Lạm phát còn cao khiến nhiều NHTW chưa thể cắt giảm lãi suất. Điều này cộng với khủng hoảng ngân hàng, chiến sự Nga- Ukraine làm cho triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm.
>> Bức tranh kinh tế thế giới (Kỳ I): Các “trụ cột” mất đà tăng trưởng
Trước viễn cảnh trên, nhiều tổ chức, trong đó có IMF đã phải cắt giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023.
Lạm phát ở Mỹ chỉ còn ở mức 4,9% trong tháng 4/2023. Ở EU, chỉ số lạm phát trong tháng 4 là 7% giảm từ mức 8,6% hồi tháng 1/2023. Dù đã giảm đáng kể, nhưng lạm phát ở Mỹ, EU và nhiều nơi khác được cho là sẽ duy trì ở mức khá cao và vượt mức mục tiêu (2%) của FED và ECB vì một số lý do:
Thứ nhất, sự phi toàn cầu hóa do căng thẳng địa chính trị khiến đứt gãy chuỗi cung ứng và phân bố lại chúng làm tăng chi phí sản xuất.
Thứ hai, biến đổi khi hậu gây nhiều thiên tai lớn khiến chi phí quản lý và khắc phục tăng.
Thứ ba, vòng xoáy tiền lương – giá cả xuất hiện khi các chính phủ chậm kiểm soát lạm phát đã khiến vòng xoáy luẩn quẩn xuất hiện: lạm phát tăng khiến lương phải tăng rồi đến lượt nó lại khiến giá tăng. Các cuộc đình công lớn liên tiếp xảy ra là bằng chứng cho tình trạng này.
Thứ tư, tiền mặt quá nhiều trên mọi thị trường toàn cầu từ các chương trình bơm tiền giải cứu khủng hoảng và dịch bệnh trước đây khiến giá cả cần nhiều thời gian hơn để điều chỉnh giảm dù tăng lãi suất.
Sự dai dẳng của lạm phát cao sẽ khiến thời điểm hạ lãi suất sẽ còn rất lâu. Điều này có nghĩa là kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt với thời kỳ tăng trưởng chậm kéo dài. Một số dự báo cho rằng lãi suất sẽ hạ vào cuối năm 2023 sẽ khó có thể xảy ra.
Giữa lúc nhiều dự đoán khả năng FED sẽ tăng mạnh lãi suất thì sự phá sản của SVB vào ngày 10/3 và SB hai ngày sau đó cũng một số ngân hàng khác cũng chung cảnh ngộ đã gây ra phán đoán khác cho rằng Mỹ sẽ đối mặt một cuộc khủng hoảng tài chính lớn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự phá sản của các ngân hàng nói trên không có tác động lớn đối với hệ thống ngân hàng Mỹ mà chỉ là tác động cục bộ và ngắn hạn, và đã được kiểm soát. Quan trọng, hệ thống ngân hàng Mỹ hiện nay thực sự an toàn vì được vốn hóa tốt đủ sức chịu đựng các cú sốc, theo như lời bà Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ và cũng là nguyên Chủ tịch FED. Do đó, sự sụp đổ một số ngân hàng Mỹ không có khả năng gây bất ổn vĩ mô và lan truyền khủng hoảng như năm 2008.
Lạm phát giảm nhưng sẽ neo cao trong thời gian dài, do đó, lãi suất khó giảm ít nhất trong ngắn hạn. Các vụ phá sản ngân hàng dù không đáng lo ngại nhưng vẫn khiến FED và các ngân hàng trung ương thận trọng. Tình trạng mất động lực tăng trưởng ở Trung Quốc, cuộc chiến ở Ukraine vẫn chưa kết thúc và những bất ổn khác được dự báo sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu khó khăn trong năm 2023 và cả 2024.
>> Kinh tế thế giới sẽ có nhiều biến động
IMF hồi tháng 2/2023 đã nâng dự báo tăng trưởng cả năm 2023 nhờ sự vững chắc trong các nền kinh tế chủ chốt, tác động tiêu cực từ cuộc chiến Ukraine không lớn như dự đoán ban đầu… Nhưng báo cáo mới nhất vào đầu tháng 4 của tổ chức này lại phải hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu 2023 vì những lý do nêu trên. IMF cho biết đà tăng trưởng của thế giới yếu nhất trong vòng 30 năm và sẽ kéo dài ít nhất là trung hạn.
Tăng trưởng GDP toàn cầu hồi tháng 2/2023 được dự báo là 2,9% trong năm 2023, nhưng sau đó IMF đã phải cắt giảm xuống còn 2,8% trong báo cáo trong tháng 4. Các nền kinh tế phát triển, trụ cột của kinh tế toàn cầu hiện nay, được dự báo có mức giảm sút đáng kể trong năm 2023 với mức tăng trưởng GDP chỉ là 1,3% so với mức 2,7% trong năm 2022. Nếu khu vực ngân hàng căng thẳng hơn thì thậm chí mức tăng trưởng trong năm 2023 của nhóm nước này sẽ tụt xuống dưới 1%, kinh tế toàn cầu sẽ còn suy yếu hơn nữa nếu kịch bản này xảy ra.
Những phân tích ở trên có thể giúp đi đến một số nhận định cơ bản về kinh tế thế giới nửa đầu năm 2023 và triển vọng tiếp theo như sau:
Thứ nhất, các nền kinh tế chủ chốt có sức chống chịu tốt giúp kinh tế toàn cầu tránh được suy thoái trong quý I/2023 nhưng cho thấy không thể duy trì đà tăng trong quý II/2023.
Thứ hai, các vụ phá sản ngân hàng chỉ mang tính kỹ thuật không quá nguy hiểm đối với hệ thống ngân hàng thế giới. Tuy nhiên, với sự sụt giảm tăng trưởng, nhiều khả năng FED và các ngân hàng trung ương sẽ giảm bớt mức nâng lãi suất trong thời gian tới mặc dù mức lạm phát vẫn chưa đạt như mục tiêu là 2%.
Thứ ba, tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho cả năm 2023 sẽ suy yếu hơn so với dự đoán ban đầu nhưng không nhiều. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu cả năm được dự báo ở mức 2,8%, so với mức dự báo ban đầu là 2,9%.
Thứ tư, kinh tế Việt Nam lệ thuộc nhiều vào bên ngoài nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 và cả 2024. Việt Nam cần có chính sách phản ứng thích hợp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ tình hình này.
Có thể bạn quan tâm
Châu Phi sẽ "dẫn dắt" kinh tế thế giới?
04:30, 20/05/2023
Tái định vị doanh nghiệp cần phải dự báo tình hình kinh tế thế giới
23:50, 27/03/2023
Kinh tế thế giới đối mặt nguy cơ suy thoái
03:00, 08/10/2022
Việt Nam sẽ đi ngược “vòng xoáy” kinh tế thế giới
23:08, 12/09/2022
Bất ổn kinh tế thế giới (Kỳ II): kinh tế sẽ suy giảm mạnh
17:31, 23/07/2022
Bất ổn kinh tế thế giới (Kỳ I): Rào cản đà phục hồi kinh tế
13:30, 21/07/2022