Theo Tổ chức Y tế thế giới, tại Việt Nam ước tính mỗi năm có 34.000 ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí. Tình trạng ô nhiễm tại các đô thị lớn ngày càng gia tăng, thậm chí đã ở mức báo động…
Đe dọa sức khỏe con người
Các chuyên gia cho rằng, ô nhiễm không khí tác động trực tiếp lên cơ quan hô hấp. Đã có nhiều nghiên cứu kết luận không khí ô nhiễm cũng ảnh hưởng đến các cơ quan khác và gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người mắc bệnh mãn tính. Đáng quan ngại nhất đối với phụ nữ mang thai, nếu tiếp xúc nhiều với các chất ô nhiễm thì có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Một trong những thành phần gây ô nhiễm không khí mà các chuyên gia y tế lo ngại nhất là bụi mịn PM2.5 (kích thước bằng 1/30 sợi tóc). Đây là "sát thủ" thầm lặng, nguy hiểm, chúng len lỏi sâu vào các cơ quan cơ thể, gây nên nhiều căn bệnh chết người về hô hấp, ung thư, tim mạch.
Các chuyên gia lĩnh vực y tế cũng cho biết: đó là những hạt nhỏ bay lơ lửng trong không trung có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua hệ thống hô hấp, khi con người hít thở; tùy vào kích thước của hạt bụi, mức độ xâm nhập có thể khác nhau.
Đây là nguyên nhân tiềm ẩn của nhiều căn bệnh, ảnh hưởng sức khỏe của người dân đang sinh sống ở các đô thị, thành phố lớn hiện nay. Nếu như bụi mịn PM10 đi vào cơ thể qua đường dẫn khí và tích tụ lại trên phổi, thì bụi mịn PM2.5 nguy hiểm hơn khi chúng có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu của người bệnh có thể dẫn đến bệnh phổi tắc nghẹn mãn tính, tim mạch, thần kinh, đột quỵ, ung thư…
Nguyên nhân do đâu?
Hiện nay, chưa có kết quả kiểm kê những nguồn thải làm giảm chất không khí ở đô thị, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM nhưng nhiều nghiên cứu, báo cáo đã chỉ ra phương tiện cá nhân là một trong các nguồn chính gây ô nhiễm không khí.
Theo đó, từ năm 2019, sau nhiều lần được “vinh danh” là thành phố ô nhiễm top đầu thế giới, TP.Hà Nội đã chỉ ra hơn 10 nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí trên địa bàn. Ngoài nguyên nhân do thời tiết, TP.Hà Nội đã điểm danh các nguồn như đốt than tổ ong, rơm rạ sau thu hoạch ở vùng ngoại thành, hoạt động xây dựng, hoạt động giao thông vận tải, trong đó chỉ ra phương tiện giao thông cá nhân là chủ yếu.
Để khắc phục, từ cuối năm 2019, TP.Hà Nội đã yêu cầu tưới nước rửa đường thường xuyên, nhưng chỉ thực hiện được thời gian ngắn, đến nay đã dừng lại. Theo thống kê của TP.Hà Nội, hiện có khoảng 10 triệu người ở thủ đô với gần 7 triệu xe cơ giới, 90% trong số đó là xe máy. Đồng thời, số lượng phương tiện cá nhân vẫn liên tục gia tăng, gây sức ép lên hạ tầng xã hội, phát thải vào bầu không khí. Thực trạng này rất khó để hạn chế được ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí.
Trong nhiều cuộc họp bàn giải pháp đối phó với ô nhiễm không khí, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cũng cho rằng, một trong các nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM là từ phương tiện giao thông, chủ yếu là phương tiện cá nhân.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hà cho rằng, xử lý môi trường là khâu cuối mà trước đó không giải quyết được từ khâu quy hoạch phát triển, đầu tư. Mức độ tập trung dân số ở Hà Nội và TP.HCM quá đông, gây áp lực không chỉ lên hạ tầng mà cả môi trường.
“Chúng ta phải giữ được những mảng xanh, giữ được các hồ, ao, trồng cây xanh để hấp thụ khí thải. Một thành phố mà không có hệ sinh thái để điều hòa, cân bằng, không có mảng xanh, chỉ có nhà ở và công xưởng hoạt động thì không ai làm môi trường được. Vấn đề môi trường cần được nhìn trong lộ trình lâu dài, tính hợp lý cân bằng giữa phát triển nhà, công trình phúc lợi, chỉ có như vậy thì mới giải quyết được ô nhiễm môi trường”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Chia sẻ với cơ quan báo chí, TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT nhận định, hoạt động giao thông là nguồn chính gây ô nhiễm không khí tại nhiều đô thị ở nước ta, trong đó, rõ ràng nhất là ở Hà Nội và TP.HCM.
Trong hoạt động giao thông, điểm cần nhắc đến trước hết là phương tiện cá nhân, trong đó chủ yếu xe máy là nguồn phát thải rất lớn do chưa kiểm định được phương tiện giống như ô tô. Xe máy cũ hầu như vẫn lưu thông, chưa bị siết. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn khí thải áp dụng cho xe máy mới ở nước ta cũng mới là Euro 3, không phải là tiêu chuẩn cao. Trong khi đó, tại nhiều nước trên thế giới, tiêu chuẩn khí thải cũng cao hơn, và phương tiện được kiểm định thường xuyên, có niên hạn sử dụng.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, để có nhìn nhận khách quan, rõ ràng và các nguồn thải gây ô nhiễm không khí đô thị, cần phải kiểm kê khí thải để đánh giá được nguồn thải từ giao thông, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp… mỗi nguồn đóng vai trò bao nhiêu % trong việc gây ô nhiễm không khí. Từ đó, sẽ có giải pháp tổng thể bảo vệ chất lượng không khí.
Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã có quy định kiểm kê nguồn thải là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, trong đó, có kiểm kê nguồn gây ô nhiễm không khí.
“Tuy nhiên, sau khi luật được thông qua, có hiệu lực thì quy định này vẫn treo do không có nghị định, thông tư hướng dẫn. Vừa qua, luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được thông qua, cũng vẫn có quy định này, nhưng hy vọng sẽ có nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể để các địa phương có hành lang pháp lý, cơ sở thực hiện theo khung tiêu chuẩn rõ ràng, đồng bộ”, nguyên Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường nói.
Có thể bạn quan tâm
Kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí: Cần dán nhãn sinh thái với phương tiện giao thông
04:50, 22/01/2021
Kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí: Cần những giải pháp mạnh tay!
04:50, 20/01/2021
Phương tiện cũ nát và vấn đề ô nhiễm không khí
11:00, 05/01/2021
Thu hồi phương tiện cũ nát giảm thải ô nhiễm môi trường: Đúng nhưng khó thực hiện!
04:30, 08/01/2021