Luật An toàn giao thông hàng hải khi có hiệu lực chính thức sẽ góp phần hiện thực hóa tham vọng biến Biển Đông thành lãnh hải của Trung Quốc.
Bắt đầu từ ngày 1/9, Luật An toàn giao thông hàng hải sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, Trung Quốc đặt ra một loạt yêu cầu kiểm soát các tàu bè nước ngoài đi vào “vùng lãnh hải” của nước này.
Theo Luật An toàn giao thông hàng hải, có hai nội dung cơ bản tương đối mập mờ và chúng ta cần phải hiểu rõ bản chất, đó là: Quyền “đi qua vô hại” trong vùng lãnh hải và cái gọi là “vùng lãnh hải”.
Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đã trích dẫn quy định cho 5 loại tàu khi đi vào “vùng lãnh hải” của Trung Quốc phải khai báo gồm: (i) tàu ngầm; (ii) tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân; (iii) tàu chở vật liệu phóng xạ; (iv) tàu chở chất độc hại như dầu hỏa, hóa chất hoặc khí hóa lỏng và (v) các tàu khác “có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc” phải khai báo chi tiết mọi thông tin liên quan đến các con tàu đó như về danh tính, số IMO, vị trí tàu, địa điểm và ngày giờ khởi hành, địa điểm sắp đến tiếp theo và ngày giờ dự kiến đến, số điện thoại vệ tinh, tên hàng hóa nguy hiểm và số lượng cụ thể.
Để ra quy định này, Trung Quốc đã giải thích và vận dụng Điều 20 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UCNLOS) 1982: Tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác và Điều 23 của UNCLOS 1982: Tàu thuyền nước ngoài có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân và tàu thuyền chuyên chở các chất phóng xạ hay các chất vốn nguy hiểm hoặc độc hại.
Tuy nhiên, UNCLOS 1982 không bắt buộc phải khai báo, xin phép hay phải chịu sự kiểm soát, khám xét của các lực lượng chức năng của quốc gia ven biển, nếu các loại tàu thuyền này hoàn toàn tuân thủ và thực hiện “quyền đi qua vô hại” trong lãnh hải của quốc gia ven biển.
Một điểm đáng chú ý khác là trong số các loại tàu phải khai báo có “các tàu bị xác định có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải”. Đây là một quy định rất mơ hồ, cho phép Trung Quốc diễn giải trong mọi trường hợp. nhắm tới các tàu quân sự nước ngoài, cụ thể là tàu chiến của Mỹ.
Cũng như các quốc gia ven biển khác trên thế giới, Trung Quốc đã ra tuyên bố và có các văn bản quy phạm pháp luật xác định phạm vi lãnh hải của mình có chiều rộng 12 hải lý (Tuyên bố về Lãnh hải 1958, Quy định về Lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1992, về Đường cơ sở 1996 và về vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 1998).
Tuy nhiên vấn đề ở đây là Trung Quốc đã cố tình giải thích và áp dụng sai UNCLOS 1982 trong việc xác lập hệ thống đường cơ sở tại các quần đảo nằm giữa Biển Đông.
Liên quan đến vấn đề này, một chuyên gia về Biển Đông đã nhận định: “Trung Quốc tiếp tục nhập nhằng câu chữ khi đưa ra yêu cầu “bất kỳ tàu nào được cho là đe dọa an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc” phải khai báo thông tin khi tiến vào “vùng lãnh hải”. Yêu cầu này cho thấy Trung Quốc đang để ngỏ cả việc áp dụng quy định lên cả các tàu quân sự, bao gồm tàu chiến”.
Thực tế, động thái này có thể hạn chế di chuyển của cả tàu quân sự lẫn tàu thương mại trên Biển Đông. Hiện vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc sẽ thực thi những quy định mới như thế nào và ở khu vực nào.
Nhưng sẽ đúng như tờ Global Times (Trung Quốc) khẳng định động thái này nhằm củng cố an ninh quốc gia của Trung Quốc thông qua việc triển khai các quy định nghiêm ngặt để tăng cường khả năng nhận diện hàng hải.
Dĩ nhiên, những quy định nêu trên chắc chắn sẽ khiến căng thẳng leo thang nếu Trung Quốc thực thi chúng ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, nơi Mỹ và đồng minh thường xuyên tiến hành các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền hàng hải phi lý của Bắc Kinh.
Càng nguy hiểm hơn, nếu các tàu dân sự vì lo sợ mà chấp hành khai báo, vô hình trung điều này sẽ trở thành bằng chứng để Trung Quốc củng cố các yêu sách chủ quyền ngang ngược trong khu vực.
Việt Nam lên tiếng về luật an toàn giao thông hàng hải Trung QuốcViệt Nam đề nghị các nước tuân thủ điều ước quốc tế trong ban hành luật biển, trước việc Trung Quốc thực thi luật yêu cầu tàu nước ngoài khai báo nếu vào "lãnh hải". "Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết trong thông cáo ngày 1/9. Bà Hằng đưa ra tuyên bố sau khi được hỏi về việc Trung Quốc bắt đầu thi hành Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi, trong đó có yêu cầu một số loại tàu nước ngoài khai báo khi đi vào vùng biển nước này tự nhận là "lãnh hải". Một số chuyên gia Trung Quốc và quốc tế nhận định Trung Quốc có thể áp dụng luật này ở các khu vực như Biển Đông và biển Hoa Đông. "Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS", bà Hằng cho biết thêm. |
Có thể bạn quan tâm
05:00, 01/08/2021
11:00, 14/07/2021
04:11, 14/07/2021
03:00, 13/07/2021
11:00, 12/07/2021
04:00, 12/07/2021
05:41, 11/07/2021
18:30, 08/07/2021
05:00, 22/06/2021
06:20, 18/06/2021
19:04, 17/06/2021
13:05, 16/06/2021
07:00, 13/06/2021