Bất chấp những khó khăn chung của thị trường bất động sản và các tác động từ xung đột địa chính trị trên thế giới, phân khúc bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn ghi nhận tín hiệu tích cực.
>>ICCK sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào bất động sản công nghiệp
Phân khúc bất động sản công nghiệp đang cho thấy sức hút lớn khi dẫn đầu về giá trị vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2023, với tỉ trọng 46% trong tổng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản.
Các báo cáo thị trường từ Cushman & Wakefield Việt Nam cho thấy, khối đầu tư ngoại kỳ vọng mức lợi nhuận tốt hơn ở thị trường Việt Nam trong bối cảnh các rủi ro kinh tế toàn cầu và sự cạnh tranh từ các thị trường khác trong khu vực.
Xu hướng mua bán sáp nhập (M&A) bất động sản công nghiệp vì thế cũng sôi động. Trong khi đó, báo cáo tổng quan thị trường M&A bất động sản Đông Nam Á và Việt Nam do EY Parthenon công bố, tổng giá trị các thương vụ M&A doanh nghiệp và tài sản trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng 7 tháng đầu năm tại thị trường Việt Nam đạt khoảng 1,4 tỷ USD.
Trong đó, M&A bất động sản chiếm 65%, với 24 thương vụ có tổng giá trị 874 triệu USD. Đặc biệt, 16 thương vụ trong số này thuộc về M&A các khu công nghiệp. Tới 92% người mua là nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu đến từ Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc.
Theo ghi nhận của DĐDN, một số thương vụ nổi bật có thể kể đến như ESR Group Limited, một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương đã dẫn đầu một nhóm nhà đầu tư rót vốn vào BW Industrial Development.
BW Industrial là nền tảng công nghiệp và hậu cần cho thuê hàng đầu tại Việt Nam, được thành lập dựa trên sự hợp tác giữa Warburg Pincus và Becamex IDC vào năm 2018, với quỹ đất 7,76 triệu m2 tại 35 dự án tọa lạc ở 26 vị trí kinh tế chiến lược trải dài khắp cả nước.
Hay vừa qua, Frasers Property Vietnam cũng đã hợp tác cùng Gelex Group triển khai các khu công nghiệp tại miền Bắc với tổng mức đầu tư trong giai đoạn đầu khoảng 6.000 tỷ đồng, tương đương 250 triệu USD vào tháng 3/2023 là thương vụ nổi bật trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ảm đạm.
>>Cải thiện môi trường đầu tư để hút FDI vào bất động sản công nghiệp
Theo các chuyên gia, đến hiện tại, Việt Nam vẫn đang được hưởng lợi rất nhiều từ làn sóng đầu tư lớn từ Trung Quốc +1, một làn sóng của các nhà sản xuất mới có trình độ cao cũng như sự đa dạng hóa ngày càng tăng của cơ sở sản xuất trên toàn cầu và rất nhiều trong số đó đã, đang và sẽ đến Việt Nam.
Theo xu hướng này, tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo thực sự là xương sống của tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam và điều đó cũng đang thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực hậu cần và hạ tầng khu công nghiệp.
Ông Paul Fisher, Giám đốc Quốc gia, JLL Việt Nam dự báo diện tích nhà kho của Việt Nam sẽ tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2023 - 2025. Trong khi đó, chuyên gia Cushman & Wakefield Việt Nam cũng chia sẻ, khối đầu tư ngoại kỳ vọng mức lợi nhuận tốt hơn ở thị trường Việt Nam trong bối cảnh các rủi ro kinh tế toàn cầu và sự cạnh tranh từ các thị trường khác trong khu vực.
Các tiêu chí của bên mua hiện tại sẽ ưu tiên các dự án có pháp lý sạch, vị trí thuận lợi, có tiềm năng trong tương lai và giá chào bán phù hợp, linh hoạt. Tuy nhiên, theo tổ chức này, khoảng cách về giá giữa người mua và người bán là một rào cản tương đối lớn trong các thương vụ M&A bất động sản, nhưng có thể khoảng cách này sẽ được thu hẹp trong 3 - 6 tháng tới.
Bà Đào Thiên Hương, Phó tổng giám đốc cấp cao EY-Parthenon cũng chia sẻ, EY-Parthenon ghi nhận khoảng 10 thương vụ đang trong quá trình đàm phán với giá trị lên đến hàng tỷ USD có thể được chốt trong thời gian tới. Dự kiến, từ năm 2024 trở đi, hoạt động M&A sẽ sôi động hơn.
"Bất động sản khu công nghiệp và bất động sản hạ tầng logistics có vị thế tốt hơn để vượt qua khó khăn và phục hồi do tác động của các yếu tố như dịch chuyển toàn cầu, sự phát triển của giải trí trực tuyến, thương mại điện tử, Internet vạn vật, 5G, thúc đẩy nhu cầu về các tài sản như bất động sản công nghiệp, trung tâm dữ liệu, hậu cần chặng cuối và nhà kho" - bà Hương chia sẻ.
Trước đó, tại Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược với một số mục tiêu tổng quát, cũng đã đề ra mục tiêu thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Các chuyên gia nhận định đây sẽ là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản công nghiệp trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Bất động sản công nghiệp bứt phá hút dòng vốn ngoại
09:10, 25/08/2023
ICCK sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào bất động sản công nghiệp
21:44, 24/08/2023
Cải thiện môi trường đầu tư để hút FDI vào bất động sản công nghiệp
02:40, 22/08/2023
Bất chấp xung đột địa chính trị, bất động sản công nghiệp vẫn tích cực
03:40, 19/08/2023