Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam được nhận định sẽ chứng kiến nhiều thay đổi đáng kể trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng.
>>M&A bất động sản còn nhiều rào cản
Với thuế tối thiểu toàn cầu, từ ngày 1/1/2024, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu Euro (hay 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất đều phải đóng thuế 15%, dù là ở bất kỳ quốc gia nào.
Không còn thế mạnh thu hút đầu tư
Bà Trang Bùi - Giám đốc quốc gia Cushman & Wakefield Vietnam cho rằng, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể làm giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam, do các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài thông qua việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không còn là thế mạnh.
>>Hàng trăm dự án nhà ở được “khơi thông”
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc nghiên cứu phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, từ cuối năm 2022, EU và Hàn Quốc đã thông qua kế hoạch áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu 15%) từ ngày 01/01/2024. Ngoài ra, các quốc gia như Nhật Bản, Hồng Kông và Singapore cũng đang có xu hướng áp dụng chính sách tương tự. Đây đều là những đối tác có đầu tư FDI nhiều vào Việt Nam.
Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đối với Việt Nam được đánh giá sẽ làm giảm sức cạnh tranh trong việc thu hút FDI, bởi Việt Nam hiện đang áp dụng nhiều ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp FDI.
Ngoài ra, ông Đoàn Duy Hưng - Chủ tịch Cổng thông tin BĐS công nghiệp Việt Nam nhận định, việc áp dụng chính sách này sẽ khiến các doanh nghiệp đa quốc gia phải trả thêm thuế thu nhập doanh nghiệp, từ đó gia tăng chi phí sản xuất và giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp. Điều này có thể khiến các doanh nghiệp cân nhắc việc chuyển dịch sản xuất ra khỏi Việt Nam, dẫn đến giảm nhu cầu về BĐS công nghiệp.
Cơ hội mới cho BĐS công nghiệp
Dù những thách thức có thể không nhỏ, ông Minh cho rằng, về dài hạn, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có thể là cơ hội để Việt Nam đổi mới chính sách đối với đầu tư nước ngoài bởi khi thực hiện chính sách, Việt Nam sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đồng thời, qua chính sách này, Việt Nam có thể thay đổi chiến lược trong thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thế hệ mới, chất lượng cao, giảm gánh nặng thủ tục hành chính, tạo ra môi trường chính sách thu hút đầu ít rủi ro.
Bên cạnh những thách thức, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu được xem là thời cơ để Việt Nam nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI. Như ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, với việc nhiều năm thu hút đầu tư FDI bằng nhiều ưu đãi (đặc biệt là ưu đãi thuế), khi thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực thì sự hấp dẫn về chính sách ưu đãi đầu tư sẽ bị giảm và có những ảnh hưởng trước mắt.
Tuy nhiên, đây là thời cơ cho Việt Nam nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI. Khi đó, mô hình kinh tế truyền thống sẽ chuyển sang kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và bền vững. Khi môi trường kinh doanh ổn định, khu vực kinh tế FDI sẽ đóng góp lớn hơn vào nền kinh tế Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Phân khúc bất động sản nào sẽ “cất cánh”?
15:20, 26/01/2024
M&A bất động sản còn nhiều rào cản
05:00, 26/01/2024
Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản: Tín hiệu vui đầu năm 2024
14:00, 25/01/2024
Sức hút bất động sản đa giá trị
11:07, 25/01/2024
Thị trường bất động sản: Giá tăng, nguồn cung tăng
03:00, 25/01/2024