Bảo lãnh rủi ro có kiểm soát

Trần Văn Tường - Chuyên gia Giao thông 01/04/2019 11:30

PPP là giải pháp hiệu quả bù đắp những khoảng trống về tài chính để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Nhà nước cần chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư nước ngoài để thu hút được nguồn vốn ngoại.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhu cầu đầu tư của Việt Nam đang rất lớn để phục vụ phát triển các lĩnh vực môi trường, y tế, giáo dục... Đặc biệt là cơ sở hạ tầng, sân bay, bến cảng, cầu đường, hệ thống metro tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM. Ngân sách còn hạn chế, không thể hoàn thiện cơ sở hạ tầng cùng các dịch vụ nếu chỉ dựa vào đầu tư công. Cần huy động nhiều nguồn vốn, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. PPP là giải pháp phù hợp thực tiễn nhằm tận dụng nguồn tiền ngoài ngân sách, cũng như đưa nguồn vốn ngoại vào thị trường trong nước.

Nhà đầu tư nước ngoài lo ngại rủi ro pháp lý

Tuy đã giảm bớt thủ tục và thời gian cấp phép đầu tư theo Nghị định 63/2018/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài vẫn lo ngại bởi những rủi ro khó lường để bảo đảm niềm tin khi rót nguồn vốn lớn vào những dự án có thời gian hoàn vốn lâu dài, liên quan đến bên thứ ba. PPP cũng là kết hợp công và tư, Nhà nước cùng chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư nước ngoài làm tiền đề hợp tác lâu dài, thu hút được nguồn vốn ngoại đỡ gánh nặng cho ngân sách.

TP HCM là địa phương hiếm hoi thu hút được Tập đoàn GS E&C (Hàn Quốc) tham gia đầu tư PPP theo hình thức BT (Xây dựng - Chuyển giao) tại Dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, nay là đường Phạm Văn Đồng dài 13,6km với mức đầu tư lên đến 495 triệu USD. Theo đó, nhà đầu tư này đã chuyển cho phía Nhà nước 120 triệu USD để bồi thường giải phóng mặt bằng. Là người tham gia xuyên suốt dự án tôi thấy lợi ích rất lớn khi thu hút đầu tư nước ngoài, kế thừa bí quyết quản lý và công nghệ tiên tiến, tham gia mạng lưới toàn cầu, đào tạo nhân lực tại chỗ, có thêm nguồn thu ngân sách lớn.

Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài còn lo ngại rủi ro pháp lý, thông tin chưa rõ ràng và cụ thể, cán bộ sợ trách nhiệm khi đối mặt với vấn đề chưa có tiền lệ, vướng giải phóng mặt bằng, phát sinh các công việc ngoài hợp đồng, trở ngại thu hồi vốn và lợi nhuận... Hay như chuyển tiền bồi thường giải phóng mặt bằng để phía Nhà nước thực hiện nhưng chậm, không kịp giao đất, người bị giải tỏa khiếu nại, chậm tiến độ dự án làm tăng chi phí. Trở ngại cho một số nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia thực hiện dự án còn ở khâu tiếp cận thông tin còn mang tính chung chung, chưa rõ ràng, ngại mất thời gian.

Thực trạng từ trước đến nay đầu tư PPP chủ yếu thu hút các doanh nghiệp trong nước sử dụng vốn vay, lãi vay và chi phí phát sinh đều đưa vào phương án hoàn vốn. Mà sử dụng vốn vay tư nhân hay ngân hàng thương mại hoặc cổ phần, nhà đầu tư vẫn được thanh toán lãi vay và các chi phí có liên quan. Xét về bản chất là Nhà nước đi vay tiền. Nếu vay từ ngân hàng Nhà nước thì về cơ bản đã dùng tiền Nhà nước để làm dự án, khác là lấy tiền từ túi này bỏ qua túi kia. Nhà nước phải bỏ vốn để đầu tư, không giảm gánh nặng ngân sách. Ngoài ra, còn chịu chi phí để nhà đầu tư có lợi nhuận, lãi vay cho dự án có mức đầu tư hàng chục ngàn tỉ là số tiền không nhỏ, cho thấy đầu tư bằng tiền đi vay kém hiệu quả.

