Nhằm tạo động lực để các bạn trẻ phát triển các ý tưởng sáng tạo và hiện thực hóa giấc mơ kinh doanh; kết nối mạng lưới Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp - Chuyên gia khởi nghiệp - Nhà đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm để tăng cường nguồn lực hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp,… Báo Diễn đàn Doanh nghiệp cùng Đại học Huế “thắp lửa” khởi nghiệp tại Thành phố Huế.
Thực hiện chương trình công tác của Đại học Huế năm học 2017 - 2018,trong khuôn khổ chuỗi hoạt động về khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và việc làm năm 2018,với mục đích tạo động lực để các bạn trẻ phát triển các ý tưởng sáng tạo và hiện thực hóa giấc mơ kinh doanh qua những cơ hội tiếp cận, hợp tác với các bên liên quan trong hệ sinh thái khởi nghiệp; cùng với đó, thông qua các hoạt động để kết nối mạng lưới Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp - Chuyên gia khởi nghiệp - Nhà đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm để tăng cường nguồn lực hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp tại Đại học Huế, tăng cường nhận thức và mối quan tâm đối với phong trào khởi nghiệp; hôm nay, Đại học Huế tổ chức Diễn đàn “Thắp lửa và kết nối khởi nghiệp”. Cùng sự đồng hành của chương trình Khởi nghiệp Quốc gia do phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam (VCCI) chủ trì và Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương – PGĐ Đại học Huế cho biết: trong năm qua, hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam diễn ra rất sôi động với hơn 900 dự án khởi nghiệp được ươm tạo với hơn 300 sản phẩm khởi nghiệp đã được kết nối đến với cộng đồng và các quỹ đầu tư. Hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đã có hoạt động tại Việt Nam, có 24 cơ sở ươm tạo, 10 tổ chức thúc đẩy hoạt động kinh doanh và nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp,…
Cũng theo Tiến sĩ Chương, hiện nay những dòng vốn tiền lớn đã và đang chảy vào Việt Nam. “Chỉ tính riêng 5 thương vụ kêu gọi vốn thành công nhất đã có tổng giá trị đến 50 triệu USD và mới đây nhất foody – mạng xã hội về ẩm thực đã được một tập đoàn Singapore mua lại hơn 82% cổ phần với hơn 64 triệu USD”.
Riêng với Đại học Huế, Tiến sĩ Chương cho biết hiện Đại học Huế có trên 47.500 sinh viên hệ chính quy với 119 chuyên ngành đào tạo bậc đại học, 76 chuyên ngành thạc sĩ và 49 chuyên ngành. “Với đội ngũ hùng hậu và lượng sinh viên đông như hiện nay, nhưng hoạt động khởi nghiệp của Đại học Huế còn quá ít, vẫn mang tính chất riêng lẻ, lồng ghép,.. mà chưa thành một hoạt động thường niên. Từ năm 2018, Đại học Huế đã có kế hoạch và tập trung tổ chức các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thành hoạt động thường niên và chọn đối tượng cán bộ giáo viên và sinh viên có niềm đam mê khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo làm đối tượng chủ thể trong hoạt động. Mục tiêu của các chương trình khởi nghiệp tại Đại học Huế hướng đến là khơi dậy và hun đúc tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân trong học sinh – sinh viên; tạo niềm tin, tâm lý không ngại thất bại, khơi dậy tính sáng tạo, năng động trong sản xuất kinh doanh, dám nghĩ dám làm để làm giàu”, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh.
Ngay sau phần phát biểu của Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương, Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó TBT Báo Diễn đàn Doanh nghiệp bày tỏ sự tin tưởng vào lợi thế lớn của sinh viên trường ĐH Huế với sự ủng hộ nhiệt tình từ HĐQT và Ban Giám hiệu Nhà trường thì chương trình Khởi nghiệp sẽ lan tỏa và thành công
Ông Dũng cũng khẳng định: Ban tổ chức chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, nhà trường sẽ tiếp tục hỗ trợ các bạn tiếp cận nguồn vốn, thiết lập các hoạt động kinh doanh và đồng hành cùng các bạn trên con đường phát triển.
“Chúng tôi đã hình thành hệ sinh thái hỗ trợ cho khởi nghiệp nhằm giúp các bạn trẻ làm quen với khởi nghiệp, với sáng tạo kinh doanh, với khác vọng làm chủ, làm giàu cho bản thân, cho quê hương, đất nước. Đến nay, chúng tôi đã có mạng lưới khởi nghiệp với gần 200 trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trên cả nước với hơn 5 vạn sinh viên trên hơn 40 tỉnh thành và từ chương trình khởi nghiệp, rất nhiều bạn sinh viên thành công và đã trở thành doanh nhân, nhà lãnh đạo”, Phó TBT Báo Diễn đàn Doanh nghiệp nhấn mạnh.
Để giúp các bạn sinh viên hiểu rõ hơn về “nghiệp kinh doanh” và Chương trình Khởi nghiệp, tiếp lửa đam mê kinh doanh, ý chí quyết tâm cho các bạn trẻ, chương trình Giao lưu đã diễn ra ngày sau đó với sự tham gia của gần 1000 sinh viên các thầy cô giáo,… với khách mời là đại diện Ban Tổ chức Chương trình Khởi nghiệp và các doanh nhân thành đạt gồm: Nhà Báo Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp - Tổng Thư ký Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia (VCCI); Ông Lê Văn Hiểu, Phó chủ tịch TW Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần máy và thiết bị phụ tùng Seatech; Bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm dự án Vietnam Silicon Valley; Ông Đàm Quang Thắng, TGĐ Công ty Agricare Việt Nam - Cố vấn Cao cấp Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia.
Với câu hỏi đầu tiên: Trong một bài trả lời phỏng vấn trên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Harold De Walque - Trường Đại học Tự Do Brussels, Bỉ đã chia sẻ rằng Khởi nghiệp là một trong những giải pháp để vượt qua khủng hoảng. Vậy xin được hỏi các vị khách mời nghĩ sao về nhận định này và tại sao chúng ta phải khởi nghiệp?
Theo Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp thì khởi nghiệp giải quyết được ba vấn đề: Thứ nhất, với cá nhân thì sau khi ra trường có lẽ điều mà các bạn sinh viên quan tâm nhất là làm việc gì, xin việc như thế nào, lương bao nhiêu? Từ đó, nếu chúng ta khởi nghiệp thì chúng ta sẽ giải quyết được những câu hỏi này vì khi đó chúng ta có việc làm, được làm những điều mà chúng ta đam mê, có điều kiện áp dụng những kiến thức đã học trên ghế nhà trường vào thực tế để phát huy năng lực của mình. Thứ hai, về phía địa phương thì từ những ý tưởng khởi nghiệp của các bạn sẽ tao ra được công ăn việc làm, giải quyết lao động, đóng góp cho ngân sách. Thứ ba, dưới góc độ quốc gia thì một quốc gia muốn hung mạnh phải có một đội ngũ doanh nghiệp đủ lớn về quy mô, số lượng nên nếu Việt Nam có nhiều thanh niên khởi nghiệp thì điều này sẽ sớm thành hiện thực để Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc năm châu.
Cũng với câu hỏi này, trước khi đi vào phần trả lời, bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm dự án Vietnam Silicon Valley nêu ví dụ tại Mỹ mỗi năm người ta thu hút được 60 tỷ USD tiền đầu tư mạo hiểm và con số này rất lớn nhưng chỉ chiếm 0,23% GDP của nước Mỹ và mỗi một năm trong 10 năm trở lại đây thì cũng chính con số này tạo ra 21% GDP của Mỹ - tức tăng gấp 100 lần. “Đây là điều luôn làm chúng tôi suy nghĩ và tôi cũng mong các bạn sinh viên đang ngồi tại đây suy nghĩ đến con số này”, bà Anh nói.
Đại diện dự án Vietnam Silicon Valley cho biết khi nói đến start up thì chúng ta có thể hình dung: Việt Nam là một đất nước nông nghiệp và năm 2016 theo thống kê thì xuất khẩu đạt 11,7 tỷ USD nhưng tại Thung lũng Salinas – một nơi rất gần Thung lũng Silicon thì 9 tháng đầu năm 2018 đã xuất khẩu được 8 tỷ USD. Và rất nhiều nước – kể cả Nhật Bản cũng sang đó để học các khởi nghiệp sáng tạo.
Tôi nêu ra hay ví dụ đó thể các bạn thấy tầm quan trọng của khởi nghiệp như thế nào và tôi cũng mong các bạn sinh viên dám nghĩ và hãy nghĩ lớn. Chỉ khi đó, các bạn mới thành công.
Liên quan đến khởi nghiệp, có lẽ thắc mắc của nhiều người là mặc dù có ý tưởng khởi nghiệp từ sớm nhưng lại không có tiền và cũng không biết bắt đầu từ đâu. Vậy làm thế nào để bắt đầu khởi nghiêp?
Theo ông Đàm Quang Thắng, TGĐ Công ty Agricare Việt Nam - Cố vấn Cao cấp Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia thì đầu tiên, muốn khởi nghiệp thành công thì phải có ý tưởng khởi nghiệp. “Một ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc thì sẽ không lo thiếu tiền”, ông Thắng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thắng – muốn khởi nghiệp thành công thì bên cạnh ý tưởng, các bạn sinh viên cũng cần có một niềm tin tích cực, sự sáng tạo và lòng đam mê vào những gì đang làm đề từ đó tạo ra giá trị cho cộng đồng, cho xã hội, cho đất nước,… và khi đó, với những ý tưởng tích cực, sáng tạo của các bạn, chắc chắn cộng đồng, xã hội, đất nước sẽ luôn đồng hành, ủng hộ các bạn.
Với kinh nghiệm của mình, trả lời cho câu hỏi nêu trên, ông Lê Văn Hiểu, Phó chủ tịch TW Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần máy và thiết bị phụ tùng Seatech chia sẻ: cách đây 10 năm thủ tướng Phan Văn Khải mong muốn Việt Nam mình sẽ có khoảng 500.000 doanh nghiệp thì hiện nay, Việt Nam chúng ta có khoảng 650.000 doanh nghiệp – một con số tương đối lớn. Tuy nhiên, tại các nước phát triển, tỷ lệ trung bình là 20 người dân sẽ có một doanh nghiệp nghĩa là chúng ta còn rất nhiều cơ hội bởi với tỷ lệ này thì Việt Nam cần phải có khoảng 5 triệu doanh nghiệp – tức gấp gần 10 lần con số hiện nay để đạt được tỷ lệ trung bình nói trên.
Vậy nên, có thể nói rằng các bạn sinh viên đang ngồi đây sinh ra đúng thời điểm để các ban khởi nghiệp, đổi mới sáng tại bởi hiện nay đang có rất nhiều cơ hội. Nhưng để thành công, các bạn cần sống hết với niềm đam mê của mình và đừng chạy theo phong trào, hãy khởi nghiệp khi mọi thứ đã “chin” bởi nếu như chạy theo phong trào thì các bạn sẽ mất di rất nhiều thứ: kinh nghiệm, cơ hội làm việc, tích lũy vốn, các mối quan hệ, các đồng sự cùng chung trên con đường phía trước. Thứ hai, hiện nay đang là thời kỳ bùng nổ của kỷ nguyên số nên có rất nhiều cơ hội sẽ mở ra nên chỉ trong thời gian ngắn nếu tận dụng được cơ hội thì chắc chắn, các bạn sinh viên sẽ vượt xa chúng tôi – những người đang ngồi đây.
Cũng liên quan đến nguồn vốn, Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – PTBT Báo Diễn đàn Doanh nghiệp thì cho rằng hiện nay để khởi nghiệp, các bạn sinh viên không cần phải đi vay hay xin từ gia đình, bố mẹ bởi với chương trình Khởi nghiệp Quốc gia do phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam (VCCI) chủ trì và Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức thì chỉ cần các bạn có ý tưởng tốt, có niềm đam mê thì chúng tôi đã có một đội ngũ các chuyên gia am hiểu để tư vấn các bạn từ khâu lập dự án, xây dựng, triển khai dự án. Đặc biệt, các chuyên gia sẽ hỗ trợ các bạn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tại chương trình, bên cạnh việc truyền tải các kinh nghiệm của bản thân về làm sao để khởi nghiệp thành công, các chuyên gia cũng dành nhiều thời gian hướng dẫn các bạn sinh viên về các lập đề án, kêu gọi vốn đầu tư, thuyết phục nhà đầu tư “rót vốn”,… và sau hơn 2 giờ đồng hồ giao lưu, Diễn đàn “Thắp lửa và kết nối khởi nghiệp” tại Đại hoc Huế đã khép lại nhưng tinh thần và khát vọng tuổi trẻ hừng hực Khởi nghiệp đã thắp lên ngọn lửa quyết tâm để sinh viên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và sinh viên của miền Trung nói chung nắm bắt được những ý tưởng, cơ hội khởi sự doanh nghiệp ngay từ bây giờ, làm hành trang lập nghiệp, giúp họ vững vàng tiến bước trong tương lai.
Dịp này, Báo Diễn đàn doanh nghiệp và Đại học Huế ký kết thỏa thuận (hỗ trợ và bảo trợ thông tin các chương trình về khởi nghiệp Đại học Huế); ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động về khởi nghiệp tại Đại học Huế.