Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, mặc dù nhiều yếu tố có tác động đến giá thành sản xuất điện song Bộ Công Thương không nghĩ đến chuyện sẽ tăng giá điện trong năm nay.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, nhiều hoạt động sản xuất bị đình trệ, mặc dù nhiều yếu tố có tác động đến giá thành sản xuất điện song Bộ Công Thương không nghĩ đến chuyện sẽ tăng giá điện trong năm nay.
Đối với việc điều chỉnh giá điện trong năm 2021 và năm 2022, ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, công tác điều hành giá bán điện trong thời gian qua được thực hiện theo đúng quy định của Luật Điện lực, như Quyết định 24/2017/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg về khung giá của mức bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016-2020, Quyết định 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. “Thực hiện các quyết định này, việc điều tiết giá điện hiện nay được thực hiện ngày càng minh bạch và rõ ràng”, ông Quang nói.
Về giá bán lẻ điện bình quân, ông Quang cho rằng, theo Quyết định 24, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân thực hiện theo cơ chế thị trường. Trong đó có các cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm và điều chỉnh giá bán điện bình quân hàng năm.
Về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hàng năm, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan của các thông số đầu vào sản xuất kinh doanh điện của tất cả các khâu trong ngành điện, bao gồm phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, quản lý ngành.
Đối với cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh trong năm theo biến động của các thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện.
“Trong thời gian qua, việc thực hiện điều chỉnh giá điện và giá bán lẻ điện theo quy định hiện hành trên đã góp phần bảo đảm tài chính cho ngành điện, đảm bảo đầu tư, cũng như phát triển các công trình điện, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế đất nước”, ông Quang nhấn mạnh.
Năm 2021, 2022, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện các Quyết định 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các đơn vị trong ngành điện theo dõi tình hình sản xuất, kinh doanh điện, biến động phụ tải hệ thống điện, cũng như các thông số đầu vào của tất cả các khâu như khâu truyền tải điện, quản lý ngành, để thực hiện giá điện theo đúng quy định về điều chỉnh giá bán điện theo quy định của Thủ tướng.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ năm 2020 đến nay, mặc dù EVN cũng gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 nhưng trên tinh thần tích cực chia sẻ với những khó khăn của các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và các cơ sở cách ly, cơ sở y tế phòng chống dịch, EVN đã kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành để cho phép thực hiện việc giảm giá điện, giảm tiền điện trong 5 đợt trong các năm 2020 và 2021 với tổng số tiền là hơn 16.950 tỷ đồng.
Liên quan đến việc liệu có tiếp tục giảm giá điện hay không, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trước hết Bộ Công Thương phải làm việc cụ thể, trực tiếp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - doanh nghiệp chịu trách nhiệm hạch toán và chịu trách nhiệm theo Luật doanh nghiệp và Ủy ban quản lý vốn nhà nước – chủ sở hữu của EVN. Bộ Công Thương với vai trò quản lý nhà nước sẽ hết sức chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, người dân.
Liên quan đến việc Bộ Công thương xem xét thế nào trước đề xuất của doanh nghiệp về việc giảm giá xăng, bà Lê Việt Nga, phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, khẳng định Bộ Công Thương luôn bám sát điều hành thị trường xăng dầu nhịp nhàng, tuân thủ theo quy định của nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, diễn biến giá xăng dầu thế giới, đảm bảo nguồn cung, sử dụng công cụ bình ổn giá phù hợp để quản lý giá nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, giúp đóng góp và kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng.
Tuy nhiên, trước đề xuất của doanh nghiệp về việc xem xét giảm giá xăng, Thủ tướng đã có chỉ đạo nên Bộ Công thương và Bộ Tài chính nghiên cứu, tính toán các yếu tố, dư địa có thể khai thác để giảm giá xăng.
Bà Nga cho biết, hiện nay giá xăng dầu thế giới đang diễn biến theo hướng tăng. Nhiều nền kinh tế kiểm soát được dịch COVID-19 và phục hồi, các nước mở cửa trở lại nên nhu cầu đi lại của người dân tăng lên. Do đó, việc giảm giá thế giới là rất khó khăn trong khi đây là yếu tố quan trọng để tác động đến giá xăng dầu trong nước.
Về điều hành trong nước, theo chỉ đạo của Thủ tướng, liên bộ đã trao đổi, tính toán các biện pháp, công cụ có thể vận dụng để thực hiện. Bao gồm nắm bắt số dư Quỹ bình ổn, nguồn cung ứng xăng dầu của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, trao đổi với Bộ Tài chính để cân nhắc có thể giảm được loại thuế nào, đơn cử như thuế môi trường với xăng E5.
"Chúng tôi đã nhận chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ để xem xét về vấn đề này và liên bộ sẽ tiếp tục phối hợp để làm sao điều hành giá xăng dầu phục vụ tốt nhất nền kinh tế, đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp khi mở cửa trở lại", bà Nga khẳng định.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng với diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng do nhu cầu sử dụng năng lượng tăng khi dịch bệnh được kiểm soát, sẽ vừa có tác động hai chiều tới nền kinh tế.
Theo đó, những doanh nghiệp khai thác dầu thô sẽ được hưởng lợi nhờ giá dầu tăng, mang lại nguồn thu cho đất nước, nhưng ngược lại do Việt Nam vẫn phải nhập khẩu dầu để chế biến các sản phẩm xăng dầu, nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp khi đây là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Có thể bạn quan tâm
Linh hoạt nhập cảnh chuyên gia điện gió
17:56, 29/07/2021
Chậm sửa đổi biểu đồ giá điện: Bộ Công Thương đang kỹ lưỡng và thận trọng
19:35, 03/06/2021
Chính phủ đồng ý giảm giá điện đợt 3
15:00, 02/06/2021
Xây dựng kịch bản mới cho thời gian điều chỉnh giá xăng dầu
14:47, 18/07/2020
Bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu - biết rồi, khổ lắm, vẫn giữ
06:20, 18/07/2020