Các công ty giao hàng mới đang tận dụng “khoảng trống xe điện”

QUÂN BẢO 25/09/2023 02:00

Các công ty này tranh thủ phát triển mạnh đội xe điện giao hàng để chiếm thị trường trong giai đoạn các ông lớn trong ngành phải mất thời gian chuyển đổi từ xe xăng sang điện. Việt Nam cũng tương tự.

>>Giao hàng 4h có làm nên chuyện?

Có thể kể đến những startup như Liefegrun (Đức), Zedify (Anh), Packfleet (Anh) hoặc DutchX (MỸ). Đối tượng khách hàng tiềm năng với họ là những nhà bán lẻ kỳ vọng đạt các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (gọi tắt là ESG) và giảm phát thải.

Đến nay, những startup vận chuyển không phát thải này đã huy động được khoảng 1 tỷ USD, theo dữ liệu từ Pitchbook và Reuters. Mục tiêu của họ chiếm được thị phần riêng bằng cách tận dụng khoảng thời gian mà các ông lớn trong ngành vận chuyển vẫn đang trong bước chạy đà để chuyển đổi qua xe điện.

Chẳng hạn FedEx đặt mục tiêu đến năm 2040 sẽ có đội xe vận chuyển không phát thải. Deutsche Post DHL Group tuyên bố đến năm 2030, 60% đội xe của họ sẽ chuyển sang xe điện. Đây cũng là mốc thời gian mà Amazon dự kiến đưa 100,000 xe tải điện Rivian vào hoạt động. Trong khi đó United Parcel Service (UPS) kỳ vọng 40% đội xe của mình sẽ chạy bằng nhiên liệu thay thế vào năm 2025.

Để cạnh tranh lại những ông lớn này, các startup nhỏ lẻ cần phải mở rộng nhanh chóng, phủ sóng cả ở thành thị và ngoại ô, nhưng vẫn phải giữ được giá cả cạnh tranh. Điều này sẽ khiến họ trở thành mục tiêu cho những thương vụ mua lại, sáp nhập.

CEO Niklas Tauch của Liefergrun, chia sẻ rằng giữ giá cạnh tranh là điều bắt buộc họ phải làm, bởi chẳng ai muốn tốn thêm tiền để sử dụng dịch vụ giao hàng không phát thải. Liefergrun là đơn vị thường vận chuyển xuyên suốt các thành phố lớn của Đức và Áo. Khách hàng của họ bao gồm những tên tuổi trong làng thời trang như H&M hoặc Inditex hay Hello Fresh.

Liefergrun xây dựng các kho hàng tại những thành phố trung tâm. Sau đó họ ký hợp đồng vận chuyển với bên thứ ba, cho phép các bên này dùng xe điện từ Mercedes-Benz hoặc Maxus (Trung Quốc).

Theo Tauch, doanh thu của Leifergrun tăng 7 lần trong năm nay. Năm 2022, doanh thu của họ chưa đến 10 triệu euro. Nhưng dự kiến doanh thu năm 2024 sẽ lên đến hàng trăm triệu euro. Cho đến nay Liefergrun đã huy động được 15 triệu euro (16 triệu USD) và sẽ huy động thêm trong năm mới để mở rộng quy mô.

Trong khi đó startup Packfleet (Anh) ghi nhận doanh thu tăng 10 lần trong năm 2022. Đến năm 2024, đội xe tải điện ở London của họ sẽ tăng lên đến 400 chiếc, gấp 8 lần so với con số 50 chiếc hiện nay.

Packfleet dự kiến vào năm sau sẽ mở rộng dịch vụ đến Liverpool, Birmingham và Manchester. Họ kỳ vọng có mặt tại 20 thành phố hàng đầu Vương Quốc Anh trong 2 năm tới.

