gắn liền đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao để tạo nên những giải pháp đột phá.

Năm 2018, 5 lĩnh vực khởi nghiệp hút vốn đầu tư nhất tại Việt Nam đều liên quan đến công nghệ, gồm Fintech, Thương mại điện tử, TravelTech (công nghệ du lịch), Logistics và Edtech (công nghệ giáo dục). Thêm nhiều động thái đầu tư với các quỹ trong nước, điển hình như Vinacapital Ventures (100 triệu USD). Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ của Vingroup.

Logivan - startup trong lĩnh vực công nghệ logistic vừa huy động thành công 5,5 triệu đô từ quỹ ngoại.

Logivan - startup trong lĩnh vực công nghệ logistic vừa huy động thành công 5,5 triệu đô từ quỹ ngoại.

Hàng loạt các mô hình giải quyết vấn đề kinh tế - xã hội theo cách mới mang đến đột phá cho khởi nghiệp Việt Nam, đồng thời đặt ra nhiều bài toán cho cơ chế quản lý và các mô hình kinh doanh cũ. Fintech thách thức các ngân hàng truyền thống. Grab, Uber mở ra tranh cãi kéo dài về định danh giữa mô hình công nghệ hay taxi, đặt ra yêu cầu về quy định và cơ chế quản lý mới.

Bài toán ở đây là làm sao vừa thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong môi trường pháp lý cởi mở, nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ với những mô hình chưa có tiền lệ. Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân, Bộ trưởng bộ thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng khẳng định: "Số hóa nền kinh tế là cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là công nghệ".

Gỡ nút thắt cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Gỡ nút thắt cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Gọi vốn cũng là bài toán cố hữu khác của doanh nghiệp khởi nghiệp. Tại Việt Nam, các công cụ, mô hình sàn giao dịch gọi vốn cộng đồng hoặc sàn IPO cho khởi nghiệp vẫn chưa có. Ông Trần Ngọc Thái Sơn, sáng lập kiêm CEO Tiki từng nêu ra thực trạng tại Việt Nam, các công ty lên sàn rất khó khăn, trong khi các nhà đầu tư luôn đặt yêu cầu về lợi nhuận, thoái vốn thành công. Điều này khác với các sàn chứng khoán của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hay Trung Quốc cho phép các công ty niêm yết mà không cần có lãi, chỉ cần có tăng trưởng.

Bài toán và giải pháp cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ được nêu ra tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 (Vietnam Ventures Summit 2019). Tổ chức trong 2 ngày 10/6 và 12/6, diễn đàn là nơi gặp gỡ, đối thoại và kết nối giữa Chính phủ Việt Nam và các quỹ, đơn vị khởi nghiệp.

Sự kiện thu hút 100 Quỹ đầu tư khởi nghiệp quốc tế là các tên tuổi lớn như Softbank Vision Fund; Sequoia; SK; Temasek; Insignia; Golden Gate Venture, Hanwha...

Tại đây, các quỹ đầu tư lớn trên thế giới sẽ có mặt, cùng tìm hiểu về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Đại diện các tổ chức lớn cũng sẽ chia sẻ những bài học và quan điểm phát triển, hỗ trợ cũng như vai trò của Chính phủ.

Diễn đàn cũng mở ra cơ hội lắng nghe nhu cầu từ cộng đồng khởi nghiệp, các quỹ đầu tư cũng như đối thoại về chính sách hỗ trợ trong các nhóm ngành đang được quan tâm như fintech, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bài toán đổi mới sáng tạo với khởi nghiệp Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO