Kinh tế địa phương

Bàn cách phát triển logistics Bắc Ninh

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG 04/09/2024 18:30

Bắc Ninh được các Chuyên gia nhận định có tiềm năng, lợi thế để phát triển dịch vụ logistics nhưng hiện vẫn chưa được khai thác hiệu quả, xứng tầm.

Tháo gỡ điểm nghẽn về logistics trên địa bàn tỉnh

Thực tế Bắc Ninh có nhiều lợi thế lớn để đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics vì có vị trí địa lý thuận lợi, gần sân bay lớn, các tuyến đường cao tốc, đường sông đi các địa phương vùng kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và bản thân cũng là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp.

Theo Ông Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, Bắc Ninh sở hữu nhiều điều kiện để thúc đẩy logistics, một ngành được ví như mạch máu của nền kinh tế. Từ một thị trường mới nổi đầy tiềm năng, muốn vươn lên vị trí của một trong những trung tâm logistics của cả nước, Bắc Ninh cần quan tâm chú trọng đến phát triển logistic xanh.

Những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã tận dụng tốt các lợi thế về vị trí địa lý, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại, cộng với sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp và thương mại - dịch vụ đã và đang tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy tỉnh vươn lên thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển dịch vụ logistics.

11.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn cùng các lãnh đạo tỉnh và các đại biểu thăm ICD Tân cảng Quế Võ

Hiện nay, ngành logistics là một phần của quản lý chuỗi cung ứng liên quan đến dòng chảy hiệu quả của hàng hóa, dịch vụ, từ điểm xuất phát đến điểm tiêu thụ. Đối với địa phương có độ “mở” kinh tế lớn như Bắc Ninh, tỉnh xác định việc hiện đại hóa hệ thống logistics có vai trò rất quan trọng trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng và đã triển khai nhiều giải pháp để nâng tầm hệ thống này.

Trên cơ sở khai thác lợi thế về vị trí địa lý, Bắc Ninh đã đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Nhờ đó, Bắc Ninh đã trở thành nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics lớn của cả nước. Những dịch vụ logistics trọn gói như phân phối hàng hóa, trung chuyển container, thông quan hàng hóa nội địa, xếp dỡ, vận chuyển, kho ngoại quan... phát triển mạnh mẽ.

Toàn tỉnh hiện có ba cảng cạn (ICD), hàng chục kho ngoại quan, kho gom hàng lẻ (CFS) và hàng trăm doanh nghiệp, đại lý hải quan cung cấp dịch vụ logistics cho hoạt động xuất nhập khẩu. Hệ thống kho ngoại quan, kho CFS, ICD và đại lý thủ tục hải quan,... cơ bản đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu; trong đó, nhiều kho ngoại quan có hệ thống quản lý hiện đại, diện tích lớn, áp dụng các công nghệ mới.

picture2.jpg
Dự án trung tâm logistics thông minh cao tầng tại Bắc Ninh (ảnh minh họa)

Cùng với đó, dịch vụ vận tải hàng hóa của Bắc Ninh với gần 1.000 doanh nghiệp, đóng vai trò quan trọng cho hệ thống logistics hoạt động hiệu quả. Ông Tuấn cho hay.

Theo công bố của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng năm 2024, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 2 trong số các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu (sau Thành phố Hồ Chí Minh) trong đó có đóng góp không nhỏ của hoạt động logistics. Ông Ou Yang Xing Peng, Giám đốc Công ty Yuzhan Việt Nam (Khu công nghiệp Quế Võ) cho biết: Một trong những điểm hấp dẫn các nhà đầu tư đến với Bắc Ninh chính là sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống dịch vụ logistics, các chuỗi cung ứng phụ trợ tại địa phương ngày một hoàn thiện hơn, từ đó, số lượng nhà đầu tư nước ngoài liên tục tăng lên, làm cho chuỗi công nghiệp tại Bắc Ninh ngày càng phát triển,...

Đưa lĩnh vực logistics lên một tầm cao mới

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc ICD Tân Cảng Quế Võ cho biết, cuối tháng 3/2023, ICD Tân Cảng Quế Võ chính thức khai trương. Tân Cảng Quế Võ có quy mô 10ha, với năm cầu tầu có thể đón cùng lúc năm sà-lan trọng tải 160TEUs, công suất ước đạt 6 triệu tấn/năm. Đây là ICD thứ 10 được đưa vào hoạt động trên toàn quốc và được đánh giá có quy mô lớn, hiện đại nhất khu vực phía Bắc. Để đáp ứng cung cấp các dịch vụ logistics theo nhu cầu của thị trường, ICD Tân cảng Quế Võ triển khai giải pháp logistics xanh, ổn định, bền vững, thân thiện với môi trường. Với việc sử dụng dịch vụ sà lan và làm thủ tục thông quan, giao nhận hàng hóa tại cảng sông gần KCN giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch sản xuất do thời gian giao nhận ngắn hơn và giảm thiểu rủi ro đối với hàng hóa.

Tân Cảng Quế Võ phấn đấu đến năm 2025 sản lượng thông quan qua bến đạt hơn 522.000 Teu, doanh thu 660 tỷ đồng… trở thành trung tâm logistics của tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Tại đây có đầy đủ chức năng như: Dịch vụ depot container rỗng, bảo dưỡng container lạnh, vận chuyển xếp dỡ sà-lan; dịch vụ hải quan, soi chiếu, kiểm hóa... Với việc tận dụng được cầu bến sà-lan, Tân Cảng Quế Võ có thể cung cấp giải pháp vận tải thủy bộ kết hợp, theo hướng logistics xanh được nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Samsung, Vinasolar, Foxconn, Diana... lựa chọn.

