Song hành cùng cuộc cách mạng công nghệ 4.0, chúng ta còn nghe nhiều tới Blockchain và những tác động của nó đến kinh tế, xã hội trên toàn cầu. Vậy Blockchain là gì và nó có tác động gì tới công tác quản lý?
Dự án lập VNDC - sàn giao dịch tài sản số dựa vào blockchain tiên phong tại Việt Nam vừa ra mắt tại TP HCM. Toàn bộ các giao dịch được ký hợp đồng điện tử với đơn vị trao đổi giữa các bên là VNDC - "đồng tiền" sử dụng trong nội bộ hệ sinh thái của sàn. Một "đồng" VNDC tương ứng với một đồng tiền Việt Nam, có bảo chứng của các ngân hàng đối tác.
Cuốn sổ cái kỹ thuật số
Blockchain là một sổ cái kỹ thuật số được phân chia hay dễ hiểu hơn là cơ sở dữ liệu trong một mạng. Sổ cái được chia sẻ cho những người tham gia vào mạng lưới. Điều này cho thấy rằng trong toàn bộ hệ thống không phải chỉ có một vị trí duy nhất, một tài liệu có thể làm căn cứ đáng tin (authority) duy nhất, vì những lần sao chép cùng một phiên bản sổ cái được đặt ở nhiều nơi. Tất cả các bản sao này được cập nhật khi dữ liệu hoặc giao dịch mới được ghi vào blockchain thông qua sự đồng thuận của tất cả mọi người tham gia. Nó là một hệ thống mạng ngang hàng P2P (peer-to-peer), loại bỏ tất cả mọi khâu trung gian, làm tăng cường an ninh, minh bạch và sự ổn định cũng như giảm thiểu chi phí và lỗi do con người gây ra.
Blockchain là một sổ cái kỹ thuật số được phân chia hay dễ hiểu hơn là cơ sở dữ liệu trong một mạng. Sổ cái được chia sẻ cho những người tham gia vào mạng lưới.
Bằng cách cho phép phân phối các thông tin kỹ thuật số nhưng không được sao chép, công nghệ blockchain đã tạo ra xương sống cho một loại hình internet mới. Hiện tại blockchain được phân ra làm ba loại: Public, Private và Sidechains.
Đầu tiên, Public là loại blockchain được phân phối và mở cho mọi người. Giao dịch là công khai. Để đảm bảo tính nhất quán của hệ thống và xác nhận các giao dịch, các ưu đãi về tài chính và các cơ chế đồng thuận sẽ được nhúng vào hệ thống. Bởi vì một chuỗi Public Blockchain có sẵn cho bất kỳ ai, những cải tiến chỉ có thể đạt được với sự nhất trí trước đó của hệ thống mạng. Điều quan trọng là các dạng Public Blockchain có tiềm năng lớn để giảm chi phí.
Tiếp theo là Private, Private Blockchain riêng tư được thiết lập và duy trì bởi các tổ chức tư nhân, chỉ cấp quyền truy cập cho các bên có thẩm quyền. Các Blockchain riêng có thể xác thực các giao dịch nhanh hơn trong vòng vài giây – bởi chúng hoạt động trên các mạng được kiểm soát và được tạo ra bởi ít máy tính hơn.
Cuối cùng là Sidechains, có thể được hình dung như một cơ chế cho phép các phần sử dụng trong một Blockchain riêng biệt, được di chuyển trở lại chuỗi ban đầu, nếu cần. Theo quy ước, chuỗi ban đầu thường được gọi là “chuỗi chính”, trong đó, những phần thêm vào cho phép người dùng giao dịch bên trong chuỗi chính, có thể được gọi là “sidechains”.
Thay đổi cách quản lý truyền thống
Ứng dụng của Blockchain hiện nay giúp ích rất nhiều trong công tác quản lý, loại bỏ khâu trung gian, ví dụ như ứng dụng trong quản lý hợp đồng và hợp đồng thông minh. Bất kỳ ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào các hợp đồng, như bảo hiểm, các định chế tài chính, bất động sản, xây dựng, giải trí và luật, sẽ hưởng lợi từ cách thức không thể phủ nhận của blockchain trong việc cập nhật, quản lý, theo dõi và bảo đảm các hợp đồng. Các hợp đồng thông minh được thực hiện mà không cần có sự tham gia của một trung gian, cũng sử dụng công nghệ blockchain.
Ngoài ra, bất cứ khi nào chuỗi giá trị qua tay một bên khác hoặc trạng thái của tài sản thay đổi, blockchain sẽ là công nghệ lý tưởng cho việc quản lý quá trình này. Đó là lý do tại sao một số chuyên gia tin rằng blockchain có thể trở thành “hệ điều hành chuỗi cung ứng“. Nó đã được Walmart và Trung tâm hợp tác an toàn thực phẩm của họ tại Bắc Kinh sử dụng để theo dõi chi tiết về nguồn gốc, số lô, dữ liệu chế biến và nhà máy, ngày hết hạn, nhiệt độ cất giữ và chi tiết vận chuyển thịt lợn.
Blockchain còn có tiềm năng chuyển đổi cao đối với bất kỳ công ty nào xử lý thanh toán, đặc biệt là trong hệ thống ngân hàng. Nó có thể loại bỏ sự cần thiết của các trung gian phổ biến trong xử lý thanh toán ngày nay.
Ứng dụng blockchain cũng là điều không thể thiếu khi xây dựng Chính phủ Điện tử, với việc ứng dụng blockchain chính phủ sẽ quản lý được việc nhận diện, xử lý hệ thống cá nhân và mật khẩu cá nhân. Công nghệ blockchain cung cấp một giải pháp hợp lý để quản lý dữ liệu cá nhân từ hồ sơ khai sinh cho đến giấy đăng ký kết hôn, hộ chiếu và dữ liệu điều tra dân số... tất cả một cách an toàn.
Hiện nay, trên thế giới có doanh nghiệp đã chọn hướng đi này đó là Onename, một doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngoài việc cung cấp các dịch vụ để đăng ký và quản lý một blockchain ID, công ty này cung cấp một sản phẩm được gọi là Passcard mà họ dự định là một chìa khóa kỹ thuật số để thay thế tất cả các mật khẩu và ID cần thiết. Có thể nói, việc mã hóa của blockchain khiến gần như toàn bộ thông tin không thể được thay đổi sau khi đã đăng ký và có nhiều bản sao được phân phối trên nhiều máy tính. Tất cả tạo nên mạng lưới blockchain công khai để bất kỳ ai cũng có thể kiểm tra khi có điều gì sai trái xảy ra. Quá trình mã hóa phức tạp chính là chìa khóa bảo mật, biến blockchain thành một thực thể độc lập.
Kỳ II: Xoá rào cản cho bất động sản