Các thương hiệu ngành dịch vụ ăn uống, hàng không, thể thao, làm đẹp... đang tích cực bán thẻ trả trước, voucher để xoay xở trong mùa dịch.
Bán trước các dịch vụ thông qua những loại thẻ trả trước, nạp tiền nhận ưu đãi trong tài khoản thành viên, hay đơn giản giảm giá mạnh phí thuê bao, phí thành viên trọn gói trong mùa dịch...là cách để nhiều doanh nghiệp dịch vụ có thể tạo doanh thu từ khách nhằm duy trì dòng tiền trong mùa dịch.
Ông Mai Trường Giang, CEO của TG Food (đơn vị sở hữu chuỗi nhà hàng Otoké Chicken và bánh Chewy Junior) cho biết, Covid-19 đã khiến công ty thiệt hại doanh thu 30-50%. Mỗi nhà hàng của TG Food phải chịu lỗ vài chục đến hơn trăm triệu đồng mỗi tháng. Dòng tiền của hệ thống đang nhờ vào vài điểm bán mang đi. "Hiện nguồn vốn công ty có thể duy trì thêm 12 tháng, sau đó thì chưa biết ra sao", ông Giang nói.
TG Food đang lên phương án để cải thiện nguồn thu như ưu đãi độc quyền cho các đối tác thứ 3, tăng cường kênh truyền thông xã hội để hút đơn hàng trực tuyến... Đặc biệt, ông Giang kỳ vọng vào giải pháp bán gift voucher (thẻ quà tặng).
"Chúng tôi dự định đẩy mạnh bán thẻ quà tặng. Nếu được khách hàng ủng hộ, doanh thu ngắn hạn dự kiến tăng mà không phát sinh chi phí triển khai cũng như không cắt giảm thêm nhân sự trong 3 tháng tới", vị CEO nói.
Gần đây, Vietjet Air, Bamboo Airways cũng đang cố kéo lại doanh thu bằng cách tung ra thẻ bay trả tiền trước trên các chặng nội địa. Loại thẻ của Vietjet Air, có tên Power Pass, miễn phí 100% giá vé, 15 kg hành lý ký gửi, 7 kg xách tay và không giới hạn số lần bay trong suốt thời hạn hiệu lực.
Tương tự, thẻ Pass Unlimited của Bamboo Airways không giới hạn số lần và chặng bay nội địa. Điểm chung của hai loại thẻ trên đều miễn phí giá vé nhưng chưa bao gồm các loại thuế, phí khác.
Hôm 20/4, Vietnam Airlines cũng công bố nâng cấp gói vé Flight Pass hợp tác với Optiontown, cho phép đến 400 người sử dụng chung một gói. Điểm khác của Flight Pass là sở hữu nhiều đường bay trong và ngoài nước, bao trọn tiền vé máy bay, thuế, phí, phụ thu... Hành khách bay càng nhiều hoặc đặt chỗ càng sớm trước ngày bay thì có thể tiết kiệm đến 50% giá vé.
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp, nhiều thương hiệu phòng gym, thẩm mỹ, làm tóc, thời trang cũng chọn cách bán trước dịch vụ để duy trì doanh thu nhằm tránh sa thải lao động trong lúc ngưng việc.
Citigym giảm đếm 40% giá trị thẻ tập cho các hội viên muốn gia hạn. Còn 30 Shine - chuỗi cắt tóc nam với 91 salon trên cả nước tung chương trình TopUp với ưu đãi nạp tiền vào thẻ thành viên đến 35%.
"Chương trình mang lại kết quả rất tốt. Mỗi ngày có vài trăm người mua các gói này, trong đó có khách mua đến 50 triệu đồng để làm quà tặng", ông Bùi Quang Hùng, Giám đốc Marketing 30 Shine cho biết. Theo ông, đây là một giải pháp để tạo dòng tiền ngắn hạn trong mùa dịch.
Với nhóm doanh nghiệp dịch vụ ngành F&B, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của cách ly xã hội khi phải gánh chi phí mặt bằng, lực lượng lao động lớn thì bán gift voucher được xem là cách có doanh thu chủ động nhất từ chính khách hàng.
Theo khảo sát của trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân, đến ngày 1/4 có 34,7% doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động. Trong đó, số đông là các cửa hàng vừa và nhỏ không có khả năng tiếp cận chính sách giảm lãi vay của ngân hàng vì không có báo cáo tài chính và các điều kiện khác. Một số thì sang nhượng cửa hàng hoặc đóng cửa vĩnh viễn.
Ông Nguyễn Cảnh Dương, CEO Meete cho biết vừa khởi xướng chương trình bán thẻ quà tặng thông qua ứng dụng của Nguyen Group. Chương trình này gồm 2 phần là tặng gói dịch vụ miễn phí (wifi marketing, giao hàng, đặt chỗ, quảng cáo..) và hỗ trợ bán 7,2 tỷ đồng gift voucher (giảm 30-70% giá bán) cho các cửa hàng tham gia, không chỉ có ăn uống mà còn thời trang, làm đẹp, du lịch, giải trí.
"Hiện có trên 300 cửa hàng đăng ký bán gift voucher và hơn 30 đơn vị tham gia hỗ trợ để giúp đối tác của họ vượt khó" ông thông tin.
Theo ông Dương, các cá nhân và doanh nghiệp đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đa số có quy mô vừa và nhỏ, vốn dễ bị tác động trong tình hình biến động. Do đó, công ty ông tổ chức chiến dịch này hoàn toàn miễn phí để giúp họ có thêm giải pháp xoay xở dòng tiền ngắn hạn.
Trong một bài viết trên Harvard Business Review, Eddie Yoon Nhà sáng lập Eddie Will Grow, một công ty tư vấn về chiến lược tăng trưởng; và Christopher Lochhead, chuyên gia tiếp thị - tác giả của "Niche Down" và "Play Bigger", cũng gợi ý về việc bán thẻ quà tặng như một cách vượt qua khó khăn dòng tiền.
"Theo quan điểm của kế toán và tiếp thị, thẻ quà tặng có thể phức tạp. Nhưng hãy lưu ý Starbucks tại Mỹ có 25 triệu khách hàng tái nạp tiền vào thẻ. Điều này giúp chuỗi cà phê có một khoản vốn vay lưu động không lãi suất. Tính tổng thu nhập, nó mang lại cho Starbucks hơn 1 tỷ USD vốn lưu động. Các công ty khác cũng có thể thử điều này", hai chuyên gia khuyến nghị.
Còn theo ông Bùi Quang Hùng, Giám đốc Marketing 30 Shine, để có thể bán trước dịch vụ thì thương hiệu đó phải có một tập khách hàng thành viên đủ lớn, mức ưu đãi đưa ra hấp dẫn và quan trọng là uy tín phải có sẵn từ trước.
"Sức mạnh thương hiệu sẽ thể hiện rõ trong giai đoạn này. Vì nếu khách hàng không thích hoặc không tin mình có thể tồn tại được qua dịch thì làm sao họ dám xuống tiền", ông Hùng nói.