Nhà đầu tư quốc tế ưu tiên lựa chọn Việt Nam nhằm đa dạng hóa nguồn cung ứng, mở rộng địa điểm sản xuất. Nhu cầu tiếp tục tăng nhanh trong lĩnh vực BĐS công nghiệp.
>>>Bất chấp xung đột địa chính trị, bất động sản công nghiệp vẫn tích cực
Chính sách “đòn bẩy” đón dòng vốn mới
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 22,4 tỷ USD, cao nhất trong 05 năm qua. Riêng 7 tháng đầu năm 2023, vốn FDI đăng ký mới và số dự án FDI cấp mới tiếp tục tăng lần lượt 38,6% và 75,5% so với cùng kỳ, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam.
Việt Nam được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ, với gần 38.000 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 452 tỷ USD.
Trao đổi tại Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2023, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhận định: Hiện nay, quy mô và xu hướng của dòng vốn đầu tư toàn cầu tiếp tục có sự thay đổi mạnh mẽ do ảnh hưởng của các yếu tố địa chính trị trên thế giới cũng như những biến động nền kinh tế của các quốc gia lớn và nhiều yếu tố khách quan khác. Nhờ vào các lợi thế về nền kinh tế định hướng xuất khẩu với nhiều chính sách hỗ trợ, vị trí địa lý chiến lược cùng với chi phí vận hành ưu đãi… thị trường Việt Nam được các chuyên gia đánh giá vẫn là điểm đến được các nhà đầu tư cân nhắc và lựa chọn nơi lý tưởng để đầu tư. Tuy nhiên, vì sản xuất là động lực tăng trưởng chính của hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á, các nước trong khu vực cũng đều đang nỗ lực để giành được nhiều nguồn vốn FDI có giá trị cao vào ngành công nghiệp sản xuất, nên thị trường vẫn sẽ có những trở ngại nhất định trong thời gian tới.
Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư FDI đang diễn ra quyết liệt, đặc biệt là giữa các nước trong khu vực đang tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư để thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch Covid - 19, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với bối cảnh trong nước cũng như quốc tế.
Ngày 9/1/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó xác định cụ thể quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội của 06 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước. Đây là cơ hội lớn để sắp xếp, tổ chức lại không gian phát triển của các vùng kinh tế - xã hội; trên cơ sở đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế.
Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2030 và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược với một số mục tiêu tổng quát như: Thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Mở rộng thị trường; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm nội địa. Nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài, tăng tỷ lệ đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong phát triển kinh tế - xã hội, tương xứng với những ưu đãi, hỗ trợ được hưởng.
“Để đạt được những mục tiêu nêu trên, một trong những giải pháp quan trọng cần thực hiện là xây dựng thể chế, chính sách cho khu công nghiệp và các mô hình tương tự khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển và cơ chế, chính sách vượt trội phù hợp với đặc thù của từng mô hình, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ với các khu vực khác”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
>>>Cải thiện môi trường đầu tư để hút FDI vào bất động sản công nghiệp
Đón sóng đầu tư bất động sản công nghiệp
Đến nay, trên cả nước đã hình thành hệ thống hơn 400 khu công nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 128.000 ha, tổng diện tích đất công nghiệp đạt trên 86.000 ha. Các khu công nghiệp được hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhà xưởng và chất lượng quốc tế, nghiên cứu thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương.
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 7/2023, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 13,43 tỷ USD; trong đó, lĩnh vực bất động sản thu hút được 1,53 tỷ USD - giữ vị trí thứ 3 trong các ngành, lĩnh vực.
Lượng vốn FDI gia tăng, khiến nhu cầu bất động sản khu công nghiệp bật tăng. Báo cáo quý II/2023 của Bộ Xây dựng cho biết nhu cầu thuê nhà xưởng khu công nghiệp trong quý vẫn duy trì ổn định. Tại một số tỉnh có xuất hiện nhu cầu tăng nhẹ như Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nam Định, Hải Phòng do ký kết hợp đồng với nhiều đối tác nước ngoài trong giai đoạn đầu năm 2023.
Đáng chú ý, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp hiện hữu trên địa bàn cả nước đạt khoảng 80% tại khu vực phía Bắc và trên 85% tại khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, giá cho thuê đất bình quân cho cả chu kỳ thuê tại các khu công nghiệp trong quý II/2023 cơ bản ổn định so với quý trước và tăng khoảng 5 - 7% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng tại Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2023, nhiều chuyên gia dự đoán, trong bối cảnh lạm phát thế giới đang hạ nhiệt một cách rõ ràng, Việt Nam cũng sẽ có nhiều dư địa hơn cho việc quản lý và điều tiết kinh tế vĩ mô. Điều này sẽ khuyến khích dòng vốn FDI nhanh chóng quay trở lại, đặc biệt trong nửa cuối năm 2023 và năm 2024. Nhiều nhà đầu tư quốc tế vẫn coi Việt Nam là một lựa chọn ưu tiên trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung ứng, mở rộng địa điểm sản xuất kinh doanh để đón đầu làn sóng hồi phục. Nhu cầu tiếp tục tăng nhanh trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.
Nhà đầu tư từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau sẽ có những mục tiêu và yêu cầu khác nhau, trên cơ sở mối quan tâm chung vẫn là những vấn đề cốt lõi như cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, khung pháp lý, các chính sách và quy định, năng suất lao động, chuỗi cung ứng địa phương…Nhiều nhà đầu tư dần yêu cầu khắt khe hơn về năng lực cung cấp hạ tầng kỹ thuật và nhân lực, sự đa dạng của các loại hình sản phẩm bất động sản công nghiệp gắn với dịch vụ logistics hoàn chỉnh, tính kết nối của các tiện ích để phục vụ các doanh nghiệp vệ tinh đi theo. Xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ sang những mô hình khu công nghiệp sinh thái phức hợp xanh và sạch theo các tiêu chí cao nhất về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), hay những khu công nghiệp có tích hợp đầy đủ dịch vụ logistics phức hợp và hiện đại...đảm bảo hiệu quả kinh tế của quy mô sản xuất mà nhà đầu tư nhắm tới.
Các chuyên gia, doanh nghiệp cũng đánh giá cao cơ hội cho các sản phẩm bất động sản công nghiệp chuyên biệt như nhà kho xây sẵn (RBW), nhà xưởng xây sẵn (RBF), nhà xưởng xây theo yêu cầu (built – to - suit), kho lạnh, logistics (kho bãi hậu cần), dịch vụ giao hàng chặng cuối (last-mile logistics), trung tâm dữ liệu (data centers)…
Nhằm cung cấp bức tranh toàn cảnh về khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) của các tỉnh nằm trên trục cao tốc phía đông (Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Hưng Yên), cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hạ tầng liên doanh, liên kết, kết nối với nhau để khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất nhằm mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh trong chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu; Tìm kiếm cơ chế liên kết phát triển hiệu quả các khu công nghiệp tại 4 tỉnh thành. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND TP Hải Phòng, UBND Tỉnh Quảng Ninh, UBND Tỉnh Hải Dương, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức Diễn đàn “Liên kết phát triển khu công nghiệp trục cao tốc phía đông”. - Thời gian: 13h30-17h30 thứ 5 ngày 31/ 8/2023 - Địa điểm: Trung tâm hội nghị TP Hải Phòng, 18 Hoàng Diệu, Hải Phòng. |
Có thể bạn quan tâm