TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia khẳng định, cần "bầu sữa" - nguồn vốn để xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Chiều ngày 24/4, Diễn đàn Khởi nghiệp 2018 với chủ đề "Phát triển thị trường đầu tư khởi nghiệp: Giải pháp từ thực tiễn" đã được tổ chức. Diễn đàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.
Top 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu
Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia khẳng định, tinh thần khởi nghiệp là chấp nhận sự khác biệt và độc đáo.
"Cách đây khoảng 20 năm, VCCI lần đầu giới thiệu bộ sách "Khởi sự và phát triển doanh nghiệp" và sau đó, là Festival khởi nghiệp đầu tiên. Thời điểm đó, khái niệm khởi nghiệp ít được nói đến. Nhưng hiện nay, đây đã trở thành trào lưu, là từ khoá mà được nhắc đến nhiều khi mọi người gặp nhau”, TS Vũ Tiến Lộc cho biết.
Theo đó, không chỉ nhắc tới khởi nghiệp, Chủ tịch VCCI còn cho biết, quốc gia khởi nghiệp cũng được nhắc tới nhiều hơn, đó là khát vọng của thế hệ trẻ, của cả đất nước và thế giới. "Có thể nói, khởi nghiệp sẽ định hình tương lai của thế giới này". TS Vũ Tiến Lộc nhận định.
Nhắc đến câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định, trong bối cảnh địa chính trị quan trọng hiện nay, thì phát triển đất nước chính là nhiệm vụ hàng đầu trong thực hiện dựng nước và giữ nước.
Đặc biệt, nói đến tinh thần khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, Chủ tịch VCCI nhận định, Mai An Tiêm là biểu tượng cho tinh thần này của dân tộc Việt Nam. "Mai An Tiêm là người trồng dưa và khắc tên lên dưa thả ra biển để tiếp thị. Có thể nói, ông là Vị Tổ của nông nghiệp và marketing của Việt Nam. Chúng ta có thể kể với thế giới rằng chúng ta có những doanh nhân đầu tiên như vậy”, TS Vũ Tiến Lộc nói.
Cũng theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, kinh doanh tại thời điểm hiện tại đã có sự thay đổi về mục tiêu, doanh nghiệp hiện tại có quan niệm về kinh doanh ngoài vấn đề lợi nhuận còn có trách nhiệm xã hội. "Tại Apec chúng ta nói doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ sẽ là động lực của nền kinh tế thế giới. Cái đó rất gần gũi với những giá trị sáng tạo và bao dung của Việt Nam”, TS Vũ Tiến Lộc cho biết.
Đặc biệt, theo Chủ tịch VCCI, nói đến khởi nghiệp thì cần phát triển thị trường cho khởi nghiệp. Cần hệ sinh thái cho khởi nghiệp, tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam là không thua kém so với thế giới. "Tôi từng được nghe câu chuyện từ chị Tôn Nữ Thị Ninh rằng có du khách nói rằng "Châu Âu rất đẹp, nhưng cuộc sống chính là nơi đây”. Như vậy, Việt Nam là đất nước này đầy năng lượng, năng lượng và tinh thần khởi nghiệp của người Việt Nam là rất lớn”, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Lấy dẫn chứng về một nghiên cứu của VCCI trên 60 nền kinh tế thì Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu. "Tuy nhiên khả năng hiện thực hoá ý tưởng khởi nghiệp và đưa ra mô hình kinh doanh đúng vào thực tế thì Việt Nam lại nằm ở 20 nền kinh tế nửa sau”, TS Vũ Tiến Lộc nói.
Nguồn vốn tài chính và vốn xã hội
Chủ tịch VCCI đánh giá vốn cho khởi nghiệp là vô cùng quan trọng. Ông cho biết, hiện cũng có khoảng 50 quỹ đầu tư với nhiều hình thức đầu tư cho khởi nghiệp nhưng còn tản mạn và quy mô còn nhỏ. Hệ sinh thái mà đặc biệt là hệ sinh thái tạo ra nguồn vốn cho khởi nghiệp còn yếu. Bởi thực tế vốn cho khởi nghiệp có tính đặc thù.
"Chúng ta nói nhiều đến quỹ đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng phải đào sâu nghiên cứu về các quỹ này. Đồng thời tạo cơ chế khuyến khích các quỹ này, để các nhà đầu tư tập trung vào sáng tạo ý tưởng cho khởi nghiệp, còn nguồn vốn khởi nghiệp luôn sẵn sàng. Nguồn vốn cho khởi nghiệp chính là "bầu sữa” cho khởi nghiệp thành công. Tuy nhiên cần cách thức hợp lý hơn cho bầu sữa này phát triển””, TS Vũ Tiến Lộc nói.
Chủ tịch VCCI đặt vấn đề, liệu chúng ta có thể thực hiện hệ sinh thái cho khởi nghiệp? Đề làm được điều này, TS Vũ Tiến Lộc cũng đề cao vai trò của doanh nghiệp lớn. Theo đó, doanh nghiệp đi trước sẽ cấp vốn cho nhà đầu tư khởi nghiệp. "Họ có nguồn vốn lớn và trong trách nhiệm xã hội của mình thì hỗ trợ khởi nghiệp là một trong những mục tiêu phát triển cộng đồng lớn nhất. Cần đưa vào chương trình hành động, chi tiêu của các doanh nghiệp Tập đoàn hàng đầu Việt Nam. Hãy dành ra những phần vốn đầu tư cho khởi nghiệp”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Bởi theo TS Vũ Tiến Lộc, đầu tư một đồng cho khởi nghiệp có thể tạo ra hàng trăm đồng cho xã hội. Do đó, doanh nghiệp nên đưa vào kế hoạch của mình là nguồn đầu tư cho khởi nghiệp là cho sự phát triển đất nước. Nếu thực hiện được sẽ tạo bước phát triển đột phá cho khởi nghiệp thời gian tới.
Chủ tịch VCCI cũng khẳng định, vai trò của các hiệp hội trong phong trào này là rẩt lớn, trong thúc đẩy doanh nghiệp tham gia.
Vốn đầu tư cho khởi nghiệp không chỉ là tài chính mà là vốn xã hội như chính mạng lưới. Doanh nghiệp đi trước không chỉ cung ứng nguồn vốn tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp mà còn là nguồn vốn xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp mạng lưới phát triển của mình. „//Hãy đặt các nhà khởi nghiệp lên vai của mình để thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp. Đó chính là nhiệm vụ của các doanh nhân đi trước”, TS Vũ Tiến Lộc nói.
"Tổng thống Iran từng nói rằng,Thế kỷ 20 là thế kỷ đau thương của nhân loại, thế kỷ 20 chỉ có niềm an ủi duy nhất là chiến thắng của Việt Nam chống lại đế quốc Mỹ, VN đã đi vào lịch sử như là biểu tượng hàng đầu của cuộc chiến tranh dùng cả sức, trí tuệ và sáng tạo, chúng ta có thể hy vọng tạo trong thời điểm này, chúng ta có thể tạo lên kỳ tích trên mặt trận kinh tế”, Chủ tịch VCCI khẳng định.