Đại dịch COVID-19 sẽ mang đến những thay đổi lớn, nhưng dường như chỉ xảy ra ở những nơi "đủ điều kiện".
Nhiều lý thuyết lạc quan rằng, đại dịch COVID-19, nếu nhìn dưới lăng kính tích cực, sẽ cơ cấu lại trật tự toàn cầu, mở ra xu hướng mới, đem lại cơ hội cho nhiều quốc gia, khu vực. Đó là kinh tế không tiếp xúc, chuyển đổi số,…đường đua mới để các nước đang phát triển chạy đua tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu mới.
Nhưng hiện trạng thực tế chưa cho thấy tương lai tươi sáng, bởi vì các nước giàu vẫn giàu, các quốc gia nghèo vẫn nghèo, thậm chí nghèo hơn và tụt xa hơn khi vaccine là xa xỉ phẩm!
Như thường lệ, từng xảy ra với rất nhiều biến cố khác trong lịch sử, nước giàu luôn có tiềm lực tốt hơn để chống chọi với thiên tai, địch họa. Với đại dịch COVID-19 và vaccine là một biểu tượng của nền khoa học công nghệ, lợi thế tuyệt đối ở các nước giàu có.
Không có gì bất ngờ khi tỷ lệ tiêm vaccine tại các nước giàu như Canada, Mỹ, Anh, Đức, Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Saudi Arabia, Nhật Bản, Hàn Quốc,… từ 35% trở lên trong tổng lượng dân số.
Khu vực thất thế nhất là châu Phi, các nước đang phát triển ở châu Á, Nam Mỹ. Quốc gia ở Tây Phi là Bukina Faso mới chỉ tiêm vaccine cho 0,15% trong tổng số 20,3 triệu dân.
Nigeria, nền kinh tế lớn nhất “lục địa đen” có GDP khoảng 448 tỷ USD, nhưng chỉ có 1,23% dân số được tiêm vaccine trong tổng khối lượng hơn 200 triệu người. Nam Phi là quốc gia phát triển nhất châu Phi về kinh tế, kỹ thuật, công nghệ cũng chỉ mới đủ vaccine tiêm cho 7,38% dân số trong hơn 50 triệu người.
Nền kinh tế lớn nhất châu Phi tính theo GDP chỉ bằng 1/8 quy mô nền kinh tế lớn nhất châu Âu, tương đương với những nền kinh tế trung bình/nhỏ ở “lục địa già”, trong khi đó quy mô dân số lớn hơn rất nhiều.
Như vậy, mức độ tiêm chủng tỷ lệ thuận với sự phát triển của nền kinh tế, đây là thực tế phũ phàng không thể chối cãi. Ngay từ đầu, các quan chức, chủ yếu đến từ Mỹ và châu Âu, thừa nhận rằng họ chưa bao giờ nghĩ đến bài toán vaccine toàn cầu, mà chủ yếu tập trung phát triển vaccine cho nhu cầu trong nước.
Rõ ràng, giữa các nước giàu và nước nghèo chưa xuất hiện thái độ “thương xót lẫn nhau”. Hồi tháng 1 năm nay, Giám đốc WHO, ngài Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra con số gây ám ảnh: 39 triệu liều vaccine đã được tiêm ở 49 nước giàu có, và chỉ có 25 liều được tiêm ở các nước thu nhập thấp nhất.
Vì con số quá bất ngờ, khó tin nên ông Tedros nhấn mạnh: “Không phải 25 triệu, không phải 25.000, chỉ là 25”. Con số tiêm chủng hiện được cải thiện, nhưng khoảng cách vẫn như cũ.
Xét theo bình quân đầu người, ước tính các nước kém phát triển nhất chi cho các biện pháp ứng phó dịch ít hơn 580 lần so với các nền kinh tế phát triển. Kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay, 6 quốc gia đang phát triển đã rơi vào tình trạng vỡ nợ, trong khi 42 nước khác bị hạ xếp hạng tín nhiệm. Ít nhất 120 triệu người đã rơi vào cảnh nghèo cùng cực do đại dịch.
Vaccine có thể mang lại hy vọng cho một số người, thì chúng lại trở thành một viên gạch khác trong bức tường bất bình đẳng giữa nhóm giàu và nhóm nghèo nhất trên thế giới. Chúng ta đang đứng trên bờ vực của sự thất bại thảm hại về đạo đức, giá trị con người.
Chúng ta có thể phải đối diện với viễn cảnh không mấy tốt đẹp, khi các nước giàu hoàn thành tiêm mũi thứ 2, đạt được miễn dịch thì những nơi nghèo khó còn vật lộn với dịch bệnh. Họ có thể bị khoanh vùng, cách ly với thế giới! Bởi lẽ vốn dĩ các nước nghèo không có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ai sẽ cung cấp vaccine cho họ? Trung Quốc, Mỹ hay châu Âu? Chắc chắn có, nhưng với Trung Quốc đó là “ngoại giao vaccine”, với các tập đoàn tư bản đó là lợi nhuận đặt trên hết.
Vaccine đang và tiếp tục là món “hàng chính trị”, “củ cà rốt” vừa hấp dẫn vừa nguy hiểm đối với các nước nghèo. Các nước giàu sẽ tận lợi thế công nghệ, thuốc men để đạt được ảnh hưởng, tiếp cận tài nguyên, ưu đãi.
Điều đó không hề là suy diễn, bởi nó đã từng diễn ra sau thế chiến II, đó là khi làn sóng xuất khẩu tài chính, công nghệ theo sau các dự án đầu tư phát triển. Đến nay các nước nghèo vẫn là con nợ.
Có thể bạn quan tâm
Đã có lô vaccine Sputnik V đầu tiên do Việt Nam sản xuất
18:40, 21/07/2021
Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, làm rõ vụ "tiêm vaccine không cần đăng ký"
14:44, 21/07/2021
1,58 triệu người dân Hải Phòng sắp được tiêm vaccine
11:19, 21/07/2021
Quỹ Vaccine phòng chống COVID-19: Ý tưởng nhân văn của Việt Nam
05:30, 20/07/2021
Tiềm năng vaccine phòng COVID-19 của Cuba
04:50, 19/07/2021
Thêm 921.400 liều vaccine AstraZeneca về Việt Nam
11:11, 15/07/2021
Vaccine Sinovac có hiệu quả thế nào trước biến thể Delta?
14:03, 14/07/2021
2 triệu liều vaccine COVID-19 của Moderna được phân bổ ra sao?
12:30, 14/07/2021
745.000 liều vaccine Pfrizer được phân bổ thế nào?
13:03, 13/07/2021