Các thông tin chính thống trên báo chí sẽ trở thành điểm tựa cho doanh nhân, doanh nghiệp vững tin kinh doanh sản xuất; góp phần thay đổi chính sách để doanh nghiệp phát triển bền vững.
>>Không gian phát triển mới của báo chí
Đó là chia sẻ của Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp nhân kỷ niệm 99 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/1925 - 21/6/2024.
Điểm tựa cho doanh nghiệp, doanh nhân
Theo bà Lý Kim Chi – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, thực tế trong suốt thời gian qua, báo chí đã khẳng định được tầm quan trọng và có vai trò to lớn trong tất cả các hoạt động của Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, đối với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp rất trân quý và cảm ơn nhiều cơ quan báo chí, nhất là Diễn đàn Doanh nghiệp đã luôn nhiệt huyết và đầy trách nhiệm khi đứng lên bảo vệ doanh nghiệp, thấu hiểu và đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân.
“Các thông tin chính thống trên báo chí trở thành điểm tựa cho doanh nhân, doanh nghiệp vững tin kinh doanh sản xuất. Thậm chí, thông quan phản ánh, báo chí còn góp phần thay đổi chính sách và xu hướng thị trường, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến lĩnh vực và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo yêu cầu phát triển bền vững. Thông qua báo chí, những khó khăn vướng mắc cũng như tâm tư, nỗi niềm của doanh nghiệp nhanh chóng được chuyển đến các cơ quan quản lý và nhờ vậy cũng phần nào được giải quyết nhanh hơn. Điều này thấy rõ qua những điều chỉnh kịp thời từ cơ quan nhà nước về lãi suất, thủ tục hành chính…”.
Cũng theo bà Chi, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cầu nối này càng trở nên cần thiết và hữu hiệu hơn bao giờ hết. Đặc biệt, sau khi Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới vừa được ban hành thì vai trò của báo chí cần được phát huy chủ động hơn nữa để tổ chức các chuyên mục, chuyên trang, bài viết chuyên sâu để tuyên truyền, phổ biến cụ thể các nội dung của Nghị quyết này. Qua đó, doanh nhân, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt và thực hiện hiệu quả. Đồng thời, tăng cường năng lực bám sát và phản ánh trung thực quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết và kịp thời khai thác, đưa tin về những thành công, những mô hình, sáng kiến hay trong việc thực hiện Nghị quyết cũng như chỉ ra vướng mắc, khó khăn.
Bức tranh chung của báo chí và doanh nhân, doanh nghiệp là mối quan hệ đồng hành, cảm thông, chia sẻ giữa những người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận truyền thông và những người chiến sỹ cách mạng trên mặt trận kinh tế. Doanh nghiệp khỏe thì báo chí vui, báo chí có trách nhiệm thì doanh nghiệp cũng có thêm niềm tin, động lực để phát triển.
Song, để thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, bà Kim Chi cho rằng, phóng viên và nhà báo cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa kiến thức chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, và sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải hỗ trợ báo chí trong việc cung cấp thông tin minh bạch và kịp thời, giúp phóng viên tiếp cận và phản ánh đúng tình hình; Thiết lập kênh liên lạc trực tiếp giữa doanh nghiệp và báo chí, tạo điều kiện cho việc trao đổi thông tin nhanh chóng và hiệu quả; Sẵn sàng trao đổi và phản hồi để cải thiện chất lượng tin tức, cùng đánh giá hiệu quả để rút kinh nghiệm.
Ngoài ra, môi trường làm việc thuận lợi và mối quan hệ đối tác bền vững giữa báo chí và doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng thông tin và hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế.
>>Báo chí góp phần minh bạch thị trường bất động sản
Nâng cao uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp
Đồng quan điểm, ông Phạm Quốc Long – Chủ tịch Hiệp Hội Đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải (VISABA), cho rằng từ góc độ của hiệp hội quốc gia có trên 30 năm hoạt động trong lĩnh vực hàng hải chúng tôi nhận thấy báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, báo chí là kênh thông tin chính thống, giúp doanh nghiệp cập nhật kịp thời các chính sách, quy định pháp luật, xu hướng thị trường và thông tin kinh tế vĩ mô. Điều này giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định kinh doanh phù hợp và hiệu quả hơn, qua đó đóng góp tích cực thúc đẩy kinh tế Việt Nam.
Ông Phạm Quốc Long nhận định: báo chí là kênh thông tin chính thống, giúp doanh nghiệp cập nhật kịp thời các chính sách, quy định pháp luật, xu hướng thị trường và thông tin kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, báo chí giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ đến đông đảo công chúng, và qua đó, nâng cao uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt khách hàng và đối tác.
Ở góc độ đối thoại chính sách, báo chí là diễn đàn để doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc, đề xuất… trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời đóng góp ý kiến vào việc xây dựng, hoàn thiện các chính sách pháp luật và các quy định liên quan. Bên cạnh đó, báo chí còn góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng và minh bạch, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, hợp lực sức mạnh quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông Long, để có thể đưa tin chính xác, kịp thời và hỗ trợ doanh nghiệp, phóng viên, nhà báo cần tiếp tục nâng cao kiến thức chuyên môn; am hiểu về lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, nắm vững các quy định pháp luật liên quan để xử lý và phân tích thông tin trên tinh thần trách nhiệm cao với công việc, luôn đặt lợi ích của cộng đồng lên trên hết để phản ánh một cách khách quan nhất; Xây dựng mối quan hệ hợp tác tốt với doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin và phản ánh thông tin một cách chính xác, kịp thời, góp phần vào sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 21/06/2024
04:30, 21/06/2024
04:00, 21/06/2024
04:00, 21/06/2024
04:00, 21/06/2024