Tỉnh cũng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại để củng cố thị trường trong nước.
Với tinh thần “Đồng thuận - Sáng tạo - Phát triển”, thời gian qua ngành Công Thương Bến Tre đã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ; đẩy mạnh kết nối giao thương, mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, mang lại hiệu quả thiết thực.
Các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ chuyển đổi số, ứng dụng các nền tảng công nghệ vào quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số 1.000 doanh nghiệp năm 2021 - 2022 với chủ đề “Chuyển đổi số - Thay đổi nhỏ, lợi ích lớn”.
Đến nay, đã có hơn 5.500 lượt doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực với khoảng 145 lớp đào tạo, tập huấn được tổ chức; 1.031 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hộ nông dân được hỗ trợ chuyển đổi số thông qua các giải pháp công nghệ, mô hình thông minh, du lịch thông minh, thanh toán không dùng tiền mặt, truy xuất nguồn gốc và ứng dụng thương mại điện tử; 3.659 doanh nghiệp, tổ chức chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử; tất cả doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng chữ ký số...
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa, giao thương hàng hóa… thông qua thương mại điện tử, nhất là kết nối với các sàn ngoài nước như: Alibaba, Amazon…. giúp các doanh nghiệp, người kinh doanh có thể nhanh chóng tiếp cận thị trường và nắm bắt cơ hội đưa sản phẩm của mình vươn ra toàn cầu.
Hiện nay, thị trường xuất khẩu của tỉnh Bến Tre được mở rộng đến 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 150 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu; trong đó, thị trường xuất khẩu chủ lực là châu Á, châu Mỹ, châu Âu, còn lại là châu Đại Dương và châu Phi.
Ông Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết, năm 2023, tỉnh sẽ nâng cao chất lượng xuất khẩu theo hướng gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao gắn với mở rộng quy mô xuất khẩu nhằm khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mai tự do đã ký kết, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD, tăng 12,61% so với năm 2022.
Trong kết nối tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường, tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phù hợp với hoàn cảnh mới. Trong đó, tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương, các đại sứ quán, thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam, các tỉnh, thành phố trong cả nước, các tập đoàn bán lẻ lớn... để đẩy mạnh hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp với đối tác nước ngoài.
Mặt khác, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, nguồn vốn, công nghệ chất lượng cao, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ công tác xúc tiến xuất khẩu để doanh nghiệp có thể nắm bắt, chuyển hóa lợi ích từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)….. Trong đó, tổ chức nhiều hội nghị tập huấn chuyên sâu về quy tắc, nội dung của các Hiệp định thương mại tự do, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội mà hiệp định mang lại để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Tỉnh cũng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại để củng cố thị trường trong nước, đồng thời chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức hội nghị giao thương, tham gia hội chợ triển lãm tại nước ngoài để tăng cường hiệu quả xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm phù hợp.
Đột phá phát triển năng lượng sạch
Bến Tre xác định ngành công nghiệp năng lượng sạch là lĩnh vực đột phá cho phát triển kinh tế của tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 19 dự án điện gió được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia, với tổng công suất 1.007,7MW.
Đến nay, trên địa bàn đã có 2 dự án điện gió đã đi vào hoạt động toàn phần là Nhà máy điện gió Thạnh Hải 1 và Nhà máy điện gió V1-3 Ba Tri, với tổng công suất 59,4MW. 3 Nhà máy điện gió hoạt động một phần, gồm: Nhà máy điện gió VPL (giai đoạn 1), công suất 25,2MW; Nhà máy điện gió Thạnh Hải 2, công suất 4,25MW và Nhà máy điện gió Bình Đại, công suất 4,2MW. Tổng cộng có 93,05MW điện gió đang vận hành thương mại, với tổng sản lượng điện gió năm 2022 xấp xỉ 245 triệu kWh, chiếm 11,45% tổng sản lượng điện thương phẩm của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Bé Sáu - Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre cho biết, đến nay, các dự án điện gió đã vận hành tạo ra hơn 270 triệu kWh và đóng góp ngân sách khoảng 60 tỷ đồng. So sánh với các cơ sở sản xuất công nghiệp thì nhà máy điện gió vừa không xả thải gây ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển kinh tế xanh và bền vững. Đồng thời, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động địa phương. Người dân được hưởng lợi từ việc phát triển hạ tầng giao thông trong vùng dự án, giúp thuận tiện trong việc giao thương hàng hóa và phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre cũng đã đề xuất Bộ Công Thương bổ sung qui hoạch 29 dự án điện gió khác (12,6GW) và 3 dự án điện khí LNG (10,5GW). Mục tiêu đến năm 2025 Bến Tre phát triển ít nhất 1.500 MW, đến năm 2030 phát triển 3.000 MW. Bến Tre tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống lưới truyền tải và trạm biến áp theo quy hoạch, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để sớm thi công các công trình trạm 110kV và đường dây 110kV, góp phần giải tỏa công suất cho các dự án điện gió trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm