Mặc dù có sự trợ giúp từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD), nhưng sẽ không tạo ra nhiều đột phá với toàn thị trường. Do đó, các cổ phiếu sẽ phân hóa mạnh.
Sau khi giảm mạnh cuối tuần trước, bước sang tuần này, VN-Index lại tiếp tục giảm mạnh. Đặc biệt trong phiên 11/10, VN-Index đã giảm tới 48 điểm xuống 945,89 điểm.
Tác động tâm lý giao dịch
Những phiên giảm mạnh này có phần tương đồng với thị trường toàn cầu bởi hầu hết các chỉ số chứng khoán trên thế giới đều giảm điểm mạnh sau khi Mỹ công bố tỷ lệ thất nghiệp tháng 9 giảm xuống 3,7%, mức thấp nhất từ năm 1969, làm dấy lên lo ngại về việc FED sẽ tiếp tục nâng lãi suất. Điều đó cũng khiến cho đồng USD tăng giá mạnh và lợi suất trái phiếu Mỹ vượt đỉnh 3,2%. Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chịu tác động tâm lý, đồng thời khối ngoại bán ròng vì lo ngại rủi ro. Tác động lớn nhất cho nhịp giảm này đến từ nhóm cổ phiếu LargeCap như VIC, GAS, VNM, BID....
Có thể bạn quan tâm
11:01, 11/10/2018
13:01, 06/10/2018
04:00, 06/10/2018
11:05, 04/10/2018
15:01, 25/09/2018
04:46, 13/09/2018
Tính đến thời điểm này, TTCK Việt Nam đã có liên tiếp 3 tháng tăng điểm và nhịp tăng kéo dài kể từ đầu tháng 7 đến nay. Dòng vốn ngoại cũng đã quay lại và mua ròng miệt mài trong gần 2 tháng qua, củng cố cho tâm lý của nhà đầu tư (NĐT) nội. Nhịp tăng vừa qua không quá mạnh mẽ, thể hiện sự thăng trầm của từng cổ phiếu nên hầu hết NĐT đều đã chốt lời. Do đó, giá mua ở giai đoạn hiện nay hầu hết đều khá cao và tiệm cận cùng giá đang giao dịch nên nếu bán sẽ lỗ. Bởi vậy, phải có thông tin thực sự tiêu cực mới có thể khiến NĐT bán tháo cổ phiếu, nhưng điều này khó xảy ra.
3 yếu tố cần lưu ý
Mặc dù TTCK đang chịu áp lực, nhưng hoàn toàn có thể kỳ vọng một nhịp tăng mới sẽ sớm xuất hiện trở lại, đẩy VN-Index hướng tới vùng 1.020 điểm. Trước mắt, VN-Index có thể xuống tới vùng 920 điểm. Tuy nhiên việc mua cổ phiếu nào lại khá quan trọng và NĐT cần lưu ý một số điểm sau:
Thứ nhất, đã có khá nhiều mã cổ phiếu tăng mạnh trong thời gian qua, cá biệt có mã tăng gấp 2 lần. Vì thế, những cổ phiếu này sẽ không còn quá nhiều dư địa để tăng tiếp, nếu thông tin bất lợi được công bố. Cổ phiếu VCS là điển hình khi doanh nghiệp này công bố KQKD quý 3 kém khả quan, khiến áp lực bán gia tăng mạnh. Chỉ trong 3 phiên, giá cổ phiếu này giảm 17%.
Thứ hai, vẫn còn rất nhiều cổ phiếu chưa tăng giá hoặc mức tăng không đáng kể nên cơ hội từ nhóm này sẽ lớn hơn. Do giá đã đi ngang trong thời gian dài tại đáy, nên đó là vùng hỗ trợ mạnh. Do đó, mức rủi ro được đánh giá thấp đáng kể so với tiềm năng tăng giá nếu có thông tin tích cực xuất hiện. Một cú bứt phá cả về giá và lượng sẽ giúp giá cổ các phiếu này bứt phá.
Thứ ba, đây là giai đoạn tâm lý NĐT khá ổn định, dòng tiền luân chuyển liên tục nên những cổ phiếu có thông tin tích cực sẽ có cơ hội lớn.