Nếu bạn nghĩ rằng tất cả các CEO đều là những cá nhân có học thức tốt nghiệp từ Ivy League, những người đã nhắm tới vị trí CEO từ khi còn trẻ thì bạn đã nhầm.
Theo Elena Botelho và Kim Powell, các tác giả của cuốn sách "The CEO Next Door" (tạm dịch là: "Người CEO hàng xóm"), thì "ngay cả những CEO ấn tượng nhất cũng không xuất phát từ việc biết rằng họ được sinh ra cho sự vĩ đại".
Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ra tin vào một khuôn mẫu về CEO: "biểu tượng của một giám đốc điều hành là mạnh mẽ và uy tín, một người hướng ngoại duyên dáng, lôi cuốn với một lý lịch hoàn mỹ". Điều này làm cho chúng ta giả định một cách sai lầm về bản thân rằng ta không có "tư chất trở thành CEO". Trái lại, các tác giả lưu ý rằng những người bình thường cũng có thể trở thành CEO, miễn là họ có những đặc điểm cần thiết.
Để khám phá những đặc điểm này, Botelho và Powell đã nghiên cứu tập dữ liệu gồm 17.000 bài đánh giá lãnh đạo từ công ty nghiên cứu ghSMART. Hợp tác với các giáo sư của Đại học Chicago và Đại học Columbia, họ chọn một tập hợp con của 2.600 nhà lãnh đạo để phân tích sâu hơn, và tìm thấy một xu hướng nổi bật giữa các CEO thành công.
Theo nghiên cứu của họ, 4 hành vi đơn giản có thể biến những người bình thường trở thành những CEO mạnh mẽ đó là: sự quyết đoán, sự tham gia để tác động, sự tin cậy không ngừng và tính thích nghi mạnh mẽ.
Theo dữ liệu, các CEO thành công là những người quyết đoán và có năng suất làm việc cao hơn bình thường gấp 12 lần.
Steve Gorman, cựu giám đốc điều hành của Greyhound, là minh chứng cho thấy tại sao tính chất này lại quan trọng như vậy. Theo nghiên cứu, thời điểm ông Gorman tiếp quản Greyhound năm 2003, công ty đang lỗ vốn. Thêm vào đó, công ty mẹ của Greyhound vừa mới thoát khỏi tình trạng phá sản và đang sẵn sàng đóng cửa công ty này.
Trong bốn tháng, Gorman lắng nghe các nhà quản lý hàng đầu của ông và hủy bỏ các kế hoạch để cứu vớt công ty. Nhưng sau đó ông đã dừng lắng nghe họ. Trong vô số dữ liệu mà đội của ông phân tích, có một bản đồ vệ tinh của Mỹ và Canada, cho thấy các khu vực tập trung nhiều ánh sáng của cả nước (ám chỉ việc phản ánh về mật độ dân số). Cho dù không biết kế hoạch của mình có hiệu quả hay không, ông đã ngay lập tức thay đổi hướng di chuyển của tuyến xe buýt Greyhound cho đi xung quanh các khu vực đông dân này. Chiến lược của ông đã thành công.
Vào thời gian ông rời Greyhound hồi 2007, công ty báo cáo thu nhập 30 triệu đô la và sau đó đã được bán với giá gấp đôi so với giá trị của công ty hồi 2003.
Các nhà nghiên cứu giải thích rằng Gorman đã "thúc đẩy" kế hoạch không phải vì ông biết kế hoạch này sẽ hiệu quả mà vì ông nhận ra rằng đưa ra một quyết định có thể sẽ tồi tệ vẫn tốt hơn là không đưa ra quyết định nào.
Để trở thành một CEO thành công và hiệu quả, bạn phải thu hút những người xung quanh và truyền cảm hứng cho họ. Nhưng không đơn giản chỉ là việc bạn cư xử lịch sự hay việc làm cho mọi người thích bạn. Các nhà nghiên cứu nói rằng, những CEO tốt tính có thể là điểm trừ cho tổ chức bởi họ sẽ tập trung nhiều vào sự hài lòng hơn là khiến những người lao động đem lại kết quả chất lượng.
Để thuyết phục mọi người tin vào ý tưởng của bạn một cách hiệu quả, hãy làm ba việc sau:
- Diễn giải ý định về tầm nhìn và mục tiêu của bạn một cách rõ rằng.
- Hiểu được nhu cầu về tình cảm, tài chính và thể chất của những người sẽ giúp bạn tiến tới với kết quả.
- Thiết lập thói quen hàng ngày và thói quen xây dựng mối quan hệ, điều này sẽ biến hành động thành kết quả kinh doanh.
Steve Jobs, cố giám đốc điều hành, người sáng lập ra Apple, đã tạo ra một công ty thành công như vậy bởi vì ông đã thu hút nhân viên của mình và khuyến khích họ đưa ra các sản phẩm và ý tưởng sáng tạo mang tính tân tiến, cải cách.
Willie Pietersen, giáo sư quản lý tại trường Columbia Business và là tác giả của cuốn sách "Chiến lược Học tập: Làm thế nào để trở nên thông minh hơn vấn đề của bạn và thay đổi vấn đề từ bên trong nhằm có lợi thế cạnh tranh", nói rằng: "Nhiều khi, Steve Jobs cư xử rất khiếm nhã với mọi người. Nhưng mọi người đều bỏ qua bởi vì ẩn sau một ý tưởng tuyệt vời là sự phấn khích và niềm hân hoan khi làm việc của ông."
Theo các nhà nghiên cứu, các giám đốc điều hành thường xuyên đem lại kết quả và thực hiện thành công các kế hoạch được xem là một người đáng tin cậy. Một khi giám đốc điều hành được biết tới bởi độ tin cậy của họ, tỷ lệ về việc được nhận vào công ty của họ tăng gấp đôi.
Các tác giả cũng lưu ý rằng trong tất cả bốn hành vi, "độ tin cậy" là điều quan trọng nhất cho thành công điều hành bởi vì nó cũng làm tăng khả năng xuất sắc.
Các tác giả viết: "Trong kinh doanh, những người đáng tin cậy và có thẩm quyền sẽ được yêu mến. Người sử dụng lao động và khách hàng có khuynh hướng chấp nhận rủi ro hơn sẽ thích hợp hơn để tạo cơ hội cho họ".
Richard Branson, người sáng lập ra tập đoàn Virgin Australia, đã làm được điều đó khi ông thành lập ra hãng hàng không hiện đang lớn thứ hai của nước Úc này. Quyết định phát triển hãng hàng không này thực sự là sản phẩm trí tuệ bởi một nhân viên tên Brett Godfrey, người mà Branson đã ngay lập tức chú ý và quý mến vì anh này rất tử tế, cẩn thận và chăm chỉ.
Branson viết trong cuốn tự truyện gần đây nhất của ông mang tên "Finding my Virginity" (tạm dịch là "Đi tìm Virgin của tôi") như sau: "Tôi thấy cách anh Godfrey đối xử với mọi người theo một cách lịch thiệp nhân văn và khuyến khích họ trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân".
Tỷ phú Richard Branson đã vô cùng ấn tượng với tinh thần làm việc của Godfrey khi mà Branson đề nghị thành lập công ty hàng không chính tại quê hương của anh nhân viên này. Năm 2000, Virgin Australia chính thức bước vào thị trường hàng không do Brett Godfrey nắm vị trí Giám đốc điều hành (Brett Godfrey đã giữ vững vị trí đến năm 2010).
Các tác giả viết rằng: "Để đạt tới đỉnh cao, các nhà lãnh đạo đầy tham vọng phải học cách điều hướng những vấn đề chưa từng thấy". Họ chỉ ra Kodak, Blockbuster và Borders là những công ty thất bại vì lãnh đạo của họ không chịu thích nghi, thay đổi.
Phân tích của họ cũng phát hiện ra rằng các CEO có xu hướng thích nghi được với việc cảm thấy thoải mái khi không thoải mái. Những nhà quản lý này hiểu rằng việc thay đổi và học hỏi luôn đi kèm theo sự khó chịu. Hơn nữa, các CEO có khả năng thích nghi sẽ buông bỏ quá khứ và tập trung vào tương lai, giống như người sáng lập đồng thời là CEO của Amazon và CEO, Jeff Bezos.
Khi Amazon ra mắt vào năm 1994, công ty chỉ bán sách. Sau đó mở rộng sang âm nhạc và video trước khi hỏi khách hàng về những sản phẩm khác mà họ muốn công ty cung cấp. Bezos nói với Charlie Rose trong một cuộc phỏng vấn năm 2016: "Danh sách tổng hợp các câu trả lời dài tới mức không tưởng" .
Hôm nay, Amazon bán gần như mọi thứ, từ các mặt hàng điện tử tới các sản phẩm may mặc. Theo tờ TheWall Street Journal, hãng bán lẻ khổng lồ này cũng cho phép quyền truy cập các chương trình truyền hình, mua lại Whole Foods và có kế hoạch tung ra dịch vụ chuyển phát của riêng mình.
Bezos công nhận rằng khả năng suy nghĩ lâu dài và thử nghiệm này đã góp phần vào sự thành công nhanh chóng của Amazon.
Bezos nói với Rose rằng: "Chúng tôi rất vui khi đầu tư vào những sáng kiến mới rất mạo hiểm, trong khoảng 5 đến 7 năm, bởi hầu hết các công ty sẽ không làm điều đó.Đó là sự kết hợp của việc chấp nhận rủi ro và triển vọng dài hạn giúp Amazon nắm giữ vị trí tuy không phải độc nhất, nhưng lại đặc biệt trong một đám đông nhỏ hơn".
Theo Trí thức trẻ