"Bom nợ" của China Evergrande, tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc, có khả năng phát nổ với khoản nợ lên tới 1,95 nghìn tỷ NDT(305 tỷ USD).
Mới đây, Bloomberg đưa tin, tình hình tài chính của Evergrande một lần nữa làm dấy lên lo ngại của nhà đầu tư, khiến giá cổ phiếu của họ tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng ba. Điều này được cho là do các công ty con của Evergrande không thanh toán đúng hạn, các trái chủ sốt sắng rút tiền, khiến trái phiếu của Evergrande đã giảm mạnh trong những tuần gần đây.
Theo Bloomberg đưa tin, tình trạng hỗn loạn do khủng hoảng tài chính của Evergrande có thể lan rộng. Họ hiện đang có khoản nợ 1,95 nghìn tỷ nhân dân tệ (305 tỷ USD), bao gồm cả khoản nợ bằng đô la Mỹ do các nhà đầu tư ở Hong Kong, London và New York nắm giữ. Kết quả là Evergrande đã trở thành công ty bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới và là một trong những công ty đi vay quan trọng nhất của Trung Quốc.
Cũng theo một con số từ Bloomberg cho biết, sau khi đạt được thỏa thuận với các nhà đầu tư vào tháng 9 năm ngoái để tránh khủng hoảng thanh khoản, tài sản ròng của Xu Jiayin, chủ tịch Evergrande đã giảm mất 1/3 xuống còn khoảng 19 tỷ USD. Theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg, con số này chỉ bằng hơn một nửa so với mức đỉnh vào năm 2020.
Có vẻ như rủi ro của Evergrande đã trở nên rất lớn. Các cơ quan quản lý tài chính của chính quyền Trung Quốc gần đây đã yêu cầu các ngân hàng chủ nợ của Evergrande thực hiện một vòng kiểm tra căng thẳng mới về khả năng nợ của họ.
Quay trở lại quá khứ, năm ngoái Evergrande đã không thể hoàn trả khoản đầu tư chiến lược 130 tỷ NDT của mình, và cuối cùng họ đã viết một bức thư ngỏ khiến cả Trung Quốc phải sửng sốt.
Đã có rất nhiều lời đồn đoán rằng, Evergrande “ép buộc” chính phủ Trung Quốc. Sau đó, dưới sự bảo trợ của Bắc Kinh, khoản nợ 130 tỷ NDT đã được hoán đổi thành vốn chủ sở hữu. Evergrande đã thở phào nhẹ nhõm và thoát khỏi cơn tai biến.
Trên lý thuyết, nếu các khoản nợ được đầu tư và hoán đổi nợ thành vốn chủ sở hữu, Evergrande có thể giải tỏa được rủi ro, nhưng trên thực tế, rủi ro lớn hơn đã đến với Evergrande khi họ đã chạm vào “điểm tới hạn” của các tổ chức tài chính, khi không thể thanh khoản các món nợ tới hạn.
Có vẻ như lần này, Evergrande thực sự bị tiêu diệt. Nhiều tin đồn khắp nơi đang khiến bất động sản của Evergrande tại các thành phố cấp ba và cấp bốn trên toàn Trung Quốc được bán với mức chiết khấu điên cuồng, giảm giá hơn 30%, nhưng yêu cầu phải là tiền mặt. Rõ ràng, Evergrande đang có nguy cơ vỡ nợ.
Chưa hết, hệ quả của những “tin đồn lên men” này là đầu tháng 6, giá cổ phiếu của Evergrande giảm mạnh gần 5% khiến thị trường hết sức chú ý. Bắt đầu từ mức cao nhất là 17 đô la Hồng Kông vào tháng 7 năm ngoái, giá hiện tại đã giảm 60% xuống còn 11 đô la Hồng Kông.
Bloomberg đưa tin giá trái phiếu đô la Mỹ của Evergrande cũng đã giảm. Trái phiếu đô la Mỹ đáo hạn vào năm 2025 đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.
Thậm chí, gần đây trái phiếu của Evergrande cũng bị thị trường bán tháo, lần lượt chạm mức thấp kỷ lục. Thị trường đang tự hỏi điều gì đã xảy ra với Evergrande? Phải chăng khoản nợ gần hai nghìn tỷ của Evergrande không có khả năng chi trả? Ai sẽ “đổ máu” nhiều lần này?
Các chuyên gia phân tích cho rằng, nếu Xu Jiayin không thể khôi phục niềm tin của nhà đầu tư, Evergrande “sẽ chết” và cuộc khủng hoảng thanh khoản của Evergrande có thể sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống tài chính của Trung Quốc và các khu vực khác.
Lan Deng, một giáo sư tại Đại học Michigan, người nghiên cứu sự phát triển bất động sản ở Trung Quốc và Mỹ, cho biết: “Nếu Evergrande gặp sự cố, nó sẽ có tác động đáng kể đến thị trường bất động sản Trung Quốc và nền kinh tế nói chung”.
Trên thực tế, nền kinh tế Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ với phát triển bất động sản, nếu điều này xảy ra, không chỉ khiến các chủ nợ của nước này gặp rủi ro tài chính lớn hơn mà còn có thể gây ra hiệu ứng gợn sóng trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Trung Quốc.
Evergrande đã im lặng và không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận. Song, các chuyên gia phân tích cho rằng, hiện tại, dù là vốn tài trợ cổ phần hay tài trợ trái phiếu, Evergrande đã rơi vào “trạng thái cạn kiệt”. Vì vậy, kết hợp với thực tế là các hóa đơn thương mại của Evergrande đã vi phạm hợp đồng trên quy mô lớn và cộng thêm việc chúng được bán phá giá với mức chiết khấu “khủng”, có lẽ điều tồi tệ nhất sẽ chờ đợi Evergrande?
Có thể bạn quan tâm
Didi Chuxing nối tiếp xu hướng IPO tại Mỹ của các công ty công nghệ Trung Quốc
04:50, 13/06/2021
Wu Dao 2.0 của Trung Quốc có kích thước gần gấp mười lần GPT-3 của Open AI của Mỹ
16:12, 10/06/2021
Cú lội ngược dòng của nhà sáng lập “Starbucks của Trung Quốc”
04:08, 10/06/2021
“Đế chế” JD.com đang thách thức Alibaba!
05:00, 02/06/2021
Vì đâu Bắc Kinh tiếp tục “săn đuổi” Jack Ma và Alibaba?
05:00, 22/04/2021
Cái kết nào cho “đế chế” của Jack Ma?
05:00, 13/06/2021