Phát triển Bến Tre về hướng Đông cũng là để khai thác và sử dụng hiệu quả lợi thế kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Định hướng phát triển bến tre về hướng đông được xem là tư duy mang tính đột phá, dựa trên sự kế thừa những giá trị to lớn trong lịch sử. đồng thời, khai thác và phát huy những tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển của Bến Tre.
Bến Tre là tỉnh nằm ở cuối nguồn sông Cửu Long, diện tích tự nhiên khoảng 2.379 km², là vùng đất cù lao được phù sa bồi đắp bởi các nhánh sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên, là nơi tiếp giáp biển Đông với chiều dài bờ biển 65km, vùng biển đặc quyền kinh tế gần 20.000 km² đã tạo lợi thế lớn trong phát triển kinh tế biển theo hướng toàn diện, gồm: Nuôi trồng, đánh bắt, dịch vụ, cảng cá, phát triển du lịch biển,...; đặc biệt là các ngành kinh tế thuần biển đóng góp giá trị khá lớn trong GRDP của tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, ngày 29/01/2021, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, tiếp thu và triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW; Nghị quyết số 36- NQ/TW ngày 22/10/2018 về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;,…
Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình số 26-CTr/TU ngày 10/10/2022 để cụ thể hóa thực hiện. Trong đó, xác định phát triển Bến Tre về hướng Đông là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, quán triệt và nâng cao nhận thức toàn diện ở các ngành, các cấp, tạo sự đồng thuận cao nhất của nhân dân nhằm tạo động lực phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh, thúc đẩy tích cực cho sự phát triển của cả khu vực, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới biển.
Phát triển về hướng Đông là động lực phát triển kinh tế của tỉnh, mở rộng không gian phát triển, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế mặt biển, bờ biển và kinh tế biển. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc, đóng góp cho tỉnh; gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân.
Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bến Tre xác định chiến lược đột phá phát triển tỉnh về hướng Đông, tạo hành lang kinh tế ven biển kết nối vùng động lực kinh tế phía Nam và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, có khai thác mạnh tiềm năng kinh tế biển. Ngoài ra, còn tập trung phát triển hạ tầng giao thông chủ lực ven biển, cảng biển, hạ tầng logistics và phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Đồng thời, phát triển đô thị - dịch vụ - du lịch tổng hợp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, từng bước xây dựng khu vực phía Đông của tỉnh Bến Tre trở thành khu kinh tế biển phát triển năng động và là khu vực động lực mới của tỉnh.
>> Bến Tre: Luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp
Để phát triển tỉnh về hướng Đông, Bến Tre đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm, đột phá để tỉnh phát triển nhanh và bền vững, cụ thể:
Thứ nhất, tỉnh tập trung theo sát tiến độ trình hồ sơ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và chuẩn bị triển khai bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng cân đối, gắn với định hướng phát triển tỉnh về hướng Đông, trọng tâm là kinh tế biển, liên kết vùng và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và của từng địa phương về phát triển kinh tế biển.
Thứ hai, phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trọng tâm là tập trung triển khai đầu tư, hoàn chỉnh các công trình: Đê bao ngăn mặn nối liền 3 huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú - giai đoạn 2; dự án cầu Rạch Miễu 2, Tuyến đường bộ ven biển (giai đoạn 1),... Thu hút, kêu gọi đầu tư các cảng bốc xếp và tập trung hàng hóa tại các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp.
Thứ ba, hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt để sớm triển khai đề án phát triển Khu kinh tế ven biển, trong đó, có hoạt động lấn biển nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển, thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các công trình trọng điểm, then chốt, có tính lan tỏa cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tập trung phát triển hạ tầng các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp theo hướng tiếp cận mô hình sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư.
Thứ tư, tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch điện gió, điện mặt trời ở những vùng đất sản xuất kém hiệu quả để thu hút doanh nghiệp đầu tư. Rà soát, điều chỉnh vùng nuôi, hình thức nuôi và đối tượng nuôi thủy sản phù hợp với định hướng thị trường thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn nuôi thủy sản với chế biến, xuất khẩu.
Thứ năm, thu hút đầu tư các chợ, trung tâm thương mại tại các thị trấn, thị tứ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu đô thị loại V, loại IV theo quy hoạch tại các vùng ven biển. Cải tạo, phát triển không gian biển gắn với hình thành các khu đô thị thương mại - du lịch ven biển, các điểm du lịch sinh thái,...
Thứ sáu, tổ chức triển khai thực hiện tốt quy hoạch không gian biển trên địa bàn 3 huyện biển trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý để phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, hướng tới mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030.
Có thể bạn quan tâm