"Bóng mây u ám" bao trùm kinh tế Đông Nam Á

Lê Trang 20/08/2019 14:15

"Thật khó để tưởng tượng có nền kinh tế nào có thể tiếp tục tăng trưởng vượt trội so với phần còn lại của thế giới khi căng thẳng thương mại toàn cầu mở rộng tầm cao mới".

Các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á có thể sẽ phải đối mặt với những sóng gió đến từ ngoài khu vực trong phần còn lại của năm.

Một trong những lý do chính được xem là đến từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tạo áp lực lên nền kinh tế khu vực, buộc các chính phủ phải thực hiện các bước như cắt giảm lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế của họ. Những căng thẳng này bắt đầu xuất hiện manh nha từ cuối năm ngoái.

Theo số liệu tổng sản phẩm quốc nội trong Quý II được Công ty dữ liệu tài chính quốc tế CEIC công bố ngày hôm qua, năm trong số sáu nền kinh tế lớn của khu vực - Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam - đã tăng trưởng chậm hơn so với Quý I.

Tình hình tại Thái Lan hay Singapore thậm chí còn bi đát hơn, bởi các quốc gia này đang phải đối mặt với nhu cầu giảm đối với hàng điện tử xuất khẩu – vốn được xem là xương sống trong nền kinh tế của họ.

Có thể bạn quan tâm

  • Khủng hoảng kinh tế thế giới mang “màu sắc Trung Quốc” (Bài 1)

    Khủng hoảng kinh tế thế giới mang “màu sắc Trung Quốc” (Bài 1)

    06:00, 20/08/2019

  • Từ

    Từ "tín hiệu" ở Singapore tới nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu

    11:03, 19/08/2019

  • Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu?

    Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu?

    04:07, 18/08/2019

Ngày 19/8, Thái Lan đã cắt giảm dự báo tăng trưởng cho cả năm 2019 xuống khoảng từ 2,7% đến 3,2%. Đây không phải lần đầu tiên trong năm nay Thái Lan hạ dự báo tăng trưởng, trước đó quốc gia này đã một lần hạ dự báo từ 3,8% xuống còn 3,3%. Trong Quý II, tốc độ tăng trưởng của xứ sở chùa vàng chỉ dao động quanh 2,3%, thấp nhất trong lịch sử.

Lý do chính cho việc tuột dốc của Thái Lan là do sụt giảm xuất khẩu, với việc chính phủ dự báo xuất khẩu hàng hóa giảm 1,2%, tính theo đồng USD trong năm nay, so với mức tăng 7,5% trong năm 2018. Văn phòng Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan cho rằng: "sự chậm lại của các nền kinh tế đối tác thương mại, cũng như áp lực tăng cường từ các biện pháp bảo vệ thương mại" là nguyên nhân chính của vấn đề.

Tương tự như Thái Lan, tuần trước Singapore đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 xuống mức 0% đến 1%, từ mức 1,5% trước đó xuống 2,5%. Tốc độ tăng trưởng của đảo quốc sư tử trong Quý II là 0,1% - thấp nhất trong vòng 10 năm qua, do những biến động trong lĩnh vực điện tử bị tác động bởi chiến tranh thương mại.

"Nền kinh tế Singapore có thể sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn trong phần còn lại của năm", Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết. Theo đó, một bối cảnh kinh tế vĩ mô bên ngoài đầy thách thức và "một sự suy thoái sâu sắc trong chu kỳ tăng trưởng toàn cầu là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này.

Các quốc gia khác trong khu vực có vẻ ít bị tổn thương nhiều bởi các yếu tố bên ngoài, nhưng dữ liệu trong Quý II cho thấy căng thẳng thương mại và sự chững lại của nền kinh tế toàn cầu cũng ít nhiều ảnh hưởng đến họ.

Tăng trưởng ở Indonesia, đạt mức 5,05% trong Quý II do chính sách giá giảm cho xuất khẩu hàng hóa trong một số lĩnh vực đặc biệt của nước này. Chính điều này đã gây ra tác động tâm lý không thoải mái của người tiêu dùng trong nước.

Tại Việt Nam, quốc gia có GDP tăng 6,8% trong quý trước, chứng kiến mức tăng trưởng giảm xuống 6,7% trong Quý II. Tương tự, Philippines đã chứng kiến sự sụt giảm từ 5,6% xuống 5,5%.

Điều này cho thấy ngay cả hai quốc gia vốn được cho là đã được hưởng lợi từ việc các nhà sản xuất rời khỏi Trung Quốc, thì cũng đều đang phải vật lộn với các yếu tố nội bộ. Cụ thể là đầu tư công yếu, thiếu nước ở Philippines và tăng trưởng chậm trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.

Trong khu vực, có lẽ chỉ có Malaysia là duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, với mức tăng trưởng tăng lên 4,9% từ mức 4,5% trong quý đầu tiên, vốn được hỗ trợ bởi mức tăng mạnh trong lĩnh vực tiêu dùng tư nhân, vốn duy trì ở con số 7,8%.

Nhưng Ngân hàng Trung ương của quốc gia này vẫn đưa ra các lưu ý rằng: "Khu vực bên ngoài có thể sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng toàn cầu chậm hơn, trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang diễn ra".

"Các quốc gia Đông Nam Á có thể phải đối mặt với những cơn gió nghịch mùa về sản xuất xuất khẩu, rủi ro thương mại hay xáo trộn trong chuỗi cung ứng trong vài quý tới", bà Margaret Yang - nhà phân tích thị trường tại Singapore nhận định.

"Ngoài việc cắt giảm lãi suất, các nhà hoạch định chính sách có lẽ cũng cần phải thực hiện các chính sách kích thích tài khóa, giảm thuế…. Tình hình suy thoái trở nên nghiêm trọng hơn", bà nói thêm.

Cuối tuần trước, Thái Lan đã công bố gói kích thích trị giá 316 tỷ baht (10,2 tỷ USD) để hỗ trợ nông dân và người có thu nhập thấp, giúp kích thích tiêu dùng trong nước và bù đắp lực cản từ nước ngoài.

Trong khi đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong bài phát biểu Chủ nhật vừa qua đã cho rằng tình hình kinh tế hiện tại của quốc đảo này không đảm bảo nếu đưa ra các chính sách kích thích ngay lập tức, nhưng ông nói nhấn mạnh "nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, chúng tôi sẽ nhanh chóng đáp ứng bằng các biện pháp can thiệp phù hợp để duy trì sinh kế của người lao động".

Các Ngân hàng Trung ương của Thái Lan và Philippines hồi đầu tháng này đã cắt giảm chính sách lãi suất của họ xuống 25 điểm cơ bản - lần lượt còn 1,5% và 4,25%. Ngân hàng Indonesia vào tháng 7 cũng đã giảm lãi suất lần đầu tiên sau gần hai năm.

Chuyên gia Prakash Sakpal - một nhà kinh tế tại ING, cho biết ông hy vọng sẽ có thêm một lần cắt giảm lãi suất ở Thái Lan trong quý IV năm nay.

Malaysia cũng có thể cắt giảm lãi suất chủ chốt xuống 50 điểm cơ bản từ 3% hiện tại xuống 2,5% vào cuối năm nay. Vị chuyên gia này nhận định: "Thật khó để tưởng tượng có nền kinh tế nào có thể tiếp tục tăng trưởng vượt trội so với phần còn lại của thế giới khi căng thẳng thương mại toàn cầu mở rộng tầm cao mới!”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Bóng mây u ám" bao trùm kinh tế Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO