Giữa lúc dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, theo các chuyên gia và nhà đầu tư, bất động sản vẫn là kênh đầu tư tốt nhất.
Có một nghịch lý đang diễn ra trên thị trường BĐS là dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng giá BĐS vẫn tăng và tổng tiền vào thị trường BĐS vẫn có xu hướng tăng lên.
Theo báo cáo quý II/2021 của Hội môi giới BĐS Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2021, lượng sản phẩm chào bán trên toàn thị trường tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng giao dịch đã tăng tới 132%.
Số liệu từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cũng cho thấy, trong nửa năm 2021, nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chuyển nhượng bất động sản tăng 61,7% so với cùng kỳ. Thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản cũng tăng khoảng 4.500 tỷ đồng; lệ phí trước bạ nhà đất tăng khoảng 1.100 tỷ đồng.
Một con số đáng chú ý khác là dù tổng vốn FDI 6 tháng đầu năm nay giảm, nhưng vốn vào bất động sản lại gia tăng. Cụ thể, bất động sản là một trong 18 ngành, lĩnh vực tại Việt Nam đón nhận nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2021, đạt 1,15 tỷ USD.
Tất cả những số liệu này cho thấy, dù chịu những tác động từ đại dịch, nhưng thị trường bất động sản vẫn đón nhận dòng tiền đầu tư lớn.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, đó là bởi một lượng lớn tiền rút từ các kênh tiết kiệm, ngân hàng, kiều hối đang đổ mạnh vào thị trường bất động sản. Đồng thời, nhiều ngành kinh tế ở Việt Nam bị thu hẹp hoạt động vì COVID-19 nên cũng chuyển vốn vào thị trường bất động sản để tìm kiếm cơ hội tốt hơn.
“Tiền gửi ngân hàng bị điều giảm lãi suất, chốt lãi chuyển từ chứng khoán vào thị trường bất động sản…Từ đó, dẫn đến tổng lượng tiền sẵn sàng thanh toán mua bất động sản tăng, làm tổng cầu bất động sản tăng”, ông Đính phân tích.
Trong suốt nhiều thập kỷ qua, biểu đồ giá nhà đất tại Việt Nam đi theo chiều hướng tăng dần đều, dù có gãy sóng ở một số giai đoạn nhưng thị trường nhanh chóng lấy lại phong độ và tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Đây chính là lý do khiến giá BĐS tăng đều trong nhiều năm qua và luôn là kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhiều người.
Đặc biệt, bối cảnh hiện nay cũng khác trước do lực cầu bất động sản lớn nhưng nguồn hàng lại khan hiếm khiến giá bất động sản bị đẩy mạnh, tạo các cơn sốt trong tháng 2, tháng 3/2021 vừa qua.
Ông Dương Đức Hiển - Nguyên Giám đốc bộ phận kinh doanh Savills Việt Nam từng đưa ra đánh giá: "Thực tế chứng minh rằng, 40 năm qua, giá bất động sản chưa một lần giảm. Do vậy, chúng ta có thể thấy trong lúc kinh tế khó khăn thì nhiều dự án vẫn có tính thanh khoản tốt. Tôi vẫn khuyên các nhà đầu tư rằng, chỉ nên nhắm vào đầu tư trung hoặc dài hạn ".
Cùng quan điểm với ông Hiển, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM - cũng cho biết bất động sản luôn là một kênh đầu tư tiềm năng, ngay cả trong khủng hoảng. Điều nay đã được chứng minh trong cuộc khủng hoảng nhà đất năm 2008-2011. Hiện nay, dù dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề kinh tế nhưng vẫn có làn sóng nhà đầu tư bất động sản âm thầm mua bất động sản giữ tiền.
Còn theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam, 2021 là năm nhiều khó khăn và thử thách chung, không chỉ cho riêng Việt Nam mà còn của cả thế giới. Tuy nhiên, thị trường được dự đoán là sẽ không chứng kiến một sự suy sụp và giảm giá đáng kể như năm 2010 - 2011.
Trong quá khứ, vào những thời điểm bất ổn như chiến tranh và dịch bệnh thì thường nhà đầu tư sẽ chuyển từ những khoản đầu tư mạo hiểm với khả năng thanh khoản cao sang những khoản đầu tư ít rủi ro như vàng hoặc bất động sản. Hiện nay, thay vì tích trữ vàng thì các nhà đầu tư sẽ chuyển sang bất động sản và đây vẫn là kênh giữ tiền tốt, sinh lời lâu dài.
Đặc biệt, nhà đầu tư nên hướng đến các dự án của chủ đầu tư uy tín, pháp lý đầy đủ và có hệ thống cơ sở hạ tầng, tiện ích nổi trội, bởi phân khúc này được khách hàng ưa chuộng và có tiềm năng sinh lời trong lâu dài. Ông Trần Bảo Nam – một môi giới BĐS lâu năm trên thị trường Hà Nội lấy ví dụ các chung cư của Vinhomes, từ Royal City, Times City đến các đại dự án gần đây như Ocean Park hay Smart City đều tạo sự chú ý lớn trên thị trường ngay từ khi ra mắt đến khi vận hành. “Thậm chí, dự án của Vinhomes đã bàn giao gần chục năm nhưng đến nay vẫn có khách tìm mua lại và giá trị thì không hề suy giảm”, ông Nam cho biết.
Do vậy, nếu biết chọn đúng thời điểm và sản phẩm để mua, nhà đầu tư BĐS có thể tránh được rủi ro và yên tâm với “của để dành” của mình bởi xu hướng BĐS chỉ tăng, khó giảm.
Có thể bạn quan tâm
Động lực mới cho thị trường bất động sản Phú Quốc
13:00, 27/08/2021
Kịch bản nào cho thị trường bất động sản cuối năm 2021?
06:30, 26/08/2021
COVID thay đổi cách thức mua bán bất động sản như thế nào?
11:29, 24/08/2021
Lợi ích kép đầu tư bất động sản ven đô
16:52, 23/08/2021
Sức hút khó cưỡng của bất động sản bờ Đông sông Hồng
12:59, 21/08/2021