Bộ Tài chính kiến nghị nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

Hằng Hà 25/08/2019 00:32

Các vướng mắc liên quan tới công tác xây dựng, phân bổ và điều chỉnh kế hoạch vốn, trong công tác đấu thầu, giải phóng mặt bằng… đã ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về một số vướng mắc và tồn tại ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, công tác quyết toán dự án hoàn thành và việc quản lý các khoản thu của các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án. 

Bộ Tài chính

Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, đẩy nhanh công tác lập hồ sơ, thẩm định thiết kế kỹ thuật thi công – dự toán trình.

Theo Bộ Tài chính, trên cơ sở kiểm tra thực tiễn tại một số bộ, ngành địa phương, việc chậm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn NSNN tập trung vào một số nguyên nhân, như: các vướng mắc liên quan tới công tác xây dựng, phân bổ và điều chỉnh kế hoạch vốn, trong quá trình triển khai và thực hiện kế hoạch, trong công tác đấu thầu, giải phóng mặt bằng…

Cụ thể, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, một số chủ đầu tư chưa chú trọng đến công tác lựa chọn tư vấn lập hồ sơ, chưa chú trọng công tác rà soát, kiểm tra hồ sơ dẫn đến chất lượng hồ sơ có nhiều nội dung phải sửa đổi, hiệu chỉnh… gây kéo dài thời gian thẩm định, trình phê duyệt và triển khai thủ tục tiếp theo. Nhiều dự án chưa có kế hoạch chuẩn bị trước nên khi triển khai thực hiện còn vướng về quy hoạch, đền bù, giải tỏa dẫn đến kéo dài thời gian lập dự án.

Theo Bộ Tài chính, những quy định về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng của pháp luật hiện nay liên quan đến quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án phải qua nhiều khâu, nhiều bước thực hiện. Để có đủ thủ tục có thể giải ngân được vốn cho một dự án khởi công mới phải mất khoảng 04 đến 06 tháng mới có thể ký kết hợp đồng và khởi công xây dựng. Do vậy, các dự án, gói thầu mới thường chưa có khối lượng thực hiện trong nửa đầu năm kế hoạch, gây ảnh hưởng tới tiến độ triển khai kế hoạch vốn trong năm…

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng “thúc” tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019

    Thủ tướng “thúc” tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019

    00:00, 22/08/2019

  • Phải giải trình nếu chậm giải ngân vốn đầu tư công?

    Phải giải trình nếu chậm giải ngân vốn đầu tư công?

    18:48, 19/08/2019

  • Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: Triển khai kế hoạch kinh tế- xã hội và đầu tư công năm 2020

    Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: Triển khai kế hoạch kinh tế- xã hội và đầu tư công năm 2020

    12:43, 08/08/2019

Trước tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn NSNN năm 2019 và các tháng đầu năm vẫn còn thấp, thời gian qua, Bộ Tài chính đã thực nhiện nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Cụ thể như: Bộ Tài chính đã chủ động rà soát sửa đổi cơ chế kiểm soát thanh toán vốn đầu tư phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công. Trong đó, áp dụng các nguyên tắc thanh toán trước, kiểm soát sau; rút ngắn thời gian kiểm soát thanh toán từ 7 ngày theo Nghị quyết số 70/NQ-CP xuống còn 4 ngày làm việc nhằm đơn giản hóa thủ tục, thúc đẩy tiến độ giải ngân cho các dự án.

Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi các Bộ, ngành đôn đốc việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn; Đôn đốc nhập hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2019 lên hệ thống Tabmis cũng như báo cáo tình hình thực hiện và thanh toán kế hoạch vốn Quý II năm 2019...

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với các Bộ ngành có liên quan xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công số 30/2019/QH14. Trong đó có Nghị định mới về quản lý vốn ODA và vay ưu đãi thay thế Nghị định số 132/2018/NĐ-CP và Nghị định số 16/2016/NĐ-CP theo hướng tập trung vào một đầu mối công tác quản lý nợ công. Đồng thời, rà soát để đơn giản hóa các thủ tục hành chính bao gồm quy trình bổ sung kế hoạch vốn hàng năm, cơ chế điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn cũng như cơ chế hạch toán và chuyển nguồn đối với vốn vay ODA, vay ưu đãi.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì báo cáo đánh giá dự kiến khả năng giải ngân các nguồn vốn đầu tư công để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hoặc quyết định theo thẩm quyền phương án điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ thực hiện sang dự án khác có nhu cầu, tiến độ giải ngân tốt, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Đối với các Bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, Bộ Tài chính đề nghị đẩy nhanh công tác lập hồ sơ, thẩm định thiết kế kỹ thuật thi công – dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai công tác mời thầu, đấu thầu dự án theo thời gian quy định. Ưu tiên giải phóng mặt bằng, đảm bảo khi nhà thầu thực hiện thi công không còn vướng mắc về vấn đề này.

Riêng đối với dự án ODA và vay ưu đãi, Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ quản chủ động cùng các cơ quan liên quan giải quyết các vướng mắc về đấu thầu mua sắm, thuế, giải phóng mặt bằng, đôn đốc các chủ dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để ký kết hợp đồng cho vay lại. Khi có khối lượng hoàn thành cần làm ngay thủ tục kiểm soát chi, gửi đơn rút vốn để Bộ Tài chính kịp thời gửi nhà tài trợ….

Đối với các dự án có thay đổi về chủ trương đầu tư, các Bộ chủ quản và địa phương làm thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ít nhất 6 tháng trước ngày kết thúc dự án. Đối với đề nghị gia hạn rút vốn tại hiệp định vay nước ngoài, cơ quan chủ quản cần gửi Bộ Tài chính ít nhất trước 3 tháng để thực hiện đàm phán với nhà tài trợ và báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.

7 tháng đầu năm 2019 tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước rất thấp, chỉ đạt 32,27% kế hoạch được Quốc hội thông qua. Trong đó, giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 10,96%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ đạt 37,64%, vốn nước ngoài đạt 22,63%). Có 35 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%; trong đó 18 bộ, cơ quan trung ương và 01 địa phương dưới 20% kế hoạch được Quốc hội giao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bộ Tài chính kiến nghị nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO