Bảo hiểm có bồi thường thiệt hại tài sản do vi phạm hành lang an toàn đường sắt?

HOÀNG LONG 06/07/2024 00:06

Ô tô bị tàu hỏa đâm khi đang đỗ, đâu là hành lang an toàn đường sắt? Thiệt hại có được bồi thường khi bảo hiểm có những nguyên tắc riêng theo Luật kinh doanh bảo hiểm?

>>Tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm

Vừa qua, xe ô tô biển kiểm soát 30K- 200.. khi đang đỗ sát đường ray đường sắt tại Cổ Nhuế Bắc Từ Liêm TP Hà Nội, đã bị xe lửa chở hàng chạy qua đâm phải; hậu quả xe ô tô con bị hư hỏng nặng phần đầu, tàu hỏa phải dừng hành trình để giải quyết sự cố.

Liên quan đến việc này, nhiều ý kiến cho rằng xe ô tô đã vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Để tránh các trường hợp tương tự xảy ra, cần có biện pháp ngăn chặn, chế tài kể cả việc xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự của những cá nhân vi phạm, gây thiệt hại cho ngành đường sắt. Nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng, lái xe bị tàu hỏa đâm hư hỏng không vi phạm pháp luật do đỗ xe tại nơi không có biển báo cấm đỗ.

Luật Giao thông đường bộ (điều 18) quy định: “Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây: (k) Trong phạm vi an toàn của đường sắt”. Trong khi đó, khoản 3 điều 23 luật Đường Sắt xác định: “Hành lang an toàn giao thông đường sắt là phạm vi được xác định bởi khoảng không, vùng đất, vùng nước xung quanh liền kề với phạm vi bảo vệ đường sắt để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt; phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết và bảo đảm tầm nhìn cho người tham gia giao thông”.

Việc xe cơ giới dừng, đỗ, hoạt động trong khu vực có đường sắt chạy qua khi nảo thì vi phạm giới hạn hành lang an toàn đường sắt còn phải căn cứ Nghị định số: 56/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, như sau: “Phạm vi bảo vệ hai bên đường sắt theo phương ngang đối với nền đường không đào, không đắp tính từ mép ngoài của ray ngoài cùng trở ra được xác định như sau:((a) Đối với đường sắt tốc độ cao là 7,5 mét; (b) Đối với đường sắt đô thị là 5,4 mét;(c) Đối với đường sắt còn lại là 5,6 mét. Phạm vi bảo vệ hai bên đường sắt theo phương ngang đối với nền đường đào, nền đường đắp được xác định như sau: (a) 05 mét tính từ chân nền đường đắp hoặc mép đỉnh nền đường đào; (b) 03 mét tính từ mép ngoài rãnh dọc hay mép ngoài rãnh đỉnh của nền đường hoặc mép ngoài của công trình phòng hộ, gia cố đối với nền đường có rãnh dọc hay rãnh đỉnh, có công trình phòng hộ, gia cố của nền đường.

Như vậy, nếu căn cứ các quy định kể trên thì ô tô con biển kiểm soát 30K- 200.. đã đỗ trên hành lang an toàn đường sắt, vi phạm điều cấm của pháp luật. Nhưng giữa quy định của pháp luật và thực thi của người tham gia giao thông là một khoảng cách vì câu hỏi vẫn là biển báo đâu?

Vấn đề khác được dư luận quan tâm là trường hợp này, tổn thất xe cơ giới có được doanh nghiệp bảo hiểm đền bù cho chủ xe hay không khi phạm vi bảo hiểm là rủi ro đâm va, lật đổ, cháy nổ, chìm đắm hay mất cắp và đây có thể coi là lỗi vô ý, không phải ai cũng biết chỗ nào là hành lang an toàn đường sắt hay cấm đỗ. Có ý kiến khẳng định rằng chủ xe sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường 100% giá trị thiệt hại. Có không ít ý kiến đồng thuận vì cho rằng rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm vì nơi mà xe đỗ không có biển báo cấm đỗ.

Nhiều ý kiến từ những người làm bảo hiểm thì cho rằng: Bảo hiểm là hoạt động kinh doanh có điều kiện, không phải bất cứ rủi ro nào, tổn thất thiệt hại nào cũng thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm. Bảo hiểm có những nguyên tắc riêng có, được quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm như: quy định “Nguyên tắc rủi ro ngẫu nhiên; Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ bảo hiểm những rủi ro (được bảo hiểm) phải là bất ngờ, không lường trước được”. Người được bảo hiểm không thể vin vào lý do không biết, bất ngờ trong khi điều đó đáng phải biết, luật pháp buộc phải biết để phòng tránh tại nạn nhưng lại không tuân thủ dẫn đến xảy ra tai nạn và các hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến thiệt hại đều không được bảo hiểm.

Một nguyên tắc khác được đề cập tại Luật Kinh doanh bảo hiểm đó là nguyên tắc thế quyền. Theo đó, người được bảo hiểm có trách nhiệm chuyển giao cho doanh nghiệp bảo hiểm, quyền yêu cầu người thứ ba có hành vi gây thiệt hại chịu trách nhiệm bồi hoàn trong phạm vi số tiền bồi thường bảo hiểm. Như vậy, nếu cho rằng người được bảo hiểm không có lỗi, không vi phạm luật pháp khi đậu đỗ xe ở nơi không có biển báo cấm đỗ hay được xác định là hành lang an toàn đường sắt mà bị thiệt hai thì người thứ ba gây thiệt hại là ngành Đường sắt; người được bảo hiểm phải bảo lưu quyền đòi người thứ ba gây thiệt hại cho doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm sau khi bồi thường thiệt hại cho người mua bảo hiểm có quyền thế quyền người được bảo hiểm đòi ngành đường sắt bồi hoàn.

Ai cũng có lý lẽ của mình. Vì vậy, rất cần có kết luận của cơ quan công an có thẩm quyền như quy định tại Thông tư số 63/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020 của Bộ Công an quy định về quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Lực lượng CSGT và ý kiến của ngành Đường sắt: nơi nào thuộc hành lang an toàn đường sắt, cấm đậu, đỗ xe cơ giới và đâu là biển báo, có hay không cần biển báo.

Có thể bạn quan tâm

  • Thêm nhiều khách hàng “sập bẫy” lừa đảo được VietinBank - VBI trả quyền lợi Bảo hiểm An ninh mạng 

    Thêm nhiều khách hàng “sập bẫy” lừa đảo được VietinBank - VBI trả quyền lợi Bảo hiểm An ninh mạng 

    15:51, 02/07/2024

  • Khắc phục bất cập của thị trường xăng dầu: Có nên sử dụng công cụ bảo hiểm giá?

    Khắc phục bất cập của thị trường xăng dầu: Có nên sử dụng công cụ bảo hiểm giá?

    04:00, 29/06/2024

  • Tháo điểm nghẽn, nâng tầm chất lượng tư vấn bảo hiểm nhân thọ

    Tháo điểm nghẽn, nâng tầm chất lượng tư vấn bảo hiểm nhân thọ

    04:00, 16/06/2024

  • “Đón sóng” cổ phiếu bảo hiểm

    “Đón sóng” cổ phiếu bảo hiểm

    13:30, 01/06/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bảo hiểm có bồi thường thiệt hại tài sản do vi phạm hành lang an toàn đường sắt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO