Đến thời điểm hiện tại, bất động sản Việt Nam vẫn là điểm sáng về thu hút vốn FDI. Loại hình được đánh giá là điểm sáng trong giai đoạn hiện tại đó là bất động sản công nghiệp.
>>> Liên kết phát triển khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/8/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt hơn 18,1 tỷ USD, tăng 8,2% so cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, ngành kinh doanh BĐS đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 1,76 tỷ USD, chiếm hơn 9,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 47,2% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, từ tháng 4/2023, kinh doanh BĐS đánh mất vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư FDI. Tuy nhiên, kể từ tháng 7 đến nay, ngành này đã giành lại ngôi vị á quân.
Các nhà đầu tư đến từ Châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn (Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan). Riêng 6 đối tác này đã chiếm tới 78,7% tổng vốn đầu tư của cả nước trong 7 tháng.
Có 1.924 dự án mới đầu tư mới, tăng 69,5% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt hơn 8,87 tỉ USD, tăng 39,7% so với cùng kỳ. TP.HCM đang dẫn đầu cả nước về số dự án mới, số lượt dự án điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần.
Thời gian gần đây, hoạt động M&A bất động sản của nhà đầu tư ngoại có xu hướng tăng nhiệt. Trong báo cáo mới nhất về thị trường BĐS, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, trong những tháng đầu năm 2023, các nhà đầu tư ngoại đang duy trì sự quan tâm tới các dự án BĐS trong nước. Càng về sau, mức độ quan tâm càng tăng lên. Các dự án đã hoàn thiện thủ tục pháp lý là mục tiêu săn lùng của nhiều nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư ngoại đang thực hiện các thương vụ "thâu tóm" dự án BĐS tại Việt Nam phần lớn đến từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan… Chỉ có một số ít doanh nghiệp Việt Nam, có đủ tiềm lực để tham gia cuộc chơi với các thương vụ quy mô vừa và nhỏ.
Bên cạnh các thương vụ M&A, loại hình được đánh giá là điểm sáng của việc hút vốn FDI trong giai đoạn hiện tại đó chính là BĐS công nghiệp. Báo cáo quý 2/2023 của Bộ Xây dựng cho biết, nhu cầu thuê nhà xưởng khu công nghiệp trong quý vẫn duy trì ổn định và tăng nhẹ ở một số tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nam Định, Hải Phòng do ký kết hợp đồng với nhiều đối tác nước ngoài trong giai đoạn đầu năm 2023.
Đáng chú ý, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp hiện hữu trên địa bàn cả nước đạt khoảng 80% tại khu vực phía Bắc và trên 85% tại khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, giá cho thuê đất bình quân cho cả chu kỳ thuê tại các khu công nghiệp trong quý 2/2023 cơ bản ổn định so với quý trước và tăng khoảng 5 - 7% so với cùng kỳ năm trước.
>>>Lời giải nào về nguồn nhân lực trong các Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông
Gần đây, sự kiện phái đoàn 52 doanh nghiệp Mỹ như Boeing, Coca - Cola, Meta, SpaceX, Netflix, Apple… đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội kinh doanh và hợp tác đã cho thấy niềm tin của các tập đoàn quốc tế vào Việt Nam. Từ đó, thể hiện tiềm năng của Việt Nam trở thành bến đỗ, trung tâm sản xuất mới của thế giới trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ hay các ngành công nghiệp có giá trị cao.
Nói về loại hình này, nhiều ý kiến cho rằng với sự quan tâm ngày một tăng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, sự phát triển của BĐS công nghiệp sẽ vẫn còn tiếp tục sôi động trong thời gian tới. Bởi lẽ loại hình này đang nắm giữ nhiều lợi thế như cơ sở hạ tầng, nguồn lao động dồi dào, quỹ đất lớn, sự hỗ trợ hết sức từ chính sách đầu tư…
Ông Tyler Nguyễn - Giám đốc Khối khách hàng Định chế của Maybank Investment Bank, nhận định triển vọng FDI của Việt Nam sẽ sáng sủa không chỉ trong nửa cuối năm nay mà còn trong năm 2024 và xa hơn nữa.
“Mới đây, hơn 200 nhà đầu tư Hàn Quốc tháp tùng Tổng thống Yoon Suk Yeol trong chuyến thăm Việt Nam. Con số 200 đánh dấu lượng nhà đầu tư lớn nhất sang Việt Nam trong một chuyến thăm chính thức cấp Chính phủ. Trong số đó, nhiều doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc muốn tiếp tục tăng cường đầu tư tại Việt Nam. Cụ thể, Tập đoàn LG đã cam kết đầu tư thêm 1 tỷ USD, nâng mức tổng đầu tư tại Hải Phòng lên 2 tỷ USD” - ông Tyler Nguyễn dẫn chứng.
Chia sẻ về vấn đề trên, ông Bruno Jaspaert - Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C cho rằng, Việt Nam đang có được số lượng nhà đầu tư tăng đều đặn qua các năm và nếu tiếp tục giữ vững, việc đón đầu cơ hội từ dòng vốn mới sẽ không có gì là giới hạn. Các nhà đầu tư đang nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước trong chính sách đầu tư và nhiều hỗ trợ rất cụ thể từ phía chính quyền địa phương.
Ngoài ra, Việt Nam đang là quốc gia cởi mở nhất khu vực Đông Nam Á nhờ vào các hiệp định FTA, mang lại lợi ích thương mại đáng kể và gia tăng quy mô thị trường cho các nhà đầu tư. Tiếp đến là giá thuê đất ở Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn so với các nước trong ASEAN. Xu hướng Trung Quốc+1 cũng đang trở thành kênh quan trọng đối với Việt Nam, chiếm khoảng 10% doanh nghiệp sản xuất rời khỏi Trung Quốc.
Cuối cùng là việc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Hiện đầu tư công vào cơ sở hạ tầng chiếm 52% kế hoạch chi tiêu công 2021 - 2025 và hạ tầng phát triển thì khu vực công nghiệp sẽ là một trong những ngành hưởng lợi lớn nhất.
Trong thời gian tới, BĐS công nghiệp được cho là sẽ tiếp tục hút vốn FDI và tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại và có thể xảy đến trong tương lai như thủ tục đầu tư, pháp lý dự án, cơ sở hạ tầng năng lượng, dân số già hóa… Đó là những thách thức đối với loại hình này trong quá trình thu hút nguồn vốn FDI đang ngày một tăng.
Có thể bạn quan tâm
M&A bất động sản công nghiệp tăng nhiệt
05:00, 28/08/2023
ICCK sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào bất động sản công nghiệp
21:44, 24/08/2023
Bất động sản công nghiệp bứt phá hút dòng vốn ngoại
09:10, 25/08/2023
Cải thiện môi trường đầu tư để hút FDI vào bất động sản công nghiệp
02:40, 22/08/2023
Bất chấp xung đột địa chính trị, bất động sản công nghiệp vẫn tích cực
03:40, 19/08/2023