3(3).jpg
ICD Tân Cảng Quế Võ từng bước đi vào khai thác với đầy đủ chức năng như: Dịch vụ depot container rỗng, M&R, vận chuyển xếp dỡ sà lan; dịch vụ hải quan, soi chiếu, kiểm hoá…

Trong tương lai, cảng cạn này sẽ tiếp tục được mở rộng lên hơn 30 ha, bổ sung các kho hàng, qua đó góp phần phát triển dịch vụ vận tải nội địa, giao nhận vận tải, dịch vụ logistics và cảng cạn hiện đại, đầy đủ các chức năng theo quy định. Tân Cảng Quế Võ phấn đấu đến năm 2025 sản lượng thông quan qua bến đạt hơn 522.000 Teu, doanh thu 660 tỷ đồng… trở thành trung tâm logistics của tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Theo ông Đào Quang Khải Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, với mục tiêu đưa logistics thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới Bắc Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông mang tính hiện đại, đồng bộ, thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa; thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp logistics nói riêng trong chuyển đổi số, nâng cao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách và minh bạch hóa việc giải quyết thủ tục hành chính; giảm thiểu tình trạng tiếp xúc trực tiếp, giảm thiểu phát sinh chi phí không chính thức, tiết kiệm thời gian...

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh, trong 8 tháng đầu năm 2024, Bắc Ninh đã thu hút hơn 3,2 tỷ USD vốn đầu tư, dẫn đầu cả nước. Là tỉnh phát triển công nghiệp, luỹ kế đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã có 2.413 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt 28,2 tỷ USD. Với thành tích trên, hiện tỉnh đang đứng thứ 7 cả nước về quy mô thu hút vốn đầu tư. Con số ấn tượng này bao gồm 330 dự án mới được cấp phép với tổng vốn 1,51 tỷ USD, 135 dự án điều chỉnh tăng vốn với 1,66 tỷ USD và 30 lượt góp vốn, mua cổ phần trị giá 51,2 triệu USD.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn đã ký ban hành Quyết định số 423/QĐ-UBND phê duyệt danh mục dự án thu hút đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024, định hướng năm 2030 gồm 167 dự án, với tổng diện tích khoảng 11.638ha. Các dự án này trải rộng trên nhiều lĩnh vực như: Nông nghiệp, thương mại dịch vụ, nhà ở, khu đô thị, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, thể thao, văn hóa, nước sạch và môi trường.

Nhu cầu kho ngoại quan, vận chuyển hàng hóa của Bắc Ninh rất lớn. Ngoài ra, việc Việt Nam ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới tạo động lực để hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam nói chung, tỉnh Bắc Ninh nói riêng phát triển mạnh, giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường, đa dạng hóa các loại hàng hóa tham gia xuất nhập khẩu. Hiện, Bắc Ninh có hàng trăm mặt hàng công nghiệp được xuất khẩu đi các nước trên thế giới.

Để đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp, tỉnh luôn ưu tiên, đẩy mạnh phát triển hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, thương mại- dịch vụ.

Dự kiến, trong thời gian tới, bên cạnh hơn 50 doanh nghiệp đang hoạt động logistics trên địa bàn, tỉnh tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Trong đó, trọng điểm là ký kết hợp tác, xây dựng và vận hành Trung tâm logistics thông minh cao tầng (smart logistics center) tại KCN Yên Phong II-A với Tập đoàn Mitsubishi Estate Vietnam và Công ty CTCP Western Pacific; thu hút đầu tư xây dựng khu cảng cạn và dịch vụ logistics diện tích khoảng 94,53ha, thuộc địa phận phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) và xã Đông Phong (huyện Yên Phong)… Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là hệ thống kho, bãi cảng cạn và trung tâm dịch vụ logistics được xây dựng tập trung hiện đại, tối ưu chi phí vận tải, hậu cần. Sử dụng tiến bộ công nghệ trong quản lý và vận hành như: robot điều khiển bằng giọng nói, pin năng lượng mặt trời thân thiện với môi trường; ứng dụng công nghệ Blockchain, trí tuệ nhân tạo vào hoạt động logistics… để giảm chi phí, giúp khách hàng theo dõi, quản lý hành trình xuất nhập khẩu hàng hóa.

Để tạo động lực phát triển dịch vụ logistics, thời gian tới, ngoài phát triển hạ tầng logistics xung quanh tuyến đường sắt, đường cao tốc Hà Nội- Bắc Ninh- Lạng Sơn và Bắc Ninh – Nội Bài kết nối với QL3 mới và các tuyến sông, tỉnh tập trung ứng dụng CNTT, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics; đẩy mạnh cải cách và minh bạch hóa việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức; giảm thiểu tình trạng tiếp xúc trực tiếp, giảm thiểu phát sinh chi phí không chính thức, tiết kiệm thời gian.

Cùng với đó là đầu tư, nâng cấp các tuyến đường, nút giao thông đối ngoại, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, rút ngắn cự ly không gian, tạo nên “mắt xích” quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của dịch vụ logistics theo hướng kết nối liên thông với các tỉnh, thành phố vùng thủ đô Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bàn cách phát triển logistics Bắc Ninh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO