Các quốc gia BRICS đang nỗ lực gia tăng tầm ảnh hưởng của khối trong một số lĩnh vực nhằm đối phó với Mỹ và phương Tây.
>>Vì sao BRICS ngày càng hấp dẫn nhiều quốc gia?
Một số ý kiến cho rằng khối này đang xây dựng tầm ảnh hưởng lớn hơn trong việc cải cách hệ thống tài chính và kinh tế quốc tế cũng như đảm bảo cho các quốc gia đang phát triển có được tiếng nói và quyền bỏ phiếu tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Khối cũng đã ra mắt Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) và các thành viên đang thúc đẩy các thỏa thuận dự trữ và tiền tệ mới.
Do sự đa dạng về kinh tế và phân tán về mặt địa lý nên khi được thành lập với tư cách là nhóm BRIC (không có Nam Phi) vào năm 2009, nhóm đã không thể phát huy hiệu quả như mong đợi. Tuy nhiên, chính sự đa dạng này dường như đã hướng khối tới một mục tiêu toàn cầu hóa hơn so với các nhóm khu vực khác.
Giới quan sát đánh giá, một lý do khiến rất nhiều nền kinh tế mới nổi đang cân nhắc trở thành thành viên của BRICS hiện nay là vì họ đã quá mệt mỏi với việc bị lôi kéo hoặc ép buộc phải đứng về phía nào trong sự chia rẽ giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như trong cuộc đối đầu Nga-Ukraine.
Thành viên cấp cao không thường trú tại Atlantic Council Hung Tran tin rằng BRICS có thể phát triển để trở thành một đối trọng với Nhóm Bảy nước (G7) trong các vấn đề toàn cầu, dẫn đến những tác động sâu sắc đến quan hệ quốc tế. Nhưng ông nói thêm, điều này là tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào việc liệu cách tiếp cận của Trung Quốc hay Ấn Độ sẽ chiếm ưu thế.
>>BRICS mở rộng, chia đôi thế giới
Theo ông Tran, Ấn Độ đã cố gắng chống lại những nỗ lực của Trung Quốc nhằm biến nhóm BRICS thành một tổ chức hỗ trợ cho chương trình nghị sự địa chính trị của Trung Quốc, chẳng hạn như thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu và các luận điệu chống Mỹ.
Thay vào đó, New Delhi đã cố gắng tập trung sự chú ý của nhóm BRICS vào các dự án hợp tác tài chính và kinh tế Nam-Nam, các sáng kiến nhằm giảm sự phụ thuộc toàn cầu vào hệ thống thanh toán và tài chính quốc tế dựa trên đồng đô la Mỹ, và thúc đẩy cải cách các tổ chức tài chính quốc tế để mang lại cho các nước đang phát triển thêm nhiều đại diện và tiếng nói hơn.
Tương tự, như Anthony Rowley, nhà báo kỳ cựu chuyên về các vấn đề kinh tế và tài chính châu Á đánh giá, Brazil cũng đang thúc đẩy mục tiêu hướng tới sự đa dạng tài chính toàn cầu, khi cựu Tổng thống Dilma Rousseff được bầu làm Chủ tịch của Ngân hàng Phát triển Mới vào tháng 3 năm nay. Ngân hàng này được thành lập để huy động nguồn lực cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, và đã tài trợ cho 98 dự án trị giá khoảng 33,2 tỷ USD.
Ông Rousseff đã nhấn mạnh rằng NDB sẽ nhằm mục đích cung cấp 30% nguồn tài chính bằng đồng nội tệ của các nước thành viên, điều này phù hợp với mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ - một mục tiêu được cả Trung Quốc và Ấn Độ chia sẻ.
Ở những khía cạnh này và các khía cạnh khác, bao gồm cả việc một số thành viên tung ra các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, BRICS đang cho thấy sự khác biệt với các hiệp định đầu tư và thương mại khu vực mà một số thành viên của nó tham gia với tư cách cá nhân, chẳng hạn như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF).
Giờ đây, theo nhà ngoại giao hàng đầu của Nam Phi phụ trách quan hệ với khối, hiện có 40 quốc gia đã chính thức đăng ký hoặc bày tỏ mong muốn tham gia BRICS bao gồm Ả Rập Saudi, Iran, Argentina, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Indonesia... BRICS chiếm hơn một phần tư GDP toàn cầu, và không ai có thể coi thường tầm ảnh hưởng của khối đối với trật tự kinh tế do Mỹ và phương Tây thiết lập. Đây sẽ là thách thức lớn với Mỹ và phương Tây.
Có thể bạn quan tâm