Sự bất cập về đơn giá định mức xây dựng khiến các doanh nghiệp phải gồng mình chịu lỗ do chưa được tính đúng, tính đủ so với nhân lực, vật lực, thiết bị công nghệ đã đầu tư để triển khai dự án…
>>Nhà thầu xây dựng trước nguy cơ “lụi tàn”
Doanh nghiệp “khổ” vì đơn giá định mức
Theo các doanh nghiệp, tình trạng này dẫn tới việc không ít doanh nghiệp nhà thầu rơi vào cảnh “càng làm càng lỗ”, không có nguồn lực tái đầu tư trang thiết bị, tuyển dụng/giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao để tăng năng lực cạnh tranh, bắt kịp sự phát triển của các nhà thầu quốc tế.
Theo ông Phùng Tiến Thành - Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, theo đơn giá ban hành của các địa phương trên địa bàn dự án, giá nhân công các bậc chỉ khoảng 200.000 - 300.000 đồng/ngày. Thực tế, trên thị trường lao động phổ thông, giá nhân công chưa qua đào tạo đã 400.000 - 500.000 đồng/ngày. Thậm chí, ngày nghỉ, ngày lễ phải nhân đôi, nhân ba nhưng không có định mức, dự toán nào tính cho khoản hao phí này.
Lý giải về điều này, đại diện doanh nghiệp cho biết, hiện có nhiều định mức xây dựng theo Thông tư số 12/2021/TT-BXD (Thông tư 12) của Bộ xây dựng không phản ánh đúng hao phí thực tế trên công trường, đồng thời định mức mới có xu hướng cắt giảm so với định mức cũ.
Ngoài ra, các định mức về vận chuyển, cấp phối đá dăm, đắp đất cải tiến, cọc khoan nhồi, cọc xi măng đất... cũng rất bất cập, vô lý. “Điển hình như định mức thi công móng cấp phối đá dăm thì hao phí vật liệu là 1,42 m3 đá/1 m3 móng hoàn thiện, trong khi Thông tư 12 quy định là 1,34 m3/1 m3. Tương tự, chi phí ca máy thi công khoảng 1,5 triệu đồng/m3 bê tông, trong khi theo Thông tư 12 là 0,5 triệu đồng/m3 bê tông”, ông Thành nêu ví dụ.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Giầu - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính, nhà thầu thi công dự án đang phải trả lương cho người lao động từ 14 - 17 triệu đồng/tháng, cao hơn mức lương bình quân địa phương ban hành. Bên cạnh đó, chi phí thuê thép hình trên thị trường khoảng 700.000 - 900.000 đồng/tấn/tháng, trong khi định mức đơn giá của Nhà nước chỉ khoảng 255.000 đồng/tấn/tháng.
“Sự chênh lệch giữa định mức, đơn giá với chi phí xây dựng thực tế thời gian qua ảnh hưởng lớn tới tiến độ dự án, nhà thầu phải chấp nhận lỗ để thi công dự án đúng tiến độ đã cam kết”, ông Giàu nói.
>>“Giải cứu” nhà thầu xây dựng
Thông tư 12 đang bất cập
Lý giải về những bất cập này, các chuyên gia cho rằng, Thông tư 12 của Bộ Xây dựng đã giải quyết phần lớn khó khăn, vướng mắc về định mức trong lập dự toán chi phí xây dựng công trình đối với lĩnh vực đường bộ, cơ bản đáp ứng các yêu cầu các dự án đang được triển khai đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, bất cập lớn nhất trong đơn giá, định mức theo quy định tại Thông tư 12 hiện nay tập trung ở ba vấn đề: nhân công, ca máy và khấu hao vật tư thi công. Thực tiễn đó đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành cấp thiết xây dựng bộ đơn giá, định mức mới phù hợp với thực tiễn cơ bản đáp ứng các yêu cầu các dự án đang được triển khai đầu tư xây dựng.
Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Kinh tế xây dựng (Viện Kinh tế xây dựng) thừa nhận, giai đoạn gần đây, có thêm những dự án mới, nhiều tiêu chuẩn mới, công nghệ, máy móc mới,… được áp dụng trong thực tiễn, hệ thống định mức có độ trễ, không theo kịp tiến bộ của công nghệ, máy móc công trình. Vì vậy, việc vận dụng định mức mới đã nảy sinh nhiều bất cập.
Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng đã giao cho Viện Kinh tế xây dựng tiến hành rà soát tổng thể liên quan tới tiêu chuẩn xây dựng và tổng hợp nhiều tiêu chuẩn thay đổi. Theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Viện Kinh tế xây dựng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải để rà soát các định mức, đồng thời phối hợp với Hiệp hội nhà thầu theo dõi số liệu thực tế tại hiện trường để từ đó xây dựng đơn giá định mức phù hợp. “Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng bộ đơn giá, định mức đáp ứng được nhu cầu Bộ Giao thông vận tải cần”, ông Đoàn nói.
Trao đổi từ góc nhìn quản lý, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho biết, năm 2021, Bộ đã ban hành Thông tư 12 trong đó cập nhật, bổ sung gần 989 mã định mức. Tuy nhiên, khi thi công thực tế có nhiều thay đổi, từ công nghệ, địa chất địa hình đến điều kiện thi công, vì thế định mức luôn phải rà soát, sửa đổi, cập nhật, quan trọng là kịp thời và xác định rõ thẩm quyền ban hành. Dự kiến, trong quý I/2024, Bộ Xây dựng sẽ ban hành bổ sung 318 mã định mức theo thẩm quyền, Bộ Giao thông vận tải sẽ ban hành mới và điều chỉnh bổ sung 547 định mức dự toán công trình theo thẩm quyền. "Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, ban hành bổ sung định mức còn thiếu hoặc không phù hợp do công nghệ, điều kiện thi công thay đổi hoặc do vật liệu xây dựng mới", ông Bùi Hồng Minh khẳng định.
Có thể bạn quan tâm