Các công ty khởi nghiệp “sáng giá” định hình tương lai ngành foodtech

Diendandoanhnghiep.vn Sự xuất hiện của các công nghệ mới, bao gồm các dịch vụ dựa trên ứng dụng dành cho thiết bị di động, đang thay đổi cách thức hoạt động của ngành công nghiệp thực phẩm.

Sự phát triển này cũng giúp hình thành một ngành công nghiệp kỹ thuật số mới được gọi là foodtech (công nghệ thực phẩm).

Trong bối cảnh đó, những doanh nghiệp đổi mới - sáng tạo có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về tính tiện lợi, tươi mới của sản phẩm cũng như đảm bảo tính bền vững về môi trường sẽ đóng vai trò quan trọng trong định hình tương lai của lĩnh vực còn non trẻ này.

Hãy cùng điểm qua một số cái tên đầy hứa hẹn và nhận được nhiều sự chú ý của lĩnh vực foodtech toàn cầu.

*Cook My Grub

Một quảng cáo giới thiệu của Cook My Group. Ảnh: Cook My Group

Một quảng cáo giới thiệu của Cook My Group. Ảnh: Cook My Group

Ý tưởng cho Cook My Grub được các doanh nhân gốc Ấn Shabbir Mookhtiar và Dinesh Patil hình thành vào tháng 12/2019. Trước đây, cả hai nhà đồng sáng lập đều làm việc với vai trò quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp.

Ông Mookhtiar chia sẻ rằng trong một bữa tiệc vào đêm Giáng sinh 2019, họ đã nói chuyện về một số đầu bếp tại gia chuyên nấu và bán thức ăn trong khu vực lân cận. Những đầu bếp này đều nhận được nhiều đánh giá tích cực với những món ăn mang tính đặc sản ít nơi có.

Và đó là thời điểm hai nhà sáng lập phát hiện ra một khoảng trống trên thị trường: dịch vụ giao thực phẩm nấu tại gia đến tận nhà khách hàng thông qua một ứng dụng trên di động.

Với Cook My Grub, thực khách có thể chọn món từ “nhà hàng ảo” của các đầu bếp tại gia và yên tâm rằng đồ ăn của họ đáp ứng tiêu chuẩn của Cơ quan Giám sát chất lượng Thực phẩm Anh.

Đối với phía nhà hàng, Cook My Grub cung cấp cho các đầu bếp khả năng quyết định thời điểm, món ăn và mức độ họ muốn nấu nướng một cách thuận tiện. Thêm vào đó, tất cả đầu bếp mới tham gia đều được đào tạo về vấn đề dị ứng và Vệ sinh Cấp độ 2, cũng như được hỗ trợ đăng ký kinh doanh với hội đồng địa phương.
Sau khi nhận được khoản đầu tư ban đầu từ bạn bè, hai nhà sáng lập đã dành chín tháng để phát triển và thử nghiệm sản phẩm trước khi tung ra dịch vụ của mình. Khi doanh số bán hàng bắt đầu tăng cao, họ đã khởi động chiến dịch huy động vốn cộng đồng. Kết quả, họ huy động được khoản vốn 750.000 bảng Anh, vượt 250% mục tiêu để ra.

Ứng dụng hiện có 10.000 người dùng và hơn 400 đầu bếp kinh doanh trên nền tảng hoặc trong chương trình đào tạo ban đầu trước khi gia nhập.

*HIER

2 nhà sáng lập HIER. Ảnh: gruender.wiwo.de

2 nhà sáng lập HIER. Ảnh: gruender.wiwo.de

Được bà Lara Hämmerle và ông Mark Jäger thành lập vào năm 2019, công ty khởi nghiệp HIER của Đức đặt mục tiêu kết nối các nhà cung cấp thực phẩm và nhà bán lẻ trên cùng một nền tảng. HIER cung cấp một ứng dụng cho phép các cửa hàng bán lẻ và cửa hàng tạp hóa xử lý việc mua hàng từ tất cả các nhà cung cấp địa phương của họ tại một đầu mối, thay vì phải gọi điện riêng lẻ hoặc gửi email cho từng bên.

Giám đốc điều hành (CEO), bà Hämmerle cho biết hai nhà sáng lập sớm nhận ra rằng nhiều công ty foodtech là các doanh nghiệp B2C (Business-to-Consumer: các doanh nghiệp bán sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng, không qua trung gian). Họ chỉ tập trung vào việc giao thực phẩm cho một tỷ lệ nhỏ những người sống ở các khu vực đô thị, trong khi nhóm khách này vốn có thể chấp nhận các lựa chọn giao hàng đắt tiền.
Theo bà Hämmerle, đó không phải là một thị trường có thể dễ dàng mở rộng. Khoảng 95% người tiêu dùng vẫn chọn mua thực phẩm của họ từ cửa hàng bán lẻ truyền thống. Do đó, HIER nhận ra rằng cách tốt nhất là chú trọng cung cấp thực phẩm tươi ngon từ chính địa phương và đưa chúng đến cho khách hàng.

Về phía cầu, HIER đang làm việc với các cửa hàng tạp hóa độc lập tại các hợp tác xã lớn của Đức, cũng như các cửa hàng tạp hóa chuyên biệt như tiệm bánh và cửa hàng thịt. Công ty cũng liên kết với phía cung thông qua nhiều nhà cung cấp khác nhau, bao gồm các nhà sản xuất trái cây và rau, sữa, thịt, rượu và đồ uống không cồn.

*Gardin

Gardin là một công ty khởi nghiệp chuyên về phát triển công nghệ theo dõi và phân tích kiểu hình để tối ưu hóa hoạt động sản xuất lương thực.

Công ty được doanh nhân Sumanta Talukdar thành lập năm 2020. Vốn là một người đam mê ẩm thực, ông đã cố gắng tự trồng các loại cây của riêng mình tại nhà, nhưng kết quả không mấy khả quan với chất lượng cây không được đảm bảo. Sau đó ông đã tiếp cận một số học giả trong lĩnh vực này để tìm hiểu thêm về công nghệ hiện có.

Nhưng rồi ông Talukdar nhận thấy vấn đề không thể đo lường định lượng dinh dưỡng và chất lượng cây trồng không chỉ xảy ra với những nông dân nghiệp dư mà cả trong toàn ngành công nghiệp thực phẩm. Do đó, ông Talukdar đã thành lập Gardin với mục tiêu lấp đầy khoảng trống công nghệ này cho chuỗi cung ứng thực phẩm.

Gardin đang ứng dụng phương pháp tổng hợp dữ liệu đa diện để đo đạc các đặc điểm sinh lý của cây trồng, như hoạt động quang hợp, căng thẳng sinh học và phi sinh học, mật độ dinh dưỡng, đồng thời thúc đẩy mối tương quan giữa sinh lý của cây trồng và môi trường tăng trưởng. Những thông tin này sau đó sẽ được tổng hợp lại, cho phép các nhà sản xuất thực phẩm thực hiện các biện pháp can thiệp chính xác và đầy đủ khi cần thiết nhằm giảm thiểu chất thải và giúp hoạt động nuôi trồng phát triển bền vững hơn.

Gardin đã nhận được tài trợ ban đầu từ LDV Capital, Seedcamp & MMC Ventures và là một trong 32 công ty được chương trình Net Zero Growth của mạng lưới khởi nghiệp công nghệ quốc gia Anh Tech Nation lựa chọn và hỗ trợ.

*ShelfNow

Ra mắt vào năm 2019, ShelfNow là thị trường trực tuyến B2B (Business-to-Business: hình thức kinh doanh, buôn bán trực tiếp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các nhà sản xuất thực phẩm - đồ uống (F&B) chất lượng cao nhưng quy mô nhỏ với những người mua độc lập trong lĩnh vực khách sạn, bán lẻ.

CEO của ShelfNow, ông Philip Linardos cho biết sau các cuộc thảo luận với hàng trăm doanh nghiệp, ông nhận thấy một vấn đề rằng cả các doanh nghiệp thực phẩm vừa và nhỏ (SME) cũng như người mua đều thiếu thời gian và nguồn lực để nghiên cứu, thực hiện hoạt động thu mua trực tiếp. Thay vào đó, họ phải dựa vào những bên trung gian truyền thống, vốn khá đắt đỏ, thiếu hiệu quả và đôi khi không minh bạch.

ShelfNow nhắm tới giải quyết vấn đề này. Nền tảng B2B sẽ khai thác các công nghệ khoa học dữ liệu và tính hiệu quả của hoạt động thị trường để giúp người sản xuất và người mua trao đổi và giao dịch trực tiếp nhiều nhất có thể, qua đó giúp giảm chi phí và cho phép thiết lập mối quan hệ ổn định giữa người mua và người bán. Nền tảng sẽ xử lý tất cả các khoản thanh toán, lập hóa đơn và thực hiện đơn hàng, từ đó giúp giảm thiểu hơn nữa thời gian doanh nghiệp dành cho hoạt động quản trị nguồn hàng.

Ông Linardos cho hay lĩnh vực F&B bán buôn của Vương quốc Anh có quy mô khổng lồ. Chỉ tính riêng hoạt động với thị trường châu Âu đã mang lại doanh thu hơn 100 tỷ euro (134,85 tỷ USD) với các doanh nghiệp nhỏ đóng góp khoảng 50% vào con số này. Do đó, tiềm năng phát triển của công ty này là rất lớn.

https://bnews.vn/cac-cong-ty-khoi-nghiep-sang-gia-dinh-hinh-tuong-lai-nganh-foodtech/230735.html

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Các công ty khởi nghiệp “sáng giá” định hình tương lai ngành foodtech tại chuyên mục Khởi nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714843859 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714843859 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10