Thu hút đầu tư nước ngoài xem như một mắt xích trong mối quan hệ quốc tế, là bàn đẩy giúp phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng của mỗi quốc gia. Nhất là trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước càng có điều kiện khai thác tiềm lực trong nước về tài nguyên, nhân lực và kéo theo đó là các thành tựu khoa học công nghệ, dây chuyền sản xuất cũng như cách thức quản lý tiên tiến để phát triển nhanh chóng và toàn diện nhất.

Bảo lãnh rủi ro từ phía Nhà nước?

Bất kỳ nhà đầu tư nào, bên cạnh hợp tác phát triển, cũng không ngoài mục đích lợi nhuận, lo ngại là những rủi ro ngoài tầm kiểm soát trong khi thiếu cơ chế bảo lãnh cần thiết. Không thể tự nhiên thu hút được đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. PPP là mô hình hợp tác dài hạn, trong đó khu vực công và tư cần chia sẻ không chỉ lợi ích mà còn cả rủi ro.

Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư là một trong ba dự án luật được Chính phủ đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, là hành lang pháp lý rõ ràng. Nên chăng đưa vào thêm điều khoản bảo lãnh rủi ro là cam kết về mặt pháp lý từ phía Nhà nước, giảm thiểu lo ngại và tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên, cần kèm theo các điều kiện quản lý và kiểm soát bảo lãnh ngặt nghèo, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư trong nước và có thể điều chỉnh theo bối cảnh kinh tế cụ thể.

Có thể bạn quan tâm

  • Có thể chấp nhận bảo lãnh dự án PPP

    Có thể chấp nhận bảo lãnh dự án PPP

    07:30, 30/03/2019

  • "Khoảng cách rộng" trong tiếp cận PPP giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư

    00:57, 28/03/2019

  • VCCI “hiến kế” xây dựng Dự án Luật Đầu tư PPP

    VCCI “hiến kế” xây dựng Dự án Luật Đầu tư PPP

    06:30, 27/03/2019

Dự án có bảo lãnh rủi ro được khảo sát, tính toán kỹ ngay từ đầu, trách nhiệm cụ thể giữa các bên sẽ giảm tối đa phát sinh điều chỉnh. Công khai các thông tin chi tiết trên mạng đấu thầu quốc gia từ bước xúc tiến đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đến khâu lập dự án, phương án hoàn vốn, thủ tục liên quan thì không chỉ trong nước, nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tìm hiểu, biết có lợi nhuận sẽ tham gia. Hợp đồng dự án cần thống nhất mẫu chung để áp dụng, không phải tài liệu mật nên công khai. Người dân thụ hưởng và trả phí dịch vụ phải được biết các thông tin liên quan, lấy ý kiến cộng đồng càng tạo sự đồng thuận cao thì dự án càng ít gặp phản ứng và giảm thiểu rủi ro cho các bên tham gia.

Đấu thầu công khai và chỉ bảo lãnh nhà đầu tư có năng lực tốt, tiềm lực kinh tế mạnh, tăng mức sàn góp vốn, sử dụng công nghệ tiên tiến, hạn chế sử dụng vốn ngân sách và vốn vay ngân hàng. Mức độ bảo lãnh rủi ro tùy theo từng dự án, ưu tiên dự án có thời gian thu hồi vốn lâu. Như có thể thỏa thuận điều kiện “Nếu chi phí cho dự án cao hơn giá trị thu hồi vốn và có lợi nhuận, thì phía Nhà nước sẽ thanh toán phần chênh lệch đó cho nhà đầu tư” nhưng nhà đầu tư cũng phải chấp nhận các rủi ro do lỗi chủ quan mình tự gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bảo lãnh rủi ro có kiểm soát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO