Việt Nam vẫn còn thiếu vắng một thị trường mua bán nợ chính thức, các nghiệp vụ phái sinh cho khoản nợ xấu chưa có, dẫn đến thiếu nhà đầu tư có năng lực, thiếu tính thanh khoản của các khoản nợ.
Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội (NQ 42) về triển khai thí điểm cơ chế xử lý nợ xấu bắt đầu có hiệu lực và có thời hạn 5 năm. Như vậy, chỉ còn hơn 1 năm nữa thời gian áp dụng Nghị quyết này sẽ kết thúc. Kết quả đã đạt được là khá rõ nét, nhưng vẫn còn một số vướng mắc cần được tháo gỡ để NQ 42 phát huy hiệu quả cao hơn; qua đó giúp nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu toàn ngành ngân hàng, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung do dịch COVID-19.
Có thể nói, NQ 42 đã đem lại những kết quả tích cực trong công tác xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng thời gian qua. Trong đó, có thể kể đến 4 kết quả nổi bật như:
Mộtlà công tác triển khai NQ 42 đã được thực hiện nghiêm túc, mang lại kết quả tích cực. Theo số liệu được công bố gần đây nhất của NHNN, lũy kế từ thời điểm NQ 42 bắt đầu có hiệu lực (tháng 8/2017) đến hết năm 2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 294 nghìn tỷ đồng nợ (chiếm 58% nợ xấu), gấp 4 lần so với giá trị nợ xấu được xử lý trong giai đoạn trước đó từ 2012-2017.
Hailà đã góp phần hoàn thiện thể chế, khung pháp lý cho công tác xử lý nợ xấu. Sau khi NQ 42 đi vào triển khai, nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện của Chính Phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân tối cao… đã được ban hành, giúp NQ 42 đi vào thực tiễn. Cùng với đó là văn bản hướng dẫn hoạt động, nâng cao năng lực tài chính cho VAMC, qua đó tăng tốc độ, hiệu quả xử lý nợ xấu hơn. Với những văn bản này có thể nói hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu tại Việt Nam đã có bước tiến lớn so với trước kia và đã tương đối hoàn thiện, tiệm cận thông lệ quốc tế hơn.
Balà giúp đẩy nhanh hơn tốc độ xử lý nợ xấu, góp phần quan trọng vào thực hiện thành công Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bốnlà thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp cũng như nhận thức về trách nhiệm của cơ quan liên quan như công an, tòa án, địa phương... trong công tác xử lý nợ xấu. Những văn bản hướng dẫn thực thi NQQ 42 dần được ban hành, phần nào thể hiện được nỗ lực vào cuộc của các cấp, ngành và địa phương. Đặc biệt, nhận thức, thiện chí của bên vay trong việc giải quyết nợ xấu đã được tăng lên, góp phần đáng kể vào kết quả xử lý nợ xấu thời gian qua.
Những kết quả trên là rất tích cực, nhưng vẫn nhiều khó khăn và vướng mắc. Tiêu biểu như: Sự vào cuộc, phối kết hợp của các cơ quan chức năng, địa phương còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ và nhất quán, dẫn đến quá trình thực thi Nghị quyết gặp không ít khó khăn. Tại mỗi vụ thu giữ tài sản đảm bảo (TSĐB), công an và chính quyền địa phương vào cuộc không quyết liệt, dẫn đến hiện tượng chây ỳ, thậm chí hăm dọa cán bộ tín dụng đã xảy ra. Tại một số địa phương do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, hoạt động thi hành án ngân hàng còn chưa thật sự hiệu quả, nhiều vụ việc kéo dài… phát sinh nhiều chi phí cho đơn vị xử lý nợ.
Trong công tác xử lý tài sản đảm bảo còn nhiều vướng mắc như, NQ 42 không quy định chế tài xử lý hoặc cơ chế, cách thức tiến hành cưỡng chế trong trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không hợp tác. Việc mua, bán, sang tên TSBĐ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai có nhiều vướng mắc. Thiếu thông tin về hiện trạng TSĐB do Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự không có hệ thống dữ liệu cho phép các TCTD trích xuất, tra cứu thông tin về hiện trạng tài sản có liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết, nên không biết tài sản có tranh chấp, vướng mắc gì hay không,... Khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự.
Ngoài ra, khâu định giá, thẩm định giá khoản nợ và TSĐB khó khăn. Còn thiếu hướng dẫn về cơ sở xác định giá trị khoản nợ và TSĐB trong khi khoản nợ xấu và TSĐB đi kèm có khác biệt so với nợ thông thường.
Đặc biệt, Việt Nam vẫn còn thiếu vắng một thị trường mua bán nợ chính thức thực sự, các nghiệp vụ phái sinh cho khoản nợ xấu (nhưng chứng khoán hóa) chưa có, dẫn đến thiếu nhà đầu tư có năng lực, thiếu tính thanh khoản của các khoản nợ; làm giảm tính hấp dẫn, giá trị và nguồn lực để xử lý các khoản nợ này; khiến quá trình mua – bán nợ theo giá thị trường càng khó khăn.
Những vướng mắc nêu trên chỉ những vấn đề nổi cộm nhất trong quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD nói chung và triển khai NQ 42 nói riêng. Theo đó, để quá trình xử lý nợ xấu và thực hiện Nghị quyết 42 mang lại hiệu quả cao hơn, nhất là trong giai đoạn 2021-2025, chúng tôi có một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, Quốc Hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan, địa phương khẩn trương tháo gỡ, xử lý dứt điểm những vướng mắc chính nêu trên theo chức năng – nhiệm vụ, nhất là khâu hướng dẫn triển khai đồng bộ, nhất quán và phối kết hợp tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả trên tinh thần vì cái chung.
Thứ hai, Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh, thực chất tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao năng lực tài chính, quản trị, tạo điều kiện để hệ thống các TCTD xử lý nợ xấu. Các bộ chủ quản chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện nghĩa vụ trả nợ hay nghĩa vụ bảo lãnh đối với các khoản vay tại các TCTD mà các đơn vị đứng ra bảo lãnh cho các công ty con, công ty thành viên của mình.
Thứ ba, trên cơ sở thực tế áp dụng chính sách tại Nghị quyết 42 và tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 1058/QĐ-TTg đến hết năm 2020, Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý hiệu quả nợ xấu, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về cơ cấu lại hệ thống các TCTD và chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 như đã nêu tại Quyết định 986/QĐ-TTg. Theo đó, các TCTD tiếp tục rà soát chính sách, quy trình về tín dụng, tăng cường kiểm soát rủi ro, nhất là trong bối cảnh tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-9 nhằm hạn chế nợ xấu gia tăng trong tương lai.
Thứ tư, Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc Hội luật hóa NQ 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan. Thực tế chứng minh NQ 42 đã mang lại rất nhiều kết quả tích cực cho công tác xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, đối tượng tập trung vào các khoản nợ được hình thành trước khi NQ có hiệu lực (ngày 15/8/2017). Trong khi đó, nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành ngân hàng. Hơn nữa, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nợ xấu đã và đang tăng cao. Trong khi đó, NQ 42 sẽ hết hiệu lực chỉ trong hơn 1 năm nữa, sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD trong thời gian tới là rất lớn. Việc luật hóa xử lý nợ xấu cũng là tăng hiệu lực, hiệu quả của công tác thể chế, một trong ba đột phá chiến lược tiếp tục được Đại hội Đảng XIII lựa chọn, thông qua.
Có thể bạn quan tâm