Trên thế giới không phải quốc gia nào cũng đón nhận blockchain, vậy Việt Nam nên ứng xử ra sao cho phù hợp? Phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Anh Tú – Giảng viên Khoa An toàn thông tin, Học viện Kỹ thuật Mật mã để làm rõ hơn vấn đề này.
- Thưa ông, hiện nay trên thế giới họ đã có những phản ứng như thế nào trước blockchain?
Hiện nay, nhiều chính phủ không mặn mà với blockchain. Thế giới đang chia ra làm hai thái cực, một là ủng hộ hai là hạn chế ứng dụng blockchain đặc biệt trong ngành tài chính vì lo ngại gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính. Chủ tịch IMF đã nêu ra những hạn chế của blockchain đặc biệt liên quan đến tiền kỹ thuật số.
Không chỉ Việt Nam mà các nước khác trên thế giới cũng chưa có được cái nhìn chính xác với việc nên làm gì với blockchain, kể cả các ứng dụng phát triển từ nền tảng blockchain như tiền kỹ thuật số.
Kể cả Mỹ họ cũng chưa xây dựng được những luật riêng, chỉ có một số nước phát triển cho phép coi tiền kỹ thuật số là một loại tiền tệ, như Thụy Sĩ, Nhật Bản.
Lấy ví dụ như Mỹ, họ có rất nhiều thứ được và mất khi thừa nhận blockchain hay tiền kỹ thuật số. Các nhà lập pháp của nước này phần lớn đã chọn phương án không công khai thừa nhận xu hướng phát triển và để cho nó phát triển không quá rầm rộ. Chính phủ Mỹ vẫn chưa đưa ra một tuyên bố chung điều chỉnh nào mà vẫn để các tiểu bang tự do quyết định điều chỉnh trên khu vực lãnh thổ của mình. Cho đến nay, có ít nhất 8 Bang (New York, Arizona, Vermont, Nevada, Illinois, North Dakota, California, Maine) đã chấp nhận việc sử dụng các sổ ghi chép Blockchain và hợp đồng thông minh (smart contract) để lưu trữ hồ sơ và các công việc khác.
- Ông đánh giá thế nào về việc hệ thống pháp luật hiện nay chưa đáp ứng được so với sự tiến bộ và phát triển của công nghệ blockchain?
Theo tôi, với sự phát triển quá nhanh của công nghệ, hệ thống pháp luật không thể theo kịp xu hướng, nó sẽ luôn đi sau công nghệ. Chúng ta có thể xây dựng một khung pháp lý cho các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân được tiến hành thử nghiệm công nghệ mới với một giới hạn nhất định, đặt dưới sự giám sát của các cơ quan chuyên môn. Ví dụ, đối với các dịch vụ của ngành ngân hàng và các công ty Fintech, họ có thể thử nghiệm các phương thức giao dịch, thanh toán mới, trong khoảng thời gian thử nghiệm 3-6 tháng nếu thấy nó đáp ứng được các điều kiện pháp luật cho phép, đảm bảo quyền lợi khách hàng thì sẽ xin phép để đem ứng dụng rộng rãi.
- Những cơ hội và thách thức nào dành cho doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận với blockchain, thưa ông?
Cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận blockchain là rất nhiều, vì đây là công nghệ chia sẻ với tất cả cộng đồng, tùy vào từng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể đi tắt đón đầu, lựa chọn ứng dụng blockchain một cách phù hợp nhất cho doanh nghiệp.
Hiện nay có hai thách thức lớn cho doanh nghiệp khi tiếp cận blockchain. Đầu tiên, do ngành khoa học cơ bản của Việt Nam chưa thực sự phát triển, điều này khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận một số nền tảng công nghệ cao.
Thứ hai, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghệ thông tin. Điều này dẫn đến việc Việt Nam luôn đi sau các nước khác trên thế giới khi tiếp cận công nghệ mới. Ví dụ như điện toán đám mây, trên thế giới họ đã tiếp cận từ năm 2000 nhưng Việt Nam mãi đến 2008 mới bắt đầu phát triển ứng dụng này.
Với tâm lý của người Việt Nam mong muốn kinh doanh thu lại lợi nhuận trong thời gian ngắn, dẫn việc hiện nay các doanh nghiệp ứng dụng blockchain lại chủ yếu là các công ty Fintech. Việc đầu tư nghiên cứu công nghệ không thực sự là tiềm năng trước mắt của các doanh nghiệp.
- Ông đề xuất giải pháp gì để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin?
Trước hết, các trường đại học phải là nơi tiếp cận đầu tiên với các công nghệ mới trên thế giới. Các trường cần mở các chuyên khoa, chuyên ngành riêng chất lượng cao, đi sâu vào nghiên cứu công nghệ mới.
Để điều này đạt được hiệu quả, các doanh nghiệp và các trường đại học cần có sự kết hợp chặt chẽ về đào tạo và nghiên cứu. Đây là mô hình đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công từ nhiều năm qua. Doanh nghiệp phải mạnh dạn đầu tư cho các trường nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho họ.
Đối với tiền kỹ thuật số, hiện Việt Nam chưa có bất cứ một khung pháp lý nào. Ngân hàng Nhà nước ngay từ ban đầu đã quyết định không coi tiền kỹ thuật số là một dạng tiền tệ. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Tôi hoàn toàn đồng ý với phản ứng này của Ngân hàng Nhà nước vì những hậu quả mà nó mang lại. Nếu như chúng ta không kiểm soát được giá của các loại tiền kỹ thuật số nó sẽ gây những ảnh hưởng lớn đên thị trường tài chính. Giá của các đồng tiền này lại do cộng đồng những người tham gia quyết định, nó không có sự neo tỷ giá như các đồng tiền của các quốc gia trên thế giới. Như VND hay USD giá trị của đồng tiền được xác định dựa vào sức sản xuất của nền kinh tế. Trong khi đó Bitcoin không dựa vào bất cứ cơ sở quy chiếu giá trị nào, nó chỉ là sản phẩm kỹ thuật số từ các máy chủ ngang hàng dựa trên nền tảng Blockchain. Bitcoin được tạo ra bởi các công thức toán, là sản phẩm trừu tượng và được định giá bởi cung cầu thị trường. Việc giữ giá cho tiền kỹ thuật số rất phức tạp do dựa vào sự “tin tưởng” của người chơi. Do đó, nếu coi nó là một loại tiền tệ sẽ rất khó trong việc định giá và quy đổi tỷ giá. |
- Xin cảm ơn ông!