Khung giá phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo dở dang, đặc biệt là khung giá cho các dự án chuyển tiếp đến nay vẫn chưa được ban hành đang khiến các nhà đầu tư lo lắng.
>> Doanh nghiệp năng lượng tái tạo đang “thoi thóp” chờ cơ chế
Chia sẻ nỗi lo lắng này tới Diễn đàn Doanh nghiệp các nhà đầu tư năng lượng tái tạo lo ngại liệu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có đồng ý đàm phán giá bán điện với những dự án điện gió, điện mặt trời đã hết hạn quy hoạch? Mặt khác, chính sách giá còn dở dang kéo dài như thế này thì liệu các dự án điện gió điện mặt trời chuyển tiếp hiện đang hết thời hạn quy hoạch có được điều chỉnh quyền lợi và thời hạn như dự án thuộc quy hoạch hay không?
Cụ thể về bất cập này đại diện một nhà đầu tư FDI cho biết, thứ nhất là về thời hạn quy hoạch: Hiện nay một số dự án Dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch vào giai đoạn năm 2015 – 2020 đang bị vướng tính pháp lý về quy hoạch do nguyên nhân khách quan đến từ sự chậm trễ của chính sách cho các dự án chuyển tiếp khiến các dự án trong diện chuyển tiếp này đã quá hạn gần 2 năm.
Để giải quyết vấn đề này, các nhà đầu tư rất mong Bộ Công Thương sớm phê duyệt điều chỉnh tiến độ quy hoạch các dự án này sang giai đoạn 2021 – 2025 thay cho tiến độ quy hoạch giai đoạn đến năm 2020 như trước đây theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15/01/2019 của Bộ Công Thương quy định thực hiện phát triển điện gió và hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió.
“Chúng tôi rất lo ngại bên mua điện có thể dựa vào quy định hiện hành để từ chối đàm phán giá bán điện với những dự án bị hết hạn quy hoạch. Do đó, nếu các Dự án chuyển tiếp không được Bộ Công Thương phê duyệt hiệu chỉnh quy hoạch, dự án sẽ gặp nhiều rủi ro về pháp lý và ảnh hưởng lớn đến tiến độ cũng như chi phí dự án, nhất là những dự án đã và sắp hoàn thành công tác xây dựng và lắp đặt…”, các nhà đầu tư lo lắng.
>>Doanh nghiệp lo ngại về tương lai "số phận" các dự án năng lượng tái tạo
Thứ hai về điều kiện phát triển dự án điện mặt trời tại khu vực quá tải lưới truyền tải:Theo tờ trình số 7194/TTr-BCT ngày 11 tháng 11 năm 2022 của Bộ Công Thương đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép tiếp tục triển khai và đưa vào vận hành thương mại trước năm 2030 các dự án điện mặt trời đã hoàn thành/đang chờ giá bán điện mới; các dự án/phần dự án đã có nhà đầu tư, đã đầu tư xây dựng đang thi công; các dự án/phần dự án đã được thẩm định thiết kế cơ sở, đã có Quyết định thu hồi đất/Hợp đồng cho thuê đất/Quyết định giao đất, Hợp đồng mua bán thiết bị, Hợp đồng mua bán điện. Tuy nhiên, các dự án này chỉ được phép triển khai phù hợp với hạ tầng lưới điện khu vực và khả năng hấp thụ chung của hệ thống điện quốc gia (Bộ Công Thương sẽ giao EVN tính toán, kiểm tra với từng dự án).
“Như vậy, dự án nào nằm trong khu vực lưới điện quá tải sẽ khó lòng được tiếp tục đầu tư phát triển. Mà thực tế phần lớn các dự án điện mặt trời đang nằm trong khu vực lưới quá tải, nên dù cơ chế được phê duyệt thì các nhà đầu tư cũng đành lực bất tòng tâm. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khơi thông các “điểm nghẽn” để giải tỏa công suất cho các dự án điện năng lượng tái tạo, cần nhanh chóng cho phép xã hội hóa để tư nhân đầu tư vào đường dây truyền tải điện nhằm giải tỏa công suất các nhà máy điện, không để lãng phí nguồn lực xã hội khi đã đầu tư các nhà máy điện”, đại diện doanh nghiệp FDI cho biết.
Thứ ba về Cơ chế giá bán điện để hiệu chỉnh PPA đã ký: Hiện nay cơ chế giá áp dụng cho các Dự án chuyển tiếp chưa rõ ràng. Bộ Công Thương chỉ đạo EVN đàm phán giá bán điện trực tiếp với nhà đầu tư, còn EVN đề xuất xác định giá bán điện thông qua cơ chế cạnh tranh/đấu giá, (quan điểm này được EVN nêu rõ tại công văn số 6570/EVN-TTĐ ngày 20/11/222 về khung giá phát điện cho nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp).
Các nhà đầu tư cho rằng; giả sử cơ chế đàm phán giá bán điện được phê duyệt, thì việc tính toán khung giá phát điện và ban hành cơ chế, rồi đàm phán giá bán điện với EVN để hiệu chỉnh PPA dự kiến sẽ mất cả năm trời hoặc hơn mới có thể hoàn thiện. Thời gian này là tính toán cho các Dự án chuyển tiếp đủ điều kiện có thể đàm phán với EVN ngay sau khi cơ chế được phê duyệt, còn các Dự án chuyển tiếp có những vướng mắc trong nguyên nhân thứ 1 hay thứ 2 nêu trên thì không biết đến bao giờ mới được đàm phán giá với EVN.
“Trước những bất cập trên các nhà đầu tư cho lo lắng; Để thảo gỡ những khó khăn trên, ngoài Bộ Công Thương thì tất cả các cơ quan chức năng liên quan như Cục Điều tiết Điện lực, Cục Điều độ hệ thống điện (A0); Tổng công ty truyền tải điện (NPC) và EVN cần nghiên cứu kỹ lưỡng để khi ban hành chính sách tránh để xảy ra bất nhất, chồng chéo ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi mong các Bộ, ngành tiến hành khảo sát và nghiên cứu đến các bất cập và thiệt hại ảnh hưởng đến nhà đầu tư năng lượng tái tạo để đưa ra được chính sách phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo dở dang, đặc biệt là khung giá cho các dự án chuyển tiếp được công bằng đảm bảo quyền lợi cho các bên gồm doanh nghiệp, Nhà nước và người sử dụng điện”, các doanh nghiệp kiến nghị.
Bất cập thị trường năng lượng tái tạo:(Bài 2) Chính sách ngắt quãng đang "thổi nguội" tinh thần nhà đầu tư
Có thể bạn quan tâm
Vốn cho dự án năng lượng tái tạo: (Kỳ 1) Vai trò của tài trợ FDI
00:15, 01/12/2022
Vốn cho dự án năng lượng tái tạo: (Kỳ 2) Quan ngại về hợp đồng mua bán điện
11:00, 01/12/2022
Doanh nghiệp năng lượng tái tạo đang “thoi thóp” chờ cơ chế
11:00, 30/11/2022
Cần sớm ban hành giá điện năng lượng tái tạo
04:00, 06/12/2022
Phát triển năng lượng tái tạo thông qua đấu thầu: Kinh nghiệm quốc tế
03:30, 19/11/2022
Phát triển điện gió ngoài khơi, mục tiêu và giải pháp
11:30, 10/12/2022