Tại New York, DutchX triển khai quy trình đưa container hàng hóa đến Manhattan bằng phà, sau đó chất hàng lên xe đạp điện Fernhay để giao hàng trong thành phố. Xe đạp điện cũng là phương tiện mà họ dùng để giao hàng chặng cuối (hay còn gọi là giao hàng đến tay người dùng cuối), bao gồm cả hàng hóa của Amazon Fresh và Whole Foods.

Doanh thu của DutchX dự kiến tăng 33% trong năm 2023, chạm mốc khoảng 40 triệu USD. Công ty sẽ bắt đầu hoạt động tại Philadelphia trong năm nay, cũng như thêm 3 đến 4 thành phố tại Mỹ trong năm tới.

Trong khi đó, startup giao hàng bằng xe điện Zedify đang hoạt động tại 10 thành phố ở Anh. Dự kiến con số sẽ tăng lên thành 17 thành phố trong vòng 6 tháng tới. Bên cạnh các đối tác bán lẻ, họ còn giao hàng cho các hãng lớn như FedEx.

Đại diện Zedify cho biết việc mở rộng ra nhiều thành phố sẽ giúp họ kiếm thêm nhiều hợp đồng vận chuyển. Số lượng hàng hóa mà Zedify vận chuyển tăng gấp đôi lên 2 triệu gói hàng trong năm nay và dự kiến tăng gấp bốn lần, lên 8 triệu gói hàng, trong năm 2024. Trong vòng 4 năm, Zedify đặt mục tiêu có mặt tại gần 50 thành phố ở Anh.

Mặc dù phát triển mạnh mẽ, thế nhưng thời giờ dành cho các startup vận chuyển không phát thải này đang ngày càng eo hẹp hơn, vì các ông lớn trong ngành đã và đang chi các khoản tiền khủng nhằm điện hóa đội xe của mình. Chẳng hạn DHL từng tiết lộ dự án đổi từ xe xăng sang xe điện của họ trị giá hàng chục tỷ euro.

Không chỉ vậy, việc mở rộng quy mô đối với các startup là cực kỳ khó khăn. Nhiều startup sử dụng các phương tiện nhỏ hơn các loại xe vận tải thông thường. Điều này sẽ bóp nghẹt lợi nhuận, vì một lần giao hàng không đủ để bù đắp lại nhân công và chi phí khác.

Ông Thomas Goldsby, chuyên gia logistics đến từ Đại học Tennessee, nhận định rằng các doanh nghiệp lớn trong ngành vận chuyển sẽ có thực hiện các thương vụ mua lại nếu những startup thực hiện được mô hình gì đó thú vị.

Trong khi đó, đại diện từ DHL khẳng định họ không xem các startup vận chuyển không phát thải là một mối đe dọa, đồng thời bày tỏ hy vọng có thể được hợp tác với các doanh nghiệp này trong tương lai.

Tại Việt Nam, tình hình cũng gần tương tự, các hãng giao hàng mới nổi cũng đang đẩy mạnh phát triển đội xe điện của mình. Cuối năm ngoái 2022, Ahamove cho ra mắt dịch vụ vận chuyển công nghệ và chở khách bằng xe điện, thực hiện thí điểm đầu tiên tại Đà Nẵng.

Cũng trong xu thế này, ngày 29-12 vừa qua, Lazada Logistic (thuộc sàn thương mại điện tử Lazada Việt Nam) đã bắt tay hợp tác Salex Motors, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực xe điện thông minh để đưa 100 chiếc xe máy điện vào hoạt động giao hàng tại thị trường Việt Nam trong năm 2023 này.

Có thể bạn quan tâm

  • Giao hàng nhanh - giải pháp cho một vấn đề… không có thật

    Giao hàng nhanh - giải pháp cho một vấn đề… không có thật

    04:30, 27/11/2022

  • Startup giao hàng nhanh: 'Ngày vui ngắn chẳng tày gang'

    Startup giao hàng nhanh: 'Ngày vui ngắn chẳng tày gang'

    04:36, 30/07/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Các công ty giao hàng mới đang tận dụng “khoảng trống xe điện”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO