“Ngành xây dựng đang trong trạng thái bi đát nhất từ trước đến nay, nhiều đơn vị trong top 10 cũng ở trạng thái báo động về tài chính, thậm chí không có tiền trả nhà thầu phụ, nhân công, vật tư…”.
Đó là chia sẻ của Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam về tình hình toàn ngành trong quý 1/2023. Ông Hiệp cho biết, chưa có năm nào nhà thầu xây dựng trải qua tình trạng khốc liệt như năm nay.
>>Nỗi khổ nhà thầu xây dựng
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, đã có nhiều ý kiến liên quan tới việc gỡ vướng cho thị trường bất động sản, nhưng chưa ai nói gì tới ngành xây dựng, trong khi sự liên thông giữa bất động sản và xây dựng là rất chặt chẽ. Ngành xây dựng đóng góp 6% vào GDP Việt Nam 2022. "Thị trường bất động sản cần xây dựng, không có xây dựng thì không có dự án, không có bộ mặt đô thị…", ông Hiệp nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chưa có năm nào nhà thầu xây dựng trải qua tình trạng khốc liệt như năm nay. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, quý 1/2023, ngành xây dựng tăng trưởng âm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, còn theo Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, quý 1 chỉ thực hiện được 8% kế hoạch 2023. Đây là trạng thái "be bét" nhất từ trước tới nay.
Khoảng 40 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội ở miền Trung không có việc làm. Nhóm nhà thầu phía Nam mà Hoà Bình là dẫn đầu đã “kêu cứu” tới Thủ tướng với 21 chữ ký ủng hộ của các nhà thầu. Tại miền Bắc, chỉ một số ít doanh nghiệp lớn, đủ năng lực triển khai dự án đầu tư công có việc. Trong khi đó, đa phần các nhà thầu xây dựng là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Vấn đề ở đây là thiếu cơ chế pháp lý bảo vệ nhà thầu. Doanh nghiệp xây dựng phải vay tiền ngân hàng để thực hiện hoạt động, làm xong dự án mới được thanh toán, lãi vay 11 - 13%/năm, trường hợp chủ đầu tư khó khăn như gần đây không thể chi trả, thậm chí yêu cầu trả bằng sản phẩm là các nhà đã xây… Nếu không có cơ chế bảo vệ, doanh nghiệp xây dựng đối mặt nguy cơ phá sản, tiêu vong…”, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam chia sẻ.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Phú – Giám đốc Công ty Xây dựng Phú Hưng (Hà Nội), nhiều trường hợp nhà đầu tư cố tình kéo dài tiến độ thanh toán căn hộ. Những cá nhân này nghĩ rằng thị trường bất động sản hiện có tính thanh khoản kém. Việc thanh toán sớm trở nên không cần thiết vì khi nhận được nhà cũng rất khó để bán lại sau đó.
“Tuy nhiên, điều này đã trực tiếp khiến các chủ đầu tư gặp khó khăn về mặt tài chính và không có tiền để thanh toán cho nhà thầu. Nhiều doanh nghiệp xây dựng vừa và nhỏ đã phải phá sản vì một kịch bản chung như vậy”, ông Phú chia sẻ.
>>“Giải cứu” nhà thầu xây dựng
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty TNHH Luật Hà Việt cho biết, pháp luật hiện hữu chưa có cơ chế bảo vệ nhà thầu. Theo luật sư Luân, nếu tình trạng cứ thế kéo dài thêm 5 năm nữa, các doanh nghiệp sẽ không dám bước chân vào ngành xây dựng.
“Tất cả các hợp đồng xây dựng hiện đều không có chi tiết bảo vệ quyền lợi cho nhà thầu, kể cả căn cứ theo Luật Xây dựng hay Luật Đấu thầu. Nếu không có cơ chế hành lang pháp lý đặc biệt, các doanh nghiệp xây dựng sẽ phải đối diện với một tương lai vô cùng khó khăn”, vị chuyên gia chia sẻ.
Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho biết, vấn đề này đã được kiến nghị lên Quốc hội và Thủ tướng trong nhiều năm nay. Một số cơ quan cho rằng những mâu thuẫn trên có thể giải quyết bằng luật dân sự. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đây không phải là cách tháo gỡ hiệu quả.
Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này dưới góc nhìn quản lý, ông Đàm Đức Biên (cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng) cho biết, đơn vị sẽ nghiên cứu, đề xuất mở rộng phạm vi nghị định về hợp đồng xây dựng
Cụ thể ông Biên cho biết, theo pháp luật về hợp đồng xây dựng, Bộ Xây dựng chỉ đang hướng dẫn các hợp đồng dự án vốn nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài đầu tư công, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư, người quyết định đầu tư trong bảo đảm vốn cho công trình, dự án. Các vấn đề này được quy định trong nghị định 37 năm 2015 về hợp đồng xây dựng.
“Đa số các nhà thầu xây dựng hiện nay chỉ vướng khi làm dự án vốn ngoài nhà nước, vốn khác. Để gỡ vướng cho các nhà thầu, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, tiếp thu xem có thể nghiên cứu, đưa ra một cơ chế, đề xuất Chính phủ cho mở rộng phạm vi hướng dẫn của nghị định về hợp đồng xây dựng”, Cục trưởng Đàm Đức Biên cho biết.
Có thể bạn quan